Tháng chạp, dòng người Bắc Nam xuôi ngược. Ngã ba ồn ã, mình cô ngồi, lâu lâu tháo kính để lau. Nhưng cô biết mắt mình đang mờ đi bởi những giọt lệ không thể ngăn nổi, chứ không phải cặp kính bị mờ.
Hết vụ, những cánh đồng buồn tênh, hun hút gió mùa. Khói rạ bay u ẩn. Mẹ thở dài:
Hơn tháng nữa Tết rồi, chúng nó về, khéo chẳng có gì để đón ông ạ.
Cô nghe lòng quặn thắt. Tiếng bố:
Bà cứ lo quẩn, mùa vụ năm nào cũng vậy rồi, nhưng Tết thì vẫn cứ Tết.
Bố thầm thì với mẹ thêm một câu gì đó. Lòng cô càng thắt lại. Cứ mỗi câu nói thầm của bố mẹ, của họ hàng, của chòm xóm đều như nhắm thẳng vào cô.
Tấm bằng thạc sĩ ngữ văn của cô, bố lồng khung kính treo giữa nhà. Mỗi bận lướt ngang, cô cúi đầu, không dám nhìn thẳng vào nó. Mấy lần cô năn nỉ bố hạ nó xuống giúp con. Bố bảo cả họ chỉ mỗi mình mày có cái bằng ấy, mày không muốn để bố tự hào một chút à. Cô vào gian trong, bưng mặt khóc.
Hắn đến, tắt máy chiếc xe cũ kỹ từ cổng, lầm lũi đẩy vào sân. Cô nhìn khe cửa, thấy hắn gãi quanh mớ tóc lơm nhơm, lí nhí với bố:
Con tới chở bác gái đi chợ ạ. Hôm qua bác có nhắn con.
Bà ơi, nó đến rồi đây này - bố gọi nhỏ vào bếp.
Mẹ tong tả ra, lại tong tả vào, xách cái giỏ cũ. Hắn đạp đến mấy lần chiếc xe mới nổ máy. Đôi tay mẹ vịn chặt cái lưng còm nhom của hắn. Cô cụp mắt, ghét thương rối bời, ngang ngổn.
Bóng bố lụm cụm bên bờ giếng, với tay kéo cần múc nước. Một tay vịn dây gầu, tay kia bố dậm dậm quanh thắt lưng. Mấy hôm gió mùa về, bố than nhức mỏi. Cô vịn liếp ra sân:
Bố để con. Mẹ đâu rồi? - Cô làm như không biết sự việc hắn vừa tới chở mẹ đi chợ.
À, mẹ ra chợ một tí - giọng bố có phần lúng túng. Cô biết những liên hệ giữa bố mẹ và hắn khiến cô không bằng lòng nên bố mẹ cũng không muốn công khai.
Lửa tí tách, cô bắc ấm nấu bình trà sớm. Con gà mẹ ủ bầy con nơi góc bếp quạc lên khi thấy bóng cô. Mùi phân gà ôi ả thoảng loang không khí. Nước sôi, cô rót mấy bình đậy kín, mời bố vào dùng trà. Mẹ đi chợ cũng phải hai tiếng nữa mới về, bếp trưa khi ấy mới đỏ lửa. Khoảng thời gian mênh mông của buổi sáng khiến cô cảm thấy bứt rứt. Muốn chui đầu vào chăn ôm cuốn sách cũ, đã đọc đến cả chục lần, nhưng con gái nằm ngày thật chả ra sao.
Cô men lối sau nhà ra đồng. Mấy bụi chuối lá khô cong, gió lùa sàn sạt. Mương nước mùa này cũng cạn khô. Mọi sinh thể ẩn yên trong lớp đất cỗi cằn mùa lạnh.
