Sau vấn đề tuổi tác của Công Phượng, vụ nghệ sĩ Công Lý lên bìa sách luật là chủ đề nóng trên các báo, diễn đàn, trang mạng xã hội. Sách này do Nhà Xuất bản Lao động - Xã hội in 1.000 cuốn và đã cho thu hồi. Ảnh trên bìa được cắt ghép cẩu thả, lấy khuôn mặt của diễn viên Công Lý ghép vào thân hình một người hai tay cầm hai cán cân, chân đạp lên quả cầu lửa. Chẳng rõ ý tưởng của những người thực hiện bìa sách này là thế nào nhưng dẫu sao nó cũng không thể phù hợp với cuốn sách nói về pháp luật Việt Nam.
Bìa sách "Bộ Luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014" có gương mặt của diễn viên hài Công Lý - Ảnh: M.Hoa
Nhiều cư dân mạng đưa ảnh bìa sách lên Facebook của mình và bình luận hài hước, dí dỏm nhưng cũng không kém phần châm biếm chua cay: “Đời nay quả là lắm chuyện bi hài!”; “Tại vì anh ta tên Công Lý nên chọn làm đề tài cho nó đúng ý nghĩa mà. Sau này em sinh con đặt tên nó là Pháp Luật để được lên trang bìa”; “Công Lý là diễn viên hài”; “Khẳng định một sự thật!”…
Trong khi đó, trên các báo mạng, độc giả cũng bàn tán rôm rả không kém với những bình luận chủ yếu là ngạc nhiên, chẳng hiểu nổi: “Một ý tưởng thật..... hài!”; “Đúng là tư duy … không còn gì để nói!”; “Nhảm hết sức tưởng tượng!”; “Tôi không tin đấy lại là sự thật”; “Không nghiêm túc! Một cuốn sách có nội dung nghiêm túc không thể để một biểu tượng có tính hài trên trang bìa”…
Ảnh Facebook Nghệ sĩ Công Lý
Bình luận thì muôn hình vạn trạng nhưng ý chung vẫn là “tội nghiệp cho nghệ sĩ hài Công Lý”. Nhất là khi nghệ sĩ này chia sẻ trên các phương tiện truyền thông rằng anh không biết tí gì chuyện hình ảnh của mình được sử dụng lên bìa sách một cách phản cảm như thế. Những người chịu trách nhiệm đối với quyển sách trên không hề gọi điện hay thông tin gì trước đó và cũng như bao người, Công Lý biết thông tin khi sự việc lan tỏa trên các báo.
Một quyển sách muốn ra mắt bạn đọc phải trải qua rất nhiều khâu kiểm duyệt tỉ mỉ và trang bìa hẳn phải được chăm chút, thận trọng để mang đến cho độc giả một tác phẩm hoàn hảo. Thế nhưng, vụ việc lần này cho thấy sự cẩu thả, ẩu đến mức khó tin, khó chấp nhận của một bộ phận những người làm sách.
Thật đáng buồn, đây lại không phải sơ sót đầu tiên khi cách đây chưa lâu, cư dân mạng từng sục sôi vì vụ Từ điển Tiếng Việt gây sốc với cách giải thích từ ngô nghê, nghĩa hẹp hoặc sai hoàn toàn. Trước đó, nhiều vụ khác cũng gây chú ý không kém. Mỗi một vụ sai sót trở thành đề tài bàn luận rôm rả, rồi cơ quan chức năng vào cuộc rồi thu hồi, xin lỗi độc giả… nhưng sai phạm vẫn cứ tái diễn với mức độ ngày càng khó tin như vụ việc trên.
Bình luận (0)