Có một triển lãm mỹ thuật thật đặc biệt đang diễn ra tại Viện Trao đổi văn hóa Pháp (IDECAF - 31 Thái Văn Lung, quận 1, TP HCM) từ ngày 19 đến 30-6 mang tên “Nét cọ chữa lành” của Trung tâm Bảo trợ xã hội Tịnh Trúc Gia (Huế). Điều đặc biệt của triển lãm này là 4 họa sĩ có tranh trưng bày đều là những người bị khuyết tật về trí tuệ và khả năng nghe - nói: Lê Xuân Lãm, Nguyễn Văn Tiến, Huỳnh Thị Thanh Thảo, Phạm Đình Công.
Họa sĩ đặc biệt
Tranh của Lãm hồn nhiên, chân thật như chính con người bạn. “Tranh của Công thì nói lên rất nhiều về sự điềm đạm, ấm áp và ân cần của bạn ấy, đặc biệt là loạt tranh Phật, tranh ngồi thiền. Nếu Lãm là dòng nước luôn chực tràn khỏi bờ thì Công giống như bờ đê kiên nhẫn. Bù trừ mà vẫn yên ổn và hạnh phúc” - Lê Phương Huyên, thành viên của nhóm Giáo dục cảm xúc - đơn vị cùng tổ chức triển lãm - nhận xét.
Theo ông Philippe Landry, giám tuyển của triển lãm, nghệ thuật nguyên sơ (art brut hay outsider art) được họa sĩ Jean Dubuffet cho rằng đó là loại nghệ thuật chỉ thể hiện một chức năng duy nhất: Sáng tạo. Đó là thành quả của những nghệ sĩ không qua trường lớp, không bị tác động bởi khía cạnh văn hóa của nghệ thuật, là một nghệ thuật bột phát, phi lý tính, một nghệ thuật bên ngoài dòng chính, trực tiếp và thô ráp, nhấn mạnh động thái nhiều hơn là trí năng. “Những tác phẩm khác biệt, cường điệu, đầy cá tính và bản năng này sẽ khiến người yêu nghệ thuật phải lòng” - ông Philippe Landry nói.
Trước khi đến với Tịnh Trúc Gia, Lê Xuân Lãm là một cậu bé hành xử “hoang dại”. Nguồn năng lượng mạnh mẽ trong con người cậu ấy nếu không được kiểm soát sẽ khiến Lãm bị cô lập giữa những người bình thường. Vậy là năm 16 tuổi, gia đình đưa Lãm đến với Trung tâm Tịnh Trúc Gia. Tại đây, thầy cô cho Lãm học vẽ tranh sơn mài như là một cách “trị liệu” để nguồn năng lượng mạnh mẽ trong Lãm được tiết chế lại. Từ những ngày đầu vất vả để học cách nhận biết các công cụ, đọc và viết được tên những vật dụng trong xưởng, giờ đây, Lãm hoàn toàn chủ động trong công việc và liên tục nâng cao kỹ năng ở mọi phương diện.
Nếu như Lãm còn có thể bộc lộ cảm xúc qua lời nói thì Nguyễn Văn Tiến, Huỳnh Thị Thanh Thảo, Phạm Đình Công không những khó khăn về trí não mà còn bị khiếm thính. Công dễ gần, dễ tiếp xúc; trong khi Tiến và Thảo rất nhút nhát, luôn ở một mình và ít trao đổi với người khác, khi buồn hay mong muốn gì đó cũng không biết bày tỏ ra sao. Vậy mà từ lúc học vẽ sơn mài, bao nhiêu cảm xúc của các bạn cứ thế tuôn trào, gửi gắm trong từng tác phẩm.
Chữa lành những tổn thương
Xưởng sơn mài ở Tịnh Trúc Gia là một nỗ lực của các thầy cô nơi đây để giúp các bạn chữa lành những tổn thương khi không thể thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình bởi khó khăn trong phát triển trí tuệ và cũng là minh chứng cho những gì mà tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ, người sáng lập quỹ Eurasia - cơ quan chủ quản của Tịnh Trúc Gia, đã theo đuổi: “Chúng ta có thể sinh ra với một cơ thể không lành lặn, trí óc khó phát triển bằng người khác nhưng trái tim chúng ta luôn vẹn nguyên”.
Những khó khăn về tính cách, hạn chế trong hoạt động của các bạn dần dần được chữa khỏi nhờ sự tận tụy của các thầy cô. Sau 7 năm ở Tịnh Trúc Gia, Công tiếp thu nhanh mọi thứ và hiện trở thành trợ lý của thầy Nguyễn Đình Long, giúp đỡ những bạn khác. Trước đây, Tiến khó khăn trong việc phân biệt màu sắc, giờ đây bạn được xem là người học tiến bộ nhất, có một gu thẩm mỹ riêng đầy sáng tạo. Tiến cũng hòa đồng hơn, tham gia sinh hoạt vui vẻ với mọi người. Trong 2 năm đầu ở xưởng sơn mài, Thảo biết rất ít về màu sắc và chỉ vẽ theo mẫu một cách đơn điệu, lặp đi lặp lại. Thầy Long đã kiên nhẫn dạy cho bạn biết sự khác nhau của từng vật thể, sự đa dạng của đời sống. Thầy kể cho Thảo và giúp Thảo hình dung ra hình ảnh qua mỗi câu chuyện. Thay vì quan sát thông thường, thầy giúp bạn phát huy trí tưởng tượng, diễn tả cảm xúc, mong ước của mình. Bước ngoặt đầu tiên là khi Thảo vẽ cảnh mưa trong mùa hè nóng bức, cho thấy trí tưởng tượng của bạn đã mở rộng. Ngày mới học vẽ sơn mài, tay của Lãm cứ run liên tục, thầy kêu bạn dùng tay cẩn vỏ trứng lên tranh nhưng Lãm không thể làm được. Lãm ở Tịnh Trúc Gia lâu nhất, trải qua 3 người thầy dạy vẽ nhưng mãi tới khi gặp thầy Long, Lãm có nhiều sự tiến bộ. Thầy Long rất hiểu tính cách hoang dại của Lãm nên ban đầu thầy chỉ dạy Lãm vẽ tranh hoa sen. “Em Lãm muốn vẽ những con vật to lớn, dũng mãnh nhưng để trị liệu cho em đằm tính lại, tôi yêu cầu vẽ hoa” - thầy Long nói.
Tại buổi giao lưu triển lãm, Lãm nói thương thầy Long lắm rồi bạn chạy tới ôm thầy thật chặt bởi thầy là một trong những giáo viên dạy vẽ gắn bó với Trung tâm Tịnh Trúc Gia lâu nhất và rất tận tình với các học trò. Thầy còn chủ động học ngôn ngữ của người khiếm thính để có thể hiểu Công, Tiến và Thảo. Gần gũi các bạn lâu nên thầy Long hiểu các bạn muốn biểu đạt điều gì qua tranh vẽ, trong khi ngay cả chuyên gia về ngôn ngữ khiếm thính cũng không hiểu được. Thế nên, thầy vừa dạy học vừa là “người phiên dịch” những ý tưởng trong tranh vẽ của các bạn đến với người xem.
Ông Trần Minh Khánh, giáo viên ở Tịnh Trúc Gia, cho biết các bức tranh của 4 tác giả đặc biệt này hoàn toàn không có sự can thiệp của giáo viên. Vì mục tiêu là để trị liệu cho các em nên giáo viên chỉ làm nhiệm vụ ban đầu là dạy kiến thức về hội họa, không can thiệp về màu sắc, không sửa nét bức tranh. “Triển lãm lần này tuy có mục đích là bán tranh song không phải kêu gọi lòng từ thiện. Chúng tôi chỉ muốn chứng minh những học viên này không thua kém ai. Tuy họ không bình thường nhưng họ có năng lực khác chúng ta. Họ có thể kiếm sống được và đem lại hy vọng cho gia đình của mình”- ông Khánh nói.
Bình luận (0)