Từ bé đến lớn, cô là đứa con duy nhất trong nhà không biết đến việc đồng áng. Gái út, bố mẹ bao bọc, việc duy nhất là đến trường, học sao cho thật giỏi, mọi việc bố mẹ cùng mấy anh chị lo hết. Cô thành da trắng, tóc dài, thêm cặp kính cận, hình dung càng xa lạ giữa đám bạn đồng lứa. Lực học luôn xếp hạng đầu, cô không nhớ nổi những lần đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Mỗi tấm bằng khen cô nhận, bố coi như bảo vật, nâng niu, lập bản sao lồng khung kính đưa lên nhà thờ họ.
Thảm cỏ khô trên nền đất nứt dưới chân, cô men mãi dải đồng ra đến bờ sông. Bầu trời một sắc xám, dường không biên, nối liền mặt đất. Hai vệt đê vẽ mang mang đến tận xa mù. Cô ngồi, mắt đắm mặt sông. Hơn một năm về trước vẫn nao nức giảng đường. Ba mươi đứa lớp thạc sĩ cho đến giờ này, theo tin tức cô nhận được từ bạn bè, mới bốn đứa có việc làm. Số còn lại mỗi đứa một hoàn cảnh lênh đênh.
Cô đưa tay giật mạnh một nắm cỏ khô, thả xuống dòng sông từng cọng, miệng lẩm nhẩm: Năm nay có việc làm… Năm nay chưa có việc… Năm nay có việc làm… Năm nay chưa có việc… Những cọng cỏ lành lặn đầu tiên lặng lẽ xuôi dòng, còn lại một nắm những cọng vụn nát, cô không biết tiếp tục ra sao với trò bói cỏ lẩn thẩn của mình.
Những ngày đầu sau khi bảo vệ thành công luận văn, gửi đơn xin việc khắp nơi, hồi âm mù mịt, cô vẫn ra sông ngồi khóc. Nửa năm sau, những giọt nước mắt cạn dần. Thi công chức, cả tỉnh chỉ có hai suất, ai cũng bảo đừng hy vọng gì, cô vẫn nộp đơn. Và rớt thật. Cô hạ mức dần dần những tiêu chuẩn tự mình hình dung về công việc sẽ làm, đến độ đứng lớp những trường hẻo lánh sâu cùng của huyện, đơn gửi đi vẫn chỉ mịt mù...
Bảy giờ nhé - tin nhắn từ điện thoại.
Cô hối hả hồi âm xác nhận. Đứa bạn gái duy nhất từ hồi trung học vẫn chưa lấy chồng. Từ ngày tốt nghiệp về lại quê nhà, cô chỉ biết nhắn tin qua lại cùng nó, vài tháng trời hóa thân thiết. Tối nào rảnh rỗi, nó lại kẽo kẹt đạp xe chở cô mấy cây số, ra quán ngô nướng rìa quốc lộ, nhìn những chuyến xe.
Chắc chừng mẹ cũng đã về, cô rời bệt cỏ triền sông, lững thững nhắm hướng mấy bụi chuối khô sau nhà.
Miếng thịt lợn teo tóp, chai dầu rán, thêm vài món bày cúng bàn thờ… mẹ mở giỏ, thở ra một hơi:
Mùa này đi chợ thứ gì cũng hiếm. Rau củ đợi vụ Tết. Cua cá trời lạnh chẳng mấy ai bắt. Đi lên đi xuống mấy vòng chợ chẳng biết mua gì.
Cô hiểu nguyên nhân chỉ phần nào đúng sau lời than của mẹ. Mấy đồng lương hưu bố lĩnh, thêm chút ít đóng góp không đều của các anh chị ở xa chắt bóp gửi về, ba con người chi dụng thiếu trước hụt sau. Đứa con gái mạnh khỏe nhất, đẹp đẽ nhất, bề bề tri thức nhất trở thành gánh nặng của cả nhà.
Xong bữa cơm trưa. Ba người như ba cái bóng, bởi bất cứ đề tài trò chuyện nào cũng sẽ lòng vòng trở lại chuyện của cô. Sau mỗi lá đơn cô gửi đi không thấy hồi âm, bố mẹ lại kiệm lời thêm một chút.
