xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngân xa Dạ cổ hoài lang

Vũ Đức Sao Biển

Dạ cổ hoài lang là một tác phẩm cổ nhạc gồm 20 câu ca, 118 chữ đờn, do nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892-1976) sáng tác năm 1919 theo thang âm ngũ cung mở rộng của Nam Bộ (Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, Liu, U). Xét về tổng thể, đây là một bài ca độc lập, giai điệu đẹp, ca từ hay

Khi vừa ra đời, bài ca đã được các dàn đờn ca tài tử Nam Bộ hân hoan đón nhận; càng ca lên, càng làm say đắm lòng người. Từ bài ca của đờn ca tài tử, Dạ cổ hoài lang đi vào sân khấu. Các soạn giả cải lương đã phát triển một cách lâm ly, tận chí phong cách và tiết tấu của Dạ cổ hoài lang thành nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32… ra thành bài ca vọng cổ ngày nay. Dạ cổ hoài lang chính là cái gốc của bài vọng cổ.

Trong đờn ca tài tử cũng như trên sân khấu cải lương, Dạ cổ hoài lang được biểu diễn như một bài ca độc lập. Tuy nhiên, cổ nhạc có đặc điểm là người nghệ sĩ học bài bản (với thầy) thì học chân phương nhưng khi biểu diễn (một mình) thì biểu diễn hoa lá. Mỗi nghệ sĩ ca Dạ cổ hoài lang theo sự phát triển ngẫu hứng của họ. Nghĩa là họ có thể thêm thắt (hoặc thay đổi) một vài từ trong ca từ, có thể luyến láy một vài nốt trong thanh nhạc. Tính dị bản xảy ra đối với bài ca âu cũng là tình trạng chung của văn hóa văn nghệ dân gian.

Năm 1999, tôi nhận công việc phục hiện Dạ cổ hoài lang qua thanh nhạc Tây phương. Tôi dùng khái niệm phục hiện (réarrangement) mà không dùng khái niệm phục chế bởi Dạ cổ hoài lang đã có sẵn; nhiệm vụ của người đời sau là tái hiện nó giống như bản gốc của người xưa. Ðiểm khác biệt duy nhất là người xưa viết nó bằng ngũ cung mở rộng của cổ nhạc thì tôi viết nó lại bằng thất cung của solfège thanh nhạc Tây phương (Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si). Bản Dạ cổ hoài lang bằng thanh nhạc Tây phương này đương nhiên được hòa âm bằng nhạc cụ Tây phương. Hương Lan, Hạnh Nguyên và nhiều ca sĩ khác đã hát nó trong các chương trình truyền hình và sân khấu tân nhạc, được đông đảo người yêu nhạc tán thưởng.

Như vậy, từ tác phẩm đặc hữu của sân khấu cổ nhạc và đờn ca tài tử, Dạ cổ hoài lang đã xuất hiện một cách có quy chuẩn trên truyền hình và sân khấu tân nhạc. Phạm vi quảng bá của nó rộng lớn hơn rất nhiều. Công chúng trẻ yêu nhạc có thể tiếp cận, dễ dàng đờn và ca Dạ cổ hoài lang bằng nhạc cụ Tây phương.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức tại TPHCM hai cuộc hội thảo nhằm chuẩn hóa lại ca từ và thanh nhạc của bài Dạ cổ hoài lang. Kết quả từ hai cuộc hội thảo cộng với sự thẩm định của các nhà làm văn hóa ở Bạc Liêu đã cho ra một bản ca từ chuẩn của Dạ cổ hoài lang được công bố trên mạng với 20 câu, 118 chữ đờn.

Tháng 6-2012, tôi ký âm lại bài Dạ cổ hoài lang trên cơ sở 20 câu, 118 chữ đờn do sở công bố. Ở cả hai lần phục hiện, tôi viết lại Dạ cổ hoài lang với chủ âm Mi thứ (Em - tương đương với giọng đào của bài ca vọng cổ), nhịp 2/4, phong cách nhạc Ballade. Trong bản phục hiện này, tôi chỉ sửa một nốt ở câu 2 (Báu kiếm sắc phán - Mi Mi Mi Mi) so với bản phục hiện đầu tiên (Bảo kiếm sắc phong - Mi Mi Mi Do#) theo đề nghị của sở.

Chúng tôi tiến thêm một bước nữa, dịch nội dung của Dạ cổ hoài lang ra ngoại ngữ. Các bản dịch tiếng Pháp (nhà báo Danh Ðức, Báo Tuổi Trẻ), tiếng Anh (nhà báo Tố Loan, Báo Thanh Niên), tiếng Quan thoại (nhà báo Liêu Phúc Minh - Báo Pháp Luật TPHCM) đã hoàn thành, chờ ngày được công bố.

Như vậy, các nhà nghiên cứu nước ngoài quan tâm đến cổ nhạc Việt Nam có thể tìm hiểu, nghiên cứu Dạ cổ hoài lang dễ dàng qua các bản dịch tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Quan thoại. Bản thân Dạ cổ hoài lang đã là một viên ngọc quý trong văn hóa phi vật thể ở phương Nam. Nhiệm vụ của người đời sau là phát huy cho nó càng ngày càng sáng, càng đẹp.

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là người con của đất Long An, lớn lên ở Bạc Liêu, đã để lại dấu ấn cho đời một bài ca bất hủ. Tôi là người con của đất Quảng Nam, trưởng thành ở Bạc Liêu, cũng chỉ mong để lại một dấu ấn như người xưa. Công chúng yêu nhạc phía Nam và nhiều đài truyền hình đã có những ghi nhận và đồng cảm với công việc phục hiện Dạ cổ hoài lang qua thanh nhạc Tây phương của tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi đóng góp được một chút công sức nhỏ nhoi nhằm giữ gìn một di sản quý trong văn hóa dân tộc. Một điều hiển nhiên là cách phục hiện này đưa Dạ cổ hoài lang thoát ra hẳn sân khấu cổ nhạc và đờn ca tài tử, đến với đông đảo công chúng thưởng ngoạn như một ca khúc (chanson) phổ thông. Các bạn trẻ và người nước ngoài có thể nhìn thấy "diện mạo" của Dạ cổ hoài lang và chơi bản nhạc với bất kỳ nhạc cụ định âm nào tùy thích mà không cần đến những nhạc cụ bán định âm như tranh, bầu, kìm, cò của cổ nhạc.

Hai chục năm qua, tôi đã âm thầm phát triển phong cách, tâm hồn của Dạ cổ hoài lang qua những ca khúc mới. Bạn đã nghe Trở lại Bạc Liêu, Ðêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Ðiệu buồn phương Nam, Trên sóng Cửu Long, Phượng nhớ Hoàng… của tôi. Hẳn bạn đã nhận ra phong cách và tâm hồn ấy? Ðó cũng là một cách làm cho Dạ cổ hoài lang có thêm sức sống bền bỉ với cuộc đời.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo