Trong ngày này, các nghệ sĩ hải ngoại đã nhắc đến những người thầy dìu dắt họ đến với nghề, mà nói theo NS lão thành Văn Chung “không đợi gì đến ngày lễ tết mới bày tỏ tấm lòng tri ân với thầy, mà ngày giỗ Tổ sân khấu chính là ngày người nghệ sĩ tri ân công đức của các bậc tiền nhân đi trước, đã mở đường, khai lối cho nghệ thuật vĩnh bền. Tình cảm đối với thầy mãi ở trong tim nghệ sĩ chúng tôi”.
NSƯT Phương Hồng Thủy thắp hương nhớ ơn Tổ nghiệp và nhớ mãi lời dạy của thầy dạy – đó là NSND Viễn Châu: “Đạo đức nghề hát phải được xem là điều phải lưu tâm. Thầy tôi luôn dạy phải tôn trọng và khiêm nhường trong cách xử sự với đồng nghiệp. Vinh quang rồi sẽ qua, điều còn đọng lại chính là niềm tin vững bền vào nghề, và phải truyền lại cho thế hệ mai sau những gì được học”.
Và mùa Giỗ Tổ sân khấu năm nay, NSƯT Phương Hồng Thủy cùng với ba bạn trẻ, trong đó có con gái của chị, bé Hồng Vân và Lê Đạt, Bảo Châu, hoạch định nhiều dự án để thực hiện tiếp chương trình “Cải lương tôi yêu” tại thành phố Atlanta – Mỹ.
NSƯT Ngọc Đáng chia sẻ, bà luôn nhớ đến thầy Minh Tơ, khi còn ở Đồng ấu Minh Tơ, “thầy dạy chúng tôi với trách nhiệm người nghệ sĩ, phải luôn khiêm nhường, xem những góp ý thẳng thắn là bài học quý, để không ỷ lại, mà lúc nào cũng rèn luyện” – NSƯT Ngọc Đáng cho biết.
NSƯT Kim Tiểu Long thì nhớ ơn người thầy, đó là đạo diễn Hồng Dung – Phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, khi đạo diễn Hồng Dung dàn dựng cho anh trích đoạn Lục Vân Tiên, giúp anh đoạt HCV giải Trần Hữu Trang. “Chị Dung là con gái của cô hai Kim Cúc, vợ của NSND Năm Châu, người đã chỉ dạy cho chi và nhiều nghệ sĩ biểu diễn diễn thành công những tác phẩm, trong đó là vai “Lục Vân Tiên” của NSND Ngọc Giàu tạo tiếng vang lớn trong sự nghiệp nghệ thuật của bà. Cô hai là người thầy đáng kính. Không chỉ dạy cho má Giàu diễn vai Lục Vân Tiên, cô hai còn dạy NSƯT Minh Vương diễn vai Nguyễn Trãi trong vở “Rạng ngọc Côn Sơn”.
NS Kim Phụng thuộc nhóm Xương rồng trắng ở Arizota thì nhớ về danh cầm – NSƯT Văn Giỏi. Mỗi lần chị về VN đều đến thăm thầy, một trong những bậc thầy của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ: “Thầy và trò chúng tôi đã có những cuộc trãi nghiệm trong ngôi nhà ĐCTT Nam Bộ với bao nhiêu vui buồn đong đầy... Đến hôm nay tôi thật sự đồng cảm với lời thầy Văn Giỏi, đó là phải biết san sẻ những lộc đời, để tình thương yêu trong cuộc sống ngày càng lớn thêm. Hãy hướng về sân khấu cội nguồn để làm việc thiện, góp phần chăm lo cho những mãnh đời bất hạnh còn ở trong nước, đang cần nhiều bàn tay giúp đỡ”.
Và NS Kim Phụng, NS Khánh Minh và các nghệ sĩ thuộc nhóm Xương rồng trắng, thường xuyên làm công tác thiện nguyện, mỗi mùa Giỗ Tổ sân khấu đã vận động khán giả kiều bào đóng góp để chuyển quà về VN, giúp đỡ những người nghèo khó, trong đó có nghệ sĩ già yếu, neo đơn.
NS Cẩm Thu nhớ ơn người thầy, đó là NS Bo Bo Hoàng, người đã truyền nhiều kinh nghiệm ca diễn để chị đoạt HCV giải Trần Hữu Trang, chị kể: “Kiến thức kỷ năng biểu diễn mà cô Bo Bo Hoàng đã trao cho tôi đó là những phong cách biểu diễn nội tâm cộng với ngẫu hứng đầy sáng tạo. Những kinh nghiệm đó đến nay tôi không cho phép mình quên và phải truyền lại cho thế hệ trẻ”.
Nghệ sĩ Vũ Luân luôn xem tác giả Lê Duy Hạnh là thầy, trong ngày Giỗ tổ sân khấu, anh đã nhắc lại: “Tôi đã được sự quan tâm, dìu dắt, khuyên bảo của ông qua những lần tham gia hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Ông đã cho tôi nhiều bài học quý trong cuộc sống và sự nghiệp. Khi tôi tham gia giải thưởng Trần Hữu Trang, tôi nhận HCV xuất sắc với vai Lê Quyết trong vở “Trời Nam” do ông sáng tác. Tôi đã học được từ ông qua cách phân tích tâm lý nhân vật, cách lột tả nội tâm và hơn hết là thẩm thấu tính văn học thông qua kịch bản, để từ đó đặt diễn xuất vào đúng quỹ đạo mà ông cấu trúc. Khi tôi tổ chức nhóm xã hội hóa sân khấu, dàn dựng các vở tuồng mới, ông trực tiếp góp ý, điều chỉnh để chủ đề tư tưởng, tính sáng tạo và hành động của các vai diễn sáng đẹp hơn. Những bài học này sẽ theo tôi trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật”.
NSƯT Mỹ Châu trong ngày Giỗ tổ sân khấu đã nhớ đến người thầy mà bà tôn kính, đó là đạo diễn NSND Huỳnh Nga. “Ông là người đã dàn dựng nhiều tác phẩm mà tôi tham gia, mỗi vở diễn đều để lại cho tôi bài học quý. Ông đã nâng cao tính thẩm mỹ trong ca diễn, để nghệ thuật cải lương giữ đúng chất mộc mạc, chân phương nhưng giàu trí tuệ”.
Bình luận (0)