Đã qua rồi cái thời nhắc tuồng và làm thư ký sàn tập theo kiểu thủ công. Đã qua rồi thói quen chép tay trên cuốn kịch bản rồi người nhắc dành thời gian cắt dán, lắp ghép từng câu thoại. Nghề nhắc tuồng ngày nay đã có công nghệ hỗ trợ. Từ máy thu âm, máy tính bảng, điện thoại di động đến máy bộ đàm, máy chuyên dụng cho nghề nhắc tuồng đều được trang bị rất chuyên nghiệp.
Quy mô, hiện đại
Cách đây vài năm, người làm nghề nhắc tuồng chỉ đơn độc, nhờ có uy tín nên được nghệ sĩ và đoàn hát mời, thỏa thuận tiền công và lịch tập dượt, biểu diễn. Ngày nay, các nhóm nhắc tuồng từ sân khấu cho đến phim trường đều thuộc ê-kíp, hoạt động gần như hình thức công ty nhỏ, chia ra từng khu vực để hành nghề.
Sân khấu cải lương hiện có 3 nhóm nhắc tuồng rất đắt khách: Ngọc Bích, Minh Thành và Lê Tâm. Họ đã gắn bó trên dưới 10 năm với sân khấu, dần dần lập nên thương hiệu và trang bị những phương tiện hỗ trợ cho nghề. Chuyên viên nhắc tuồng Ngọc Bích tâm sự: “Tôi đam mê sân khấu, gắn kết với nhiều nghệ sĩ như tình thâm trong gia đình, rồi dần dà gắn bó với nghề này đến nay. Bây giờ, nghề nhắc tuồng phát triển hơn. Ngoài sàn diễn, chúng tôi còn nhắc cho diễn viên ở trường quay phim truyện cải lương, phim truyền hình… nên sự cạnh tranh theo ê-kíp đòi hỏi phải có thương hiệu. Nghệ sĩ và nhà tổ chức sẽ yên tâm khi làm việc với nhóm có uy tín”.
Thực tế cho thấy dù sân khấu cải lương đang gặp khó khăn, sàn diễn hiếm khi sáng đèn nhưng bù lại, mật độ chạy sô quay video và biểu diễn đại nhạc hội có trích đoạn cải lương, tuồng cổ của đội ngũ nhắc tuồng lại nhân lên. Do vậy, các nhóm nhắc tuồng nhận lịch rồi phân người chạy theo nghệ sĩ khắp nơi. Mỗi nhóm có 3 hoặc 5 người, “tác nghiệp” không thua gì báo chí. Họ biết ghi tốc ký, thu âm lời thoại, lời ca, biết cả bài bản để nhắc nghệ sĩ và cả việc lưu trữ những ghi chú của nghề mà mỗi trích đoạn đòi hỏi phải có, như: đạo cụ, phục trang, cảnh trí…
NSND Lệ Thủy cho biết: “Những nghệ sĩ lớn tuổi, cái đầu không còn làm việc như trước, nếu không có mấy em nhắc tuồng thì coi như suất hát không trọn vẹn”. Theo NSƯT Minh Vương, có khi một ngày mỗi nhóm nhắc tuồng làm đến 3 nơi: Sàn tập, sàn diễn và sàn quay. “Các em nhắc tuồng thuộc các nhóm còn là thư ký của tôi. Không có các em thì khó mà kham nổi khối lượng lớn kịch bản của một ngày làm việc” -NSƯT Minh Vương thừa nhận.
Với vai trò đạo diễn, NSƯT Kim Tử Long cho biết: “Làm công tác dàn dựng hiện nay, nhiều khi phải trông cậy vào người nhắc tuồng. Họ nắm sát diễn biến sàn tập, sàn quay. Khi biểu diễn gặp sự cố, họ thay nghệ sĩ xử lý. Cụ thể, khi nghệ sĩ trễ lớp, quên thoại, ca nhảy lớp…, chính người nhắc tuồng có nghề sẽ nhắc bạn diễn thêm vào câu thoại, lôi người “lạc lối” quay về đúng nhịp”.
