Nghệ sĩ hải ngoại ngồi ghế giám khảo các chương trình giải trí trên sóng truyền hình trong nước ngày càng nhiều, thu hút sự chú ý của khán giả. Một sự cạnh tranh thú vị giữa các nghệ sĩ trong nước và hải ngoại đang diễn ra khi game show truyền hình vốn là mảnh đất hái ra tiền và mang lại danh tiếng cho người ngồi “ghế nóng”.
“Gia vị” lạ
Phim trường ghi hình chương trình “Tình ca” luôn đông người xem. Họ không phải là “fan” thuê đến vỗ tay lấy tiền như thường thấy ở các chương trình truyền hình khác. Khán giả ở đây phần lớn đã nhiều tuổi, có cả những gia đình đông đúc kéo nhau đến xem. Có bữa game show quay đến nửa đêm, họ vẫn cố ở lại chỉ để “nghe chị Ý Lan nói chuyện”.
Sức hút này hoàn toàn dễ hiểu vì Ý Lan vốn là thần tượng của nhiều khán giả và “Tình ca” cũng là chương trình đầu tiên chị tham gia với vai trò giám khảo. Theo thông tin từ ban tổ chức (K Media), hiệu ứng từ “ghế nóng” của các giám khảo hải ngoại là có thật. Vì vậy, nhiều nhà tổ chức đã quyết định mời thêm những nghệ sĩ hải ngoại khác tham gia vai trò giám khảo cho chương trình của mình. Chẳng hạn, đạo diễn Vũ Thành Vinh đã mời nghệ sĩ Trường Vũ và mới đây nhất là Thanh Hà ngồi vị trí giám khảo các chương trình “Tình bolero”, “Solo cùng bolero”.
Không ít nghệ sĩ hải ngoại đang và sẽ ra mắt khán giả trong các chương trình truyền hình với vai trò giám khảo: Nguyễn Hưng ngồi “ghế nóng” trong “Biệt đội tài năng”, Đức Huy tại “Gương mặt thân quen”, Quang Minh - Hồng Đào ở “Người bí ẩn” và “Bí mật đêm chủ nhật”, Vân Sơn với “Người bí ẩn”, Bằng Kiều ở “Vietnam Idol 2016”...
Minh Tuyết cũng trở về Việt Nam thường xuyên khi được mời tham gia làm giám khảo của “Tuyệt đỉnh tranh tài”. Phi Nhung, Quang Lê thì ngồi “ghế nóng” chương trình “Solo cùng bolero”; Phương Dung, Họa Mi tham gia “Tình bolero 2016”.
Các danh hài Hoài Linh, Chí Tài và Việt Hương gần như phủ sóng truyền hình ở mọi vai trò, giám khảo lại càng không thể thiếu. Gần đây, Hoài Linh đã chủ động giảm bớt mật độ tham gia nhưng Việt Hương thì không. Trước đó, những nghệ sĩ Việt Kiều như Thanh Bùi, John Huy Trần... đã có mặt khá sớm trong vai trò giám khảo các chương trình truyền hình thi ca hát, nhảy múa…
Mới và có sức hút chính là những yếu tố cần để nhiều đơn vị sản xuất quyết định mời các nghệ sĩ hải ngoại ngồi “ghế nóng” các chương trình của mình. Bà Phạm Kim Dung - Giám đốc Công ty Sen Vàng, đơn vị sản xuất chương trình “Tuyệt đỉnh song ca” - phân tích: “Nếu chương trình có thí sinh là ngôi sao thì việc tìm một dàn huấn luyện viên hay giám khảo vừa tầm không thành vấn đề. Nhưng nếu là chương trình tìm kiếm tài năng từ những người hết sức bình thường thì bài toán dành cho các đơn vị sản xuất là làm sao để có được một dàn huấn luyện viên đủ “hot”.
Theo bà Dung, trước mỗi chương trình, nhà sản xuất luôn phải thực hiện cuộc khảo sát công chúng để biết nghệ sĩ nào được họ yêu thích và phù hợp nhất. “Ca sĩ Minh Tuyết mà chúng tôi chọn cho “Tuyệt đỉnh song ca” không chỉ mới so với các chương trình khác mà còn được công chúng mến mộ” - bà cho biết.
Cũng chỉ là thời vụ
Đạo diễn Vũ Thành Vinh nhận xét: “So với trước đây, giới nghệ sĩ hải ngoại đã có sự chủ động nhất định đối với thị trường biểu diễn trong nước, các chương trình truyền hình cũng không ngoại lệ”. Đạo diễn này cho biết nhiều nghệ sĩ hải ngoại đã chủ động mở lời hợp tác với anh.
Giới sản xuất chương trình truyền hình cho rằng ngày càng nhiều nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam vì hoạt động biểu diễn ở hải ngoại đang gặp khó khăn. Những danh ca ở hải ngoại phần lớn đã lớn tuổi và ngày càng trở nên xa cách với thế hệ khán giả trẻ tại đó. Việc ngồi “ghế nóng” các chương trình truyền hình giải trí trong nước chính là cách giúp nghệ sĩ hải ngoại kết nối với cả khán giả trong nước lẫn kiều bào.
Đại diện K Media cho biết đã nhận được những bức thư từ khán giả nước ngoài gửi về nói rằng nhờ các chương trình truyền hình thực tế ở quê nhà mà họ biết thêm nhiều nghệ sĩ ở hải ngoại vẫn còn hoạt động. “Với việc mời nghệ sĩ hải ngoại tham gia các chương trình truyền hình, chúng tôi không chỉ đạt được mục tiêu tạo sự mới lạ cho khán giả trong nước mà còn thu hút được số đông khán giả kiều bào” - đại diện K Media lý giải.
Hiện tượng “tràn về” của nghệ sĩ hải ngoại đã tạo nên cuộc cạnh tranh ngầm giữa họ với nghệ sĩ trong nước. Nhiều nghệ sĩ trong nước chủ động đề nghị hợp tác với nhà sản xuất chứ không còn ngồi chờ mời năm lần bảy lượt mới nhận lời như trước đây.
“Nhờ vậy, các nhà sản xuất đồng loạt giảm giá thù lao đối với những huấn luyện viên, giám khảo tham gia chương trình. Mức thù lao của nghệ sĩ hải ngoại khi tham gia ghi hình các chương trình truyền hình rất hợp lý so với mặt bằng chung hiện nay” - các đơn vị sản xuất khẳng định.
Theo nhận định của các đơn vị sản xuất, việc mời các nghệ sĩ hải ngoại tham gia chương trình truyền hình cũng chỉ là thời vụ. Bởi lẽ, khán giả Việt Nam rất mau chán. “Cùng một chương trình nhưng mùa trước và mùa sau