Đạo diễn Phương Điền - người từng gây ấn tượng mạnh với những bộ phim tình cảm gia đình lãng mạn như “Dù gió có thổi”, “Cá rô, em yêu anh!”, “Những cơn mưa tình yêu”, “Cha rơi”… - đã trở lại với một đề tài mới mẻ hơn trong “Nữ cảnh sát tập sự” (đang phát sóng vào lúc 21 giờ 20 phút thứ hai, thứ ba hằng tuần trên VTV3). Đây là một bộ phim hình sự, hành động về lực lượng cảnh sát hình sự của một thành phố, hứa hẹn nhiều hấp dẫn nhưng thực tế, nó không như kỳ vọng của người xem.
“Được mùa” lên sóng
“Nữ cảnh sát tập sự” là câu chuyện của một nữ học viên Học viện Cảnh sát vừa được vào thực tập tại đội trọng án của Công an TP. Trong thời gian thực tập, cô được trực tiếp tham gia các vụ trọng án đầy rẫy nguy hiểm. Xen kẽ với những câu chuyện phá án đầy kịch tính là chuyện tình lãng mạn của Hoàng Hoa và Khánh. Đạo diễn Phương Điền nói vui rằng anh cũng bắt đầu làm một “đạo diễn tập sự” vì đây là lần đầu thử sức ở đề tài này.
Khung giờ vàng của THVL1 hiện phát sóng bộ phim hình sự “Sống để chuộc lỗi” (đạo diễn Nam Yên), khắc họa thế giới tội phạm đầy u ám. Kịch bản phim lấy cảm hứng từ sự kiện 23.000 tù nhân viết tự truyện “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” do Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an tổ chức tháng 11-2011.
Phim gồm 4 phần, mỗi phần là một vụ án với những câu chuyện, nhân vật khác nhau. Phim không chỉ đề cao công việc của đội phá án gồm 4 cảnh sát tài năng: Chi Mai (Anh Thư), Thu Phương (Lê Bê La), Phương Nam (Huỳnh Đông), Bảo Trung (Huy Khánh) và đội trưởng Đội chuyên án An Minh (Mạnh Hùng) mà còn là “lát cắt’ khốc liệt nhất của những phận đời trót sa chân vào con đường tội lỗi.
Cũng là phim hình sự, “Vòng tròn tội lỗi” (đạo diễn Lý Khắc Lynh và Nguyễn Thành Vinh, phát sóng 20 giờ trên kênh HTV7) kể về quá trình điều tra phá án, bóc trần tội ác, buôn bán ma túy, rửa tiền, xã hội đen… Đây là “màu sắc” mới của hãng M&T Pictures- đơn vị chuyên trị dòng phim về đề tài tình yêu, hôn nhân gia đình. Theo đạo diễn Lý Khắc Lynh, dù là phim phá án nhưng cái chính là đi sâu khai thác những yếu tố nhân văn, cảm động quanh đời sống, nỗi đắng cay của số phận nhân vật...
Cuối năm 2015, đầu năm 2016, màn ảnh Việt chứng kiến sự “đổ bộ” của hàng loạt phim về hình sự, phá án, ông trùm, giới giang hồ... Trước đó, có thể kể đến các phim như: “Kẻ giấu mặt”, “Ông trùm”, “Thề không gục ngã”, “Câu hỏi số 5”, “Truy tìm hung thủ”, “Con gái ông trùm”… Sau mảng đề tài tình yêu - hôn nhân chiếm số lượng lớn trên màn ảnh với các câu chuyện yêu đương, “tay ba” thì các nhà làm phim hy vọng sự ly kỳ, kịch tính trong phim hình sự có phần gai góc sẽ tạo nên sức hút khác. Tuy nhiên, việc tập trung khai thác đề tài này đã có dấu hiệu bội thực khiến khán giả ngán ngẩm.