Đạo diễn Vũ Xuân Trang cho rằng ai một thời là diễn viên mà không làm công việc nhắc tuồng thì coi như chưa có sự trải nghiệm của đời nghệ sĩ. “Nghề này thú vị biết bao và cũng bạc bẽo biết bao! Song, cái sướng của nghề chính là thăng hoa cảm xúc cùng nghệ sĩ” - đạo diễn này nhìn nhận.
Cũng có tâm hồn nghệ sĩ
Xem vở kịch Đêm thiên nga của Sân khấu Hoàng Thái Thanh, khi Boris (vai của nghệ sĩ Ái Như) được Pierre (NSƯT Thành Hội) công nhận là một nghệ sĩ, Lê Tâm ứa nước mắt. Cô xúc động: “Vở kịch này nói đúng tâm trạng của chúng tôi, những người làm nghề nhắc tuồng thường bị một số bầu sô, nghệ sĩ xem rẻ. Dù âm thầm đứng sau những thành công của đêm diễn, đôi khi được nghĩ là vì tiền, vì mưu sinh nhưng với chúng tôi, đó còn là sự đóng góp bởi niềm đam mê nghệ thuật”.
Lê Tâm cũng như Ngọc Bích từng thẳng thừng từ chối ký hợp đồng cho một số bầu sô, nghệ sĩ làm việc phi nghệ thuật. “Nhiều người đã hát nhép mà còn không thuộc tuồng. Ít nhất cũng phải đọc qua kịch bản để biết tâm lý, cuộc đối thoại với bạn diễn. Vậy mà họ phó mặc hết cho chúng tôi, rồi khi hiệu quả vai diễn không đạt lại đổ lỗi cho người nhắc tuồng” - Lê Tâm bức xúc. “Nghệ sĩ phải tập dượt và học tuồng, chúng tôi chỉ hỗ trợ khi mật độ diễn xuất cao, vở diễn thay đổi đột xuất, diễn viên kẹt sô, đòi hỏi đoàn hát thế vai gấp. Chúng tôi ứng biến để cứu nguy chứ không thể trông cậy hết ở người nhắc tuồng” - Ngọc Bích bày tỏ.
Theo Lê Tâm, nghề nhắc tuồng ngồi trong bóng tối, đối thoại một mình, đến sớm về trễ, bị nghệ sĩ quấy rầy bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, cô tự an ủi: “Đam mê thì phải kiên nhẫn. Tôi yêu vai diễn người nhắc tuồng Boris của nghệ sĩ Ái Như trong vở Đêm thiên nga vô cùng. 40 năm nhắc tuồng, Boris quên cả hạnh phúc cá nhân, gia tài là vô số kịch bản nằm trong tim. Tôi nghĩ mình và các đồng nghiệp cũng vậy”.
Thu nhập khấm khá
Cát-sê của nghề nhắc tuồng hiện đã khấm khá hơn: Lịch tập vở dài trong 4 buổi, giá 1,2 triệu đồng/người; nhắc vở dài trọn gói từ tập dượt đến biểu diễn là 3 triệu đồng/người (trong 2 tuần hoặc dài hơn sẽ có giá thương lượng). Trích đoạn chạy sô với nghệ sĩ ngôi sao mỗi suất từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/người, tùy theo địa điểm. Nếu đi tỉnh diễn về lại trong đêm, giá 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/người.
Hát chầu cúng đình ngày nay cũng đòi hỏi có người nhắc tuồng vì các đoàn hát tăng cường ngôi sao sân khấu. Giá nhắc hát chầu cao hơn vì cát-sê nghệ sĩ ngôi sao cao, từ 1,2 -2 triệu đồng/chầu (trung bình từ 3 đến 5 giờ biểu diễn, xoay chầu). Giá cát-sê quay phim truyện cải lương trọn gói là 3-4,5 triệu đồng/người (trung bình từ 3 đến 5 ngày).
Bình luận (0)