Giấc ngủ trưa là cái cớ để cô có thể chui vào chăn, nằm đến lửng chiều. Lại âm thầm bữa tối. Cô ngóng ra sân từng bóng người ngang ngõ. Phút đứa bạn kẽo kẹt xuất hiện từ xa là phút cô như mở tung được lồng ngực. Bố mẹ không cấm việc cô đi chơi buổi tối, thậm chí bố còn khích lệ để cô giảm bớt ức chế. Giữ nó ở nhà nó quẫn mất - bố phân trần với mấy người hàng xóm khi thấy cô theo bạn ra khỏi ngõ.
Hôm nay có vẻ ấm hơn hôm qua mày ạ - đứa bạn gò lưng nhấn pê-đan.
Ừ, ấm hơn, thấy… cũng đỡ thèm chồng.
Đồ con quỷ. Cái miệng mày từ hồi đi học về đến giờ càng ngày càng bạo. Bố thằng nào dám rước.
Mày làm như mày hơn tao.
Tao nó khác, già kềnh rồi, xấu lắm rồi. Đừng có đem ra mà so.
Cô ôm eo đứa bạn thân, vòng ra phía trước, ghì thật chặt:
Thôi, tao yêu béng mày cho nó khỏe.
Lại cái mồm. Còn thằng đó mày bỏ cho ai?
Bố mẹ tao ưng hắn thì cứ cưới hắn cho... mấy cây chuối đằng sau nhà tao.
Đừng có ỷ đẹp gái, học cao mà chê trai làng nhé.
Cô nhói nhẹ trong lòng, tiếng đang rổn rảng, bỗng chùng lại:
Thực sự tao cũng thấy thương hắn, hiền lành, cun cút, kính trọng bố mẹ tao hết mực. Nhưng tao không thể nào tưởng tượng nổi nếu lấy hắn làm chồng.
Trời sập tối. Tay lái đứa bạn liên tục lảo đảo vì vấp ổ gà. Hơi thở nó dồn dập, đứt quãng.
Hay mày để tao chở một đoạn?
Thôi đi tiểu thư, làm ơn ngồi yên cho tôi nhờ. Tôi gái nông thôn, nặng huỳnh huỵch thế này, tiểu thư chở tôi có mà quăng cả hai xuống ruộng à?
Đứa bạn giọng điệu bốp chát, xoáy thẳng vào mặc cảm của cô. Nhưng với riêng nó cô đã quen, xem như một sự thừa nhận, cũng xóa nhòa trước cô mọi mặc cảm của nó. Gái nông thôn, hăm bảy tuổi chưa chồng, chút nhan sắc có chăng là nhờ độ ửng của tuổi thanh xuân, giờ đã phai mòn qua từng mùa từng vụ bươn bải với ruộng đồng, coi như đã bước một chân vào tuổi già đơn chiếc.
Quán lá ven ngã ba, đường liên huyện nhập vào quốc lộ, nơi những chuyến xe dừng bắt khách cả vùng, rồi lại nhả khói mịt mù về phía những chân trời bổi hổi. Mấy quả ngô trái vụ, nóng đều trên bếp than hoa, mỡ hành thơm nưng nức. Song đó chỉ là cái cớ để cô và bạn ngồi đây, khi dạ đã lửng no sau bữa cơm chiều.
Mày còn nhớ nhà văn Thạch Lam không?
Thôi đi bà, gần chục năm cắm đầu xuống ruộng, giờ đào lại trong óc tôi không còn nổi nửa mảnh chữ nghĩa.
Cái truyện ngắn Hai đứa trẻ mình cũng mới học gần đây thôi mà?
Quên sạch rồi. Mà tự dưng vì sao mày hỏi tao?
Trong truyện ngắn ấy, có hai đứa trẻ, đêm đêm ngồi nhìn những chuyến tàu qua ga xép, mơ về những chân trời lạ. Nó hệt tâm trạng tao với mày lúc này.
Mày còn được tung tẩy bao năm thành thị, tao từ bé đến lớn chưa ra tới tỉnh chứ nói gì thành phố.
Thì cái thành phố tao học cũng chỉ là trung tâm của một cụm tỉnh, chứ có phải đô thị lớn đâu? Hơn nữa, thà chẳng biết gì, chứ biết một tí rồi, bị chôn chân như thế này tao lại càng cuồng.
Giá mày chả phải con út.
Thì nguyên nhân chính ở chỗ ấy, tao đi rồi, bỏ bố mẹ ai chăm? Thêm nữa tao cũng được gần gũi, cưng chiều nhất từ bé. Dứt nhà đi học được chừng ấy năm là bố mẹ tao đã hy sinh lớn lắm rồi.
Thế thì lo yên ổn lấy chồng đi, cho bố mẹ mày nhờ.
Nhờ gì, giờ tao chịu cưới, hẳn phải bắt rể về nhà. Miệng ba người ăn đã không đủ, thêm ông chồng bấp bênh đồng áng, khéo càng níu nhau mà khổ. Rất nhiều lần tao có ý định liều mình ra đi. Coi như thêm một khóa học nữa, để khi có công ăn việc làm thành đạt, sẽ về kéo bố mẹ tao đi theo. Chứ ở lại, hóa ra công bố mẹ bao năm nuôi mình ăn học thành ra công cốc. Đời cha mẹ khổ, mong đời con có học cho sướng, rốt cuộc còn khổ hơn cả đời cha mẹ sao?
Mày tính đi đâu?
Tất nhiên là vào thành phố.
Mày có điên không vậy? Thân gái dặm trường, thành phố chưa một ngày biết mặt. Vào đấy chúng nó lừa cho thì khổ.
Tao chả sợ. Ở thành phố, nghe nói có học, có gắng sức là sẽ có việc. Không như ở quê mình, gắng mấy cũng đâm đầu vào tường.
Mày có người quen nào trong ấy không?
Tao có ông chú, con chú con bác với bố tao, vào trong ấy đã lâu. Mấy lần Tết về quê, chú ấy vẫn khuyến khích tao vào thành phố. Chú ấy tân tiến lắm, chẳng như bố mẹ tao. Gần đây, chú ấy vẫn nhắn tin, bảo tao nếu vào thì cứ đến ở nhà chú ấy.
Mày vào đấy làm gì?
Trước mắt là làm việc mùa vụ. Gần Tết, ở thành phố rất cần người. Chịu khó làm cũng học hỏi được kinh nghiệm, có thêm các mối quan hệ. Sau Tết, nếu thấy ổn thì vào làm hẳn luôn.
Cô nhìn ngang, thấy ánh mắt đứa bạn chợt xa vời vợi, hắt rưng rưng một vệt than hồng đỏ.
Mày đi rồi, tao làm bạn cùng ai? Cơ mà mày đi được, tao cũng mừng cho mày. Nếu dám đi thì cứ đi.
Mày phải tuyệt đối xem đây là bí mật. Tao đã suy nghĩ rất lung suốt nhiều ngày nay. Phải liều một phen mày ạ.
Mày tính đi ngay sao?
Gần Tết rồi, đây chính là thời điểm thích hợp nhất để tao đi…
Hai chiếc ngô nướng hóa thành nghẹn đắng. Cuộc chia ly ập đến rất gần.
Đường về buốt lạnh. Ánh sáng nơi ngã ba còn hắt một quầng thoi thóp trước khi mờ hẳn phía chân trời. Đứa bạn siết tay cô trước cổng nhà:
Mày đi chân cứng đá mềm…
Buông tay ra, cô biết chắc rằng nó khóc.
Và giờ, đến phiên cô khóc. Chiếc ba-lô oặt dưới ghế, như đôi chân cô oặt phút xa quê, không thể nào cất lên nổi. Những chuyến xe ồ ạt tấp ngang ngã ba. Tiếng mấy gã phụ xe lới ới: Thành phố, thành phố không? - Cái mục tiêu lừng lững mà xa mù ấy sẽ hiện ra ngày mai, hay chẳng bao giờ nữa? Đôi chân cô vẫn mềm nhũn, bất tuân hai hàm răng nghiến chặt.
