Nghệ sĩ Văn Hiệp
Con người mộc mạc, chân tình
Văn Hiệp có sức khỏe không tốt, ông bị đau đại tràng kinh niên, sau này là lao phổi dẫn đến ung thư phổi. Trong một lần chuyện trò với phóng viên Báo Người Lao Động, Văn Hiệp hài hước: “Tôi uống thuốc đại tràng nhiều đến nỗi bà chủ hãng thuốc đại tràng nhờ làm luôn người quảng cáo”. Vào bệnh viện như cơm bữa nhưng như nhận xét của nghệ sĩ Phạm Bằng: “Bên ngoài ông ấy yêu đời, say mê công việc, không hề thể hiện sự đau đớn vì bệnh tật”, bởi thế khi nghe tin Văn Hiệp ra đi, nhiều người bàng hoàng.
Là một trong những người đầu tiên chia sẻ thông tin về sự ra đi của nghệ sĩ Văn Hiệp, nghệ sĩ Vượng “râu” viết trên Facebook: “Sáng ra ngủ dậy, nghe một tin đau đớn! Nghệ sĩ Văn Hiệp đã ra đi ! Ôi dẫu biết rằng sinh tử là lẽ thường ở đời! Nhưng sao nghe tin “Bố” ra đi mà lòng đau đến thế! Cả cuộc đời sống trọn vẹn với niềm vui sân khấu và điện ảnh! Miệt mài cống hiến như con “giun”…
Nghệ sĩ Phạm Bằng, người “tung hứng” với Văn Hiệp suốt hàng chục năm, từ thời có chương trình Gặp nhau cuối năm đến giờ, nói: “Văn Hiệp ít tuổi hơn tôi, ông ấy đối với tôi như một người em tốt, mộc mạc, chân tình. Làm việc với nhau cả chục năm, chúng tôi coi nhau như máu mủ, ruột rà”. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, một trong những người khởi dựng chương trình Gặp nhau cuối năm đưa tên tuổi Văn Hiệp đến với khán giả cả nước, nói trong nỗi buồn: “Văn Hiệp ra đi là một mất mát. Cách sống và làm việc của bác ấy đã tác động đến rất nhiều nghệ sĩ trẻ, kể cả thế hệ chúng tôi”.
Tâm huyết, yêu nghề
Nổi tiếng, được nhiều người biết đến nhưng Văn Hiệp sống rất giản dị. Là người Hà Nội gốc nhưng nghệ sĩ Văn Hiệp rất có duyên với nông thôn, đặc biệt là những vai trưởng thôn. Ông bảo vì mình sinh ra đã “xấu giai”, dáng người thấp, mắt nhỏ nên những vai đẹp trên màn ảnh không đến lượt mình, vai diễn dành cho Văn Hiệp chỉ là những vai phụ, nhỏ. Biết thế nên Văn Hiệp luôn tự nhắc mình, hình thức không đẹp thì phải trau dồi nghề nghiệp cho thật tốt. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhận xét: “Nói về Văn Hiệp chỉ có thể dùng những mỹ từ, không thể khác được. Bác ấy là nghệ sĩ luôn chỉ tâm niệm một điều là làm sao cống hiến nhiều nhất cho nghề nghiệp. Tâm huyết, yêu nghề, luôn quan tâm lo lắng cho đồng nghiệp, Văn Hiệp được mọi người quý, không chỉ vì tài năng mà còn vì cách sống giản dị, gần gũi của mình”.
Văn Hiệp đóng nhiều vai nhưng loạt tiểu phẩm về trưởng thôn với hình ảnh ông trưởng thôn nhiệt tình, vui vẻ khiến khán giả nhớ đến ông nhiều nhất. Lúc sinh thời, ông bảo chính sự gần gũi trong cách cư xử với mọi người, từ lời nói, hành động đến cử chỉ của ông trưởng thôn đã khiến khán giả thấy ông này có thật trong cuộc sống chứ không phải trong phim ảnh. Văn Hiệp thích cách diễn tự nhiên, chân thật như ở ngoài đời chứ không gồng mình để phải “cố gắng” lên sân khấu cũng như màn ảnh. Ông bảo ông luôn xác định đối tượng phục vụ của mình là số đông quần chúng trong xã hội và diễn để phục vụ họ. Vậy nên có sô diễn phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa, Văn Hiệp đi ngay. Đi không kén chọn, vì ông thích làm việc, trừ những lúc sức khỏe không cho phép. Ông kể có lần đi diễn ở vùng cao, xe bị hỏng lốp dọc đường phải dừng lại để sửa. Đồng bào trong bản thấy Văn Hiệp liền chạy ra mời vào nhà. Ngồi bên bếp lửa, thấy “ông trưởng thôn” buột miệng thích ăn sắn, thế là lúc sau đã thấy mấy người bê sang nồi sắn còn bốc khói…
“Khán giả yêu mến là hạnh phúc”
Cống hiến hết mình cho nghệ thuật suốt hơn 40 năm với cả ngàn vai diễn lớn nhỏ, dù không được tặng bất cứ danh hiệu gì nhưng Văn Hiệp không một lời kêu ca. Ông bảo cuộc sống đã sắp đặt cho mỗi người một số phận và ông hiểu chẳng có gì phải buồn, dù xung quanh có rất nhiều điều không được như ý mình muốn. Với ông, là một nghệ sĩ bình thường, được khán giả yêu mến là hạnh phúc. Nghệ sĩ Kim Xuyến, người có nhiều kỷ niệm với Văn Hiệp, gần đây nhất trong tiểu phẩm Tết Cụ tổ hiển linh, tâm sự: “Khổ thân Văn Hiệp, người chuyên đóng vai vui vẻ mà cuộc sống thì đầy nước mắt”. Khán giả ít người biết Văn Hiệp có những nỗi buồn riêng, những bi kịch riêng của mình, thế nhưng, bên ngoài ông không bao giờ thể hiện nỗi buồn vì những bi kịch ấy. “Người bình thường gặp hoàn cảnh như ông ấy khó có thể sống yên ổn nhưng Văn Hiệp luôn lạc quan với cuộc đời của mình. Khi đã vào công việc, Văn Hiệp đều bỏ mọi sự ra ngoài hết. Thật ít người được như thế” - nghệ sĩ Phạm Bằng rưng rưng khi nói về bạn diễn lâu năm của mình.
Nghệ sĩ trường lớp đầu tiên Nghệ sĩ Văn Hiệp tên thật là Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942, quê Thanh Trì - Hà Nội. Ông tốt nghiệp khóa đầu tiên Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Từ năm 1963 đến 1990, ông công tác tại Nhà hát Kịch Trung ương và năm 1990 chuyển công tác sang Cục Văn hóa Thông tin, nghỉ hưu từ năm 2002. Tang lễ của nghệ sĩ Văn Hiệp được tổ chức lúc 10 giờ 30 phút ngày 11-4-2013 (tức mùng 2 tháng 3 năm Quý Tỵ) tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông và hỏa táng tại Đài Hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển (Hà Nội). MÀN ẢNH NHỎ |
Bình luận (0)