Nhiều nhưng mờ nhạt
Phim hình sự Việt từng có tác phẩm đầu tiên vang bóng một thời và có sức sống vượt thời gian. Đó là “Cảnh sát hình sự”, ra mắt vào năm 1997, lập tức gây được ấn tượng mạnh mẽ với khán giả và tạo được thương hiệu riêng của Hãng Phim truyền hình Việt Nam (VFC). Hàng trăm tập phim lôi cuốn khán giả với nội dung khai thác nhiều khía cạnh khác nhau trong hoạt động nghiệp vụ của ngành công an.
Sau này, thỉnh thoảng cũng có vài phim khác được khán giả đón nhận như “Những đứa con biệt động Sài Gòn”, “Vật chứng mong manh”, “Bí mật Tam giác vàng”…. Song, những phim hình sự, phá án thời gian gần đây bộc lộ nhiều hạn chế bởi đề tài cũ kỹ, tình huống gượng ép, thiếu chân thực. Lỗi trước hết là ở kịch bản.
Một đạo diễn nổi tiếng nhận xét: “Không ai bắt buộc biên kịch về phim tình yêu hôn nhân phải am hiểu tất cả về tình yêu hôn nhân nhưng viết phim về hình sự mà không am hiểu về hình sự thì… hỏng bét”. Chính vì thế, những kịch bản đề tài này thường phải được những người am hiểu về ngành công an, về lĩnh vực hình sự chắp bút.
Đã có một thời, những tác giả như Nguyễn Như Phong, Nguyễn Xuân Hải, Bùi Anh Tấn, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thu Phương… được huy động viết kịch bản. Còn hiện nay, khi “nhà nhà làm phim hình sự”, kịch bản cũng được triển khai viết đại trà như những thể loại khác bởi những người không có trình độ, chuyên môn, hiểu biết. “Nữ cảnh sát tập sự” gần đây có dấu hiệu đuối sức khi tình huống ngô nghê, vô lý… khiến khán giả nhăn mặt, khó chịu.
Bùi Quốc Việt - đạo diễn của một số bộ phim truyền hình đề tài hình sự như “Giọt nước rơi”, “Đầm lầy bạc” - cho rằng làm phim về đề tài hình sự không phải là thế mạnh của truyền hình Việt. Bởi lẽ, ngoài kịch bản non tay, quá trình thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn về bối cảnh, các pha hành động. Tuy nhiên, nếu biên kịch, đạo diễn, diễn viên nắm rõ tường tận ngành nghề để thể hiện thuyết phục thì chuyện chưa đầu tư về bối cảnh, hành động cũng có thể chấp nhận được.
“Tôi nghĩ trong tình hình kinh phí làm phim ở Việt Nam còn thấp, các nhà sản xuất không nên đua nhau làm phim hình sự. Kịch bản đã non yếu mà làm theo kiểu cỡ nào cũng làm được thì chẳng trách sao phim nhàm chán”- một nhà phê bình phim lo ngại.
Làm theo trào lưu, thiếu sáng tạo
Phim Việt lâu nay vẫn hay làm theo trào lưu. Cứ hễ có 1-2 phim về đề tài nông thôn thì hàng loạt phim ra mắt sau đó cũng cùng đề tài ấy.
Theo đạo diễn Lý Quang Trung, Giám đốc Hãng phim TFS, phim truyền hình Việt hiện chạy theo trào lưu đề tài hình sự, phá án. Điện ảnh các nước cũng hay có trào lưu làm một đề tài phim nhất định nhưng những tác phẩm của họ vẫn có sức hút.
“Phim Hàn dù theo một đề tài nhưng nội dung luôn độc đáo và sáng tạo nên thu hút người xem trong một thời gian rất dài. Còn phim Việt chẳng có cách thể hiện mới mẻ, nhiều sạn ở kịch bản, diễn xuất hời hợt nên rất dễ làm khán giả ngán ngẩm” - đạo diễn Lý Quang Trung so sánh.
Bình luận (0)