Trong chuyến sang Pháp dự lễ tưởng niệm 100 ngày mất của cố GS-TS Trần Văn Khê, tôi có dịp gặp nhiều nghệ sĩ Việt Nam đang định cư tại đây và các nước châu Âu. Dù đời sống khó khăn đến mấy, họ vẫn bám nghề diễn và cố gắng truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Họ đếm mỗi ngày để chờ đến khi cánh màn nhung mở ra, cùng với đồng nghiệp đem lời ca tiếng hát góp phần gìn giữ văn hóa cội nguồn dân tộc trên xứ người. Họ đều là những tên tuổi một thời vang bóng như: Kiều Lệ Mai, Minh Đức, Minh Tâm, Tài Lương, Thanh Bạch, Bạch Lê, Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Xuân, Hoàng Long, Văn Trực, Minh Thanh, Kim Chi…
Nghệ sĩ không có tuổi
Từ khi con trai là nghệ sĩ Tuấn Hùng về Việt Nam sinh sống, vợ chồng nghệ sĩ Kiều Lệ Mai, Minh Đức đã bán căn nhà lớn, đổi sang căn nhà nhỏ cách thủ đô Paris 45 phút lái xe. Chị nói đó là cách tốt nhất vì tuổi đã về chiều, nhà quá rộng không còn đủ sức dọn dẹp. Hơn nữa, đôi mắt của nghệ sĩ Minh Đức đã yếu, việc lái xe đi tập tuồng đêm khuya rất nguy hiểm khi nhà xa điểm diễn. Hiện nay, nghệ sĩ Minh Đức tóc đã bạc trắng, dáng đi không còn nhanh nhẹn như trước. Gặp lại tôi, ông cứ kể chuyện đi hát với nghệ sĩ Thanh Sang và những hồi ức về một thời hai ông bà còn là diễn viên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Còn Kiều Lệ Mai được mệnh danh là nữ nghệ sĩ không có tuổi, phong độ ca diễn vẫn rất bản lĩnh, cộng với việc quán xuyến tất cả những vai trò, từ nhắc tuồng cho đến đạo diễn. Bà nhớ như in tác phẩm “Chim Việt cành Nam”, vở diễn bà được đóng vai người mẹ Mỹ của sinh viên Nguyễn Thái Bình. “Vì tôi mang hai dòng máu Việt - Pháp nên khi dựng tuồng này, đạo diễn Đoàn Bá đã chấp nhận lời đề nghị của tôi xung phong lãnh vai bà mẹ người Mỹ, còn bà mẹ người Việt do chị Ngọc Giàu đóng. Xa xứ nhiều năm rồi nhưng tôi vẫn không thể quên vai diễn này. Thỉnh thoảng, tôi cứ ca nghêu ngao vài câu vọng cổ của vai diễn” - nghệ sĩ Kiều Lệ Mai tâm sự.
Để an vui với tuổi về chiều và nhằm gầy dựng một điểm hẹn cải lương cho khán giả mộ điệu ở Paris, hai năm qua, nghệ sĩ Kiều Lệ Mai và Hà Mỹ Liên (em gái của nghệ sĩ Thanh Điền) đã tổ chức chương trình biểu diễn cải lương hằng tháng tại nhà hàng Minh Hòa trên đường Roger Salengro, giáp ranh quận 13 của Paris. Bà chủ của nhà hàng là chị Kim Minh, người đã 2 năm qua gồng mình chịu lỗ để giữ cho sân khấu sáng đèn. “Trước đây, tôi và chị Hà Mỹ Xuân có hợp tác làm chương trình đờn ca tài tử, sau đó tôi kết hợp với chị Hà Mỹ Liên và Kiều Lệ Mai. Ở Paris, tìm một điểm diễn cho nghệ sĩ cải lương rất khó. Mỗi suất diễn nếu trừ đi chi phí ăn uống, ban nhạc, thuế, tiền nhân viên phục vụ… thì chúng tôi cũng phải bù lỗ ít nhiều. Tuy nhiên, lãi suất lớn nhất là khán giả kiều bào hằng tháng lại có dịp gặp nhau, khóc cười với các nhân vật trên sân khấu cải lương mà họ yêu mến” - bà Kim Minh nói.
