xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghe cải lương xưa, hãy đến cô Sáu Liên

Thanh Hiệp

Soạn giả Viễn Châu, ông vua vọng cổ, đưa cho chúng tôi một danh mục những đĩa hát nổi tiếng của ông và khẳng định: “Chỉ cô Sáu Liên mới tập hợp đầy đủ các sáng tác của tôi”

img
Những tác phẩm sân khấu nổi tiếng được cô Sáu Liên lưu giữ trong suốt 60 năm qua
Tìm đến số 82 Hồ Tùng Mậu, quận 1 - TPHCM - nơi đặt văn phòng Công ty TNHH Dĩa hát Việt Nam do cô Sáu Liên làm giám đốc - chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước hàng ngàn sản phẩm cải lương xưa được xếp theo từng niên đại. Những năm 40 - 50 của thế kỷ 20 có băng đĩa của cô Tư Sạng, ông Tám Thưa, ông Năm Nghĩa (thân sinh nghệ sĩ Bảo Quốc), cô Bảy Phùng Há...; thập niên 60 có hàng ngàn sản phẩm lưu giữ các giọng ca Ngọc Giàu lúc 14 tuổi, những Lệ Thủy, Minh Cảnh, Thanh Hương... còn ở tuổi mầm non. Tất cả đã được gia đình ông Lê Văn Tài - cha của cô Sáu Liên - phát hiện, mời thu đĩa.

Tạo nên những danh hiệu

Hơn 60 năm hoạt động, từ thời song thân của cô Sáu Liên sáng lập hãng đĩa hát Việt Nam (năm 1947), đến nay đã có ba thế hệ nối nghiệp gia đình lưu truyền những băng đĩa cải lương xưa. Ở đó, mỗi sản phẩm không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chất chứa nhiều giá trị tinh thần.

Cô Sáu Liên cho biết cô cất giữ các băng đĩa này như lưu giữ báu vật trong kho, có chế độ bảo quản trong phòng lạnh nên không suy suyển về chất lượng. Khi mỗi chương trình được chọn nhân bản, phát hành ra thị trường, cô Sáu Liên là người đích thân nghe lại, chọn lọc, cắt xén những đoạn bị hỏng về mặt âm thanh. Nhờ vậy nhiều sản phẩm vẫn giữ được chất ấm áp, trong trẻo của những giọng ca vang bóng một thời. Cô Sáu Liên cho biết đĩa Hoa rơi cửa Phật, với các giọng ca Tư Sạng, Tám Thưa, Năm Nghĩa, Hồng Châu, Út Trà Ôn... bán chạy nhất vì khán giả sành điệu thích nghe cải lương nhịp 8 và 12. Lời ca khoan thai, chậm rãi, mỗi ca từ được nâng niu như rót vào lòng người nghe sự chân thành, da diết của tâm hồn nghệ sĩ. Các sản phẩm nghệ thuật này không mang tư tưởng cao siêu hoặc rao giảng đạo đức xa vời mà đi vào những tích truyện ca ngợi thủy chung, lòng nhân ái, không hề lạc hậu theo thời gian. Cũng từ những đĩa hát này mà có nhiều nghệ sĩ được công chúng ban tặng những danh hiệu yêu quý. Tấn Tài được gọi là “Hoàng đế đĩa nhựa”, Út Trà Ôn là “Đệ nhất danh ca”, Út Bạch Lan “Đệ nhất đào thương”, Ba Vân “Quái kiệt”, hay Bích Sơn “Kiều nữ”...

Từ thời băng đĩa rộ lên ở thị trường Sài Gòn những năm 60, các hãng đĩa ra sức cạnh tranh để mỗi sản phẩm là một dấu ấn của thương hiệu. Không hề có chuyện nghệ sĩ thu thanh chạy sô, càng không có thói làm ăn gian dối. Các mầm non sân khấu vẫn được mời thu thanh chung với các tài danh. Năm 16 tuổi, có lần Minh Cảnh bật khóc vì ca trật nhịp khiến một danh cầm nổi giận bỏ ra khỏi phòng thu. Thanh Nga chỉ ca sai lời liền bị bà bầu Thơ bực bội, quở trách ngay trong phòng thu. NSƯT Ngọc Giàu nhớ lại: “Lần đầu tôi vào phòng thu, nhìn chú Hoàng Giang, chú Minh Chí, cô Năm Cần Thơ là sợ đến run. Ai cũng khó tính trong làm nghệ thuật, vì hồi xưa thu đĩa một lần từ đầu đến cuối, một câu ca bị hỏng là cả bài hát phải thu lại”. Còn NSƯT Lệ Thủy thì: “Nhờ quá trình làm việc mang tính chuyên nghiệp đó mà chúng tôi trưởng thành hơn trong nghề. Bởi hồi xưa thầy tuồng phân vai, tự mình phải mày mò nghiên cứu, vào phòng thu được các cô chú phân tích, bổ sung thêm cho nghề nên ra sàn diễn đâu sợ vai nào. Tính cách nào chúng tôi cũng thâm nhập được”.

Vượt thời gian nhờ cảm xúc thật

Hàng loạt băng đĩa như: Nửa đời hương phấn (Hữu Phước, Út Bạch Lan), Khi hoa anh đào nở (Út Hiền, Việt Hùng, Bạch Tuyết), Sông dài (Thanh Nga, Năm Châu, Ngọc Nuôi), Tu là cội phúc (Minh Cảnh), Tô Hoa Nương (Mỹ Châu, Minh Phụng), Vắt sữa nai nuôi mẹ (Út Bạch Lan, Thành Được), Người đẹp Bạch Hoa Thôn (Thanh Hương, Minh Chí), Con gái chị Hằng (Tám Vân, Thanh Loan, hề Minh), Quan Âm (Tám Dang, Tư Bé), Gái rừng ma (Hà Bửu Tân, Ngọc Hương)... đã thu hút người nghe như tình tri âm của những tâm hồn đồng điệu. Điều lạ là trong số khán giả đến tìm mua băng đĩa cải lương xưa ở đây, ngoài lượng khách trung niên, còn có nhiều sinh viên, học sinh, những người hằng ngày vẫn bị vây bủa bởi dòng nhạc thị trường thời hiện đại.

Vì sao cải lương xưa, thông qua những băng đĩa này, vẫn còn sức hút mãnh liệt đối với công chúng đến vậy? Câu trả lời của soạn giả Viễn Châu: “Hồi đó chúng tôi viết bằng cảm xúc, không chạy theo đơn đặt hàng. Có lẽ vì thế mà tác phẩm đậm chất trữ tình. Mỗi sản phẩm ra đời là một công trình sáng tạo với nhiều tinh hoa".

Băng cải lương xưa có những giọng ca đã được bảo chứng bởi tài năng. Mỗi ca sĩ đều có giọng riêng, không trùng lắp. Chỉ cần nghe nói lối là đã nhận ra Mỹ Châu, Minh Phụng, Phượng Liên, Ngọc Giàu... Ở xa, mỗi tối nghe cải lương xưa, tôi thấy mình thêm gần với quê nhà. (Một Việt kiều ở Đức)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo