Một thời gian dài sau đó, điện ảnh Việt Nam dường như đứng ngoài quy luật phát triển của kinh tế thị trường. Những bộ phim nhận tài trợ từ nhà nước tiêu tốn một ngân sách đáng kể nhưng hiệu quả tiếp cận công chúng quá nhỏ nhoi.
Để điện ảnh Việt Nam phát triển, hội nhập với quốc tế, tháng 12-2002, Bộ VHTT quyết định cho phép thành lập hãng phim tư nhân, hoạt động với tư cách doanh nghiệp độc lập trong điều kiện cơ chế duyệt phim thông thoáng. Đặc biệt, doanh thu từ những bộ phim nhập khẩu cộng với sự ăn khách đầy bất ngờ của các bộ phim Gái nhảy, Lọ lem hè phố… đã làm “sống” lại các rạp chiếu phim sau nhiều năm im ắng, đánh thức thói quen đến rạp xem phim và chứng tỏ nhu cầu thưởng thức phim của khán giả là rất lớn.
Chưa phải là tất cả nhưng những thuận lợi trên đã trở thành động lực quan trọng khuyến khích sự nối tiếp nhau ra đời của hàng loạt hãng phim tư nhân tham gia vào thị trường điện ảnh nước nhà đang như một “vùng đất không người” chưa ai thực sự chiếm lĩnh.
Chỉ tạm tính, hiện có khoảng 30 hãng phim tư nhân và Công ty TNHH có chức năng nhập và xuất khẩu, sản xuất phim, tổ chức hội chợ phim… Dự báo con số trên sẽ tăng thêm rất nhiều trong thời gian tới khi có hệ thống rạp chiếu phim tư nhân và thực hiện xã hội hóa truyền hình.
Tuy chưa định hình riêng biệt từng lĩnh vực nhưng dựa vào những hoạt động trong 2 năm qua và dự án sắp tới của các hãng phim tư nhân, bước đầu có thể tạm chia thành các nhóm sau: Nhóm sản xuất có thể kể đến hãng Phước Sang, Thiên Ngân, Phim Việt, Kỳ Đồng, Việt Film, Tân Hữu Nghị, L.a.s.t.a…; nhóm nhập khẩu và phát hành phim như: BHD, Cinet, Quang Diệu, Thảo Lê, Thiên Ngân, T.K.N, Phượng Tùng, Tứ Vân, Visonet…; nhóm làm tiền kỳ, hậu kỳ và kỹ thuật như: Fanatic, D.V.S, P/S, Digipost Việt Nam, Việt Cast (thuộc Việt Image), Đức Việt…
Rải đều ở 2 thành phố lớn và một số tỉnh nhưng hoạt động của các hãng phim tư nhân hầu như tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi có nền kinh tế thị trường phát triển mạnh nhất, đông dân nhất, nhiều rạp chiếu phim nhất, đội ngũ làm phim đông đảo nhất… Số đông giám đốc, phó giám đốc của các hãng phim tư nhân xuất thân là những người từng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật hoặc ít nhiều có liên quan đến nghệ thuật, khá quen thuộc với công chúng.
Đó là một đặc thù rất riêng của điện ảnh Việt Nam bởi ở một số nơi như Hollywood người ta không chọn giám đốc hãng phim là các đạo diễn hay người nổi tiếng mà chỉ chọn người am hiểu thị trường và thị hiếu khán giả. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một thị trường điện ảnh chuyên nghiệp như nước ngoài nên nhờ bước ra từ chính “mảnh đất” của điện ảnh Việt Nam mà các đạo diễn, diễn viên… có những hiểu biết khá kỹ về nội tình, từ đó có những chiến lược phù hợp để phát triển nền điện ảnh nước nhà.
Hiện nay, các hãng phim tư nhân đều đang chuyển động theo cách của mình, sôi nổi hoặc lặng lẽ, có hãng đã có sản phẩm trình làng, có hãng thì còn đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Trong số các hãng phim tư nhân, hoạt động hiệu quả nhất, đã tạo được tên tuổi và uy tín là hãng Thiên Ngân.
Bộ phim điện ảnh đầu tiên Thiên Ngân sản xuất là Những cô gái chân dài không chỉ đạt doanh thu cao mà còn được trao giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 14 (2004), trở thành phim tư nhân đầu tiên được giải thưởng trong lịch sử LHPVN. Thiên Ngân cho biết, khả năng tài chính của hãng đủ để làm 4 – 5 phim nhựa một năm nếu có kịch bản hay.
Đến nay, Thiên Ngân vẫn là hãng tư nhân có số lượng phim nhiều nhất (2 phim đã chiếu và 1 phim sắp bấm máy). Ngày 20-5 vừa qua, Thiên Ngân đã hoàn tất khâu cuối cùng trong quy trình khép kín: sản xuất, nhập khẩu, phát hành và chiếu bóng với việc khai trương cụm rạp Galaxy cinema, được xem là cụm rạp hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.
Hãng phim tư nhân Phước Sang cũng bước đầu tạo được thương hiệu với bộ phim điện ảnh Khi đàn ông có bầu. Doanh thu hơn 14 tỷ đồng của Khi đàn ông có bầu phần nào thể hiện khả năng nắm bắt thị hiếu khán giả, quảng cáo và tiếp thị của hãng phim Phước Sang… Đang nắm trong tay hệ thống nhà hàng và sân khấu kịch, hãng Phước Sang sẽ tiến hành xây dựng rạp nay mai.
Tương tự với quy trình hoạt động của Thiên Ngân là Công ty BHD (công ty mẹ của hãng phim Việt), một tên tuổi lớn trong việc sản xuất phim (sản phẩm đầu tiên ra mắt ngày 27-5 là bản phim điện ảnh 39 độ yêu), nhập khẩu phim, xây cụm rạp Citizen ở Đà Nẵng (sắp khai trương). Đây cũng là hãng phim tư nhân đầu tiên áp dụng công nghệ làm phim truyền hình mới ở Việt Nam khi hợp tác với TFS làm phim truyền hình 39 độ yêu (16 tập), có thể cắt ra dựng thành phim điện ảnh.
Lặng lẽ nhưng hoạt động không kém phần hiệu quả là một số hãng phim chuyên làm tiền kỳ và hậu kỳ. Việt Image là hãng phim đầu tiên ở Việt Nam làm casting diễn viên chuyên nghiệp. Thành lập tháng 7-2003, Việt Image đã casting diễn viên cho phim truyền hình Dốc tình (hãng TFS) và đang casting cho phim Trò chơi sinh tử (hãng VFC).
Khi bộ phim truyền hình Vòng xoáy tình yêu phát sóng trên HTV7 trong chương trình “Phim Việt cuối tuần”, người ta biết đến hãng phim Fanatic chuyên cung cấp từ trang thiết bị, con người đến công nghệ làm phim mới, thực hiện tiền kỳ và hậu kỳ cho đồng thời 3 đoàn làm phim truyền hình và điện ảnh. Từ một công ty chuyên làm phim quảng cáo, Fanatic đã chứng minh được nội lực của mình qua chất lượng âm thanh và hình ảnh khá chuẩn của Vòng xoáy tình yêu, hơn hẳn nhiều bộ phim truyền hình sản xuất thời gian qua.
Bình luận (0)