Thật đáng khâm phục những nghệ sĩ cải lương đang sinh sống tại Pháp, họ đã phải đối mặt với nhiều khó nhọc trong cuộc sống, khi vừa làm việc ở hãng xưởng vừa tranh thủ thời gian để tập dượt cho từng vai diễn. Nghệ sĩ Kiều Lệ Mai tìm kiếm kịch bản, tập dượt cùng các nghệ sĩ khác và kiêm luôn cả việc phát hành vé. Đã ngoài 60 tuổi nhưng bà vẫn còn nhanh nhẹn. “Nói nghệ sĩ không có tuổi để gọi là an ủi, chứ bây giờ đóng vai đào, cưa sừng làm nghé, tôi cảm thấy ngại nhưng khán giả vẫn yêu cầu thì phải lên sân khấu biểu diễn” - nghệ sĩ Kiều Lệ Mai bộc bạch.
Nhạc sĩ “độc tôn”
Với cây đàn guitar điện, nhạc sĩ Văn Trực gần như là nhạc sĩ cổ nhạc độc tôn hiện nay ở Paris khi mà nhạc sĩ Minh Thanh vừa trải qua đợt phẫu thuật, sức khỏe chưa hồi phục để quay lại sàn diễn. Nhạc sĩ Văn Trực làm nhân viên vận chuyển hàng của sân bay Charles de Gaulle (Pháp), công việc của ông cũng khá căng thẳng nên lịch tập dượt chỉ có thể xếp vào ngày cuối tuần. Trên những chuyến xe ngược xuôi khắp Paris và các tỉnh lân cận, đến cuối tuần, ông lại một mình, một đờn vượt mấy trăm cây số để được sống với nghề. “Có khi vừa đóng màn, nhận vội thù lao vài trăm euro, tôi lại lên ô tô về sân bay làm việc luôn” - ông cho biết.
Tôi gặp nhạc sĩ Văn Trực tại lễ tưởng niệm cố GS-TS Trần Văn Khê do Nhạc viện Taverny tổ chức. Ông đến rất sớm, tập dượt cho các diễn viên trẻ với tinh thần trách nhiệm cao. Nghệ sĩ Trúc Tiên ca bài “Nam Xuân”, được ông dìu dắt qua từng cung bậc. “Tôi xem anh như người thầy, cần mẫn truyền đạt kinh nghiệm. Với ba nam sáu bắc, chúng tôi tập dượt để mỗi lần các tổ chức văn hóa phi chính phủ của Pháp tổ chức lễ hội thì ban tài tử lại đóng góp những tiết mục đờn ca tài tử Nam Bộ” - nghệ sĩ Trúc Tiên tâm sự.
Nhạc sĩ Văn Trực còn có hai cô con gái là Kim Vui và Ngọc Minh, học rất giỏi, được trao học bổng toàn phần của chính phủ Pháp. Trong kỳ thi tuyển chọn giọng ca cải lương do Hội Trí thức yêu nước tổ chức, Kim Vui được trao giải nhất khi thể hiện xuất sắc bài “Dạ cổ hoài lang”, Ngọc Minh dù khi đó mới 6 tuổi cũng đã ca ngọt ngào các bài bản: “Trăng thu dạ khúc”, “Trường tương tư”, “Nam ai”… Nuôi dạy các con hòa nhập với đời sống ở Pháp nhưng về văn hóa và cái nghiệp mà nhạc sĩ Văn Trực đã đeo đuổi, ông cố gắng thổi đam mê cho hai cô con gái tiếp tục nối nghề. “Trong gian khó mới nung được ý chí. Hồi mới sang đây, tôi mang theo cây đàn guitar. Không có điểm diễn, tôi bật băng thu âm của các nghệ sĩ trong nước nghe rồi đàn theo. Có khi buồn khóc một mình, tự hỏi rồi con cháu mình có còn gìn giữ cái nghiệp này của cha ông trên xứ người. Khi hai con gái tôi chịu học ca cổ, bộc lộ khả năng ca tài tử lúc còn nhỏ, tôi mừng chảy nước mắt” - nhạc sĩ Văn Trực xúc động.
Nhạc sĩ Văn Trực và nhà báo Thanh Hiệp tại Nhạc viện Taverny Pháp
Kỳ tới: Hết lòng với hậu thế
Bình luận (0)