Giữa ngã ba, ập tới hai chiếc xe máy cũ, bốn bóng người nhớn nhác. Bố, mẹ, cô bạn và hắn. Cô gục đầu xuống gối, gắng giấu đi hình dong mà phút này cô thấy nó tràn trề tội lỗi. Qua kẽ tay, ánh mắt đứa bạn hướng phía hàng ngô nướng quen thuộc, sáng lên. Và mẹ ập tới, ghì lấy cô.
Ối con ơi, sao con khờ dại thế này?
Bố đứng cạnh, hai mắt đỏ hoe. Đứa bạn gái quay đầu, tránh ánh nhìn từ cô. Và hắn, chiếc áo sơ-mi mỏng manh duy nhất trên người, giữa tiết trời lạnh như cắt da cắt thịt.
Mày thông cảm, tao không thể nào giấu nổi bố mẹ mày. Ngay cả… anh ấy, khi biết tin, cũng lao xe đi như điên như dại, có kịp khoác cái áo ấm đâu. Mày nhìn đi, anh ấy đang run bần bật kia kìa - Đứa bạn thì thào cùng cô, hất đầu sang chiếc xe hắn chở cả bố và mẹ cô đi sát phía sau.
Cô im lặng. Đứa bạn tiếp giọng đều đều:
Thôi thì tao ít học, suy nghĩ giản đơn, nhưng ngẫm ra hạnh phúc cũng do mình “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Mày mới ra trường hơn năm, công việc chưa có cũng là bình thường, rồi đâu sẽ vào đấy. Thu xếp ở lại với gia đình, người thân, những thứ ấy dù mày thành đạt đến đâu ở thành phố cũng chẳng có được...
Hắn nằm co ro dưới lớp chăn bông, trên chiếc chõng kề bếp lửa. Khói mang mang suốt mấy gian nhà tranh trống trải. Mẹ cô đặt xuống đầu chõng chục trứng con gà mới đẻ. Bố đang siết tay thật chặt tay bố hắn trước thềm.
Từ hôm đón cô trở về với chiếc áo phong phanh, hắn nhiễm hàn nằm bẹp. Bác sĩ bệnh viện huyện bảo viêm phổi nặng, nằm ít ngày rồi cho về nhà uống thuốc, kẻo gia đình sốt ruột trong thời gian giáp Tết. Ngày mấy bận mẹ cô chạy qua chạy về như thể chính con trai mình nằm viện. Tết cận kề, gia cảnh hắn neo đơn y hệt nhà cô. Thằng con út ở lại chăm cha già. Mấy anh chị vào thành phố làm công nhân, lập gia đình, sinh con, mẹ phải vào chăm con các anh các chị. Tết may ra họ về được, gia đình đoàn tụ đôi ngày.
Hắn ngước đôi mắt ướt át vì bệnh, thèn thẹn nhìn cô. Đôi mắt ấy chưa bao giờ dám nhìn cô trực diện. Và cô cũng vậy, chưa bao giờ nhìn hắn một cái nhìn ngang mặt.
Bố hắn lại gần chiếc chõng, như phân trần:
Nó nhiễm tí lạnh nên bị vài ngày sẽ khỏi thôi, chứ bình thường khỏe lắm. Người khô khô vậy mà dai sức. Việc nhà tôi, việc chòm xóm, việc họ mạc… chẳng việc gì không qua nó.
Cô vặn vẹo đôi tay, dợm lại thật gần, môi run nhẹ:
Anh cố gắng dưỡng bệnh, để vài hôm nữa khỏe... Em xin lỗi, tất cả tại em.
Miệng hắn nở nụ cười khô kiệt nhưng ánh sáng thắp liền đôi mắt, rợi lên một thứ xúc cảm lạ kỳ. Xúc cảm ấy, hơn ai hết cô là người hiểu được.
Chợ hoa có lẽ cũng sắp họp rồi, chính nơi cái ngã ba hôm trước. Và những chuyến xe sẽ lần lượt đưa những người thân trở về, anh chị cô, anh chị… người kia. Trong tâm tưởng, có lẽ cô sẽ xóa dần chữ “hắn”, thay vào đó một đại từ khác.
Bình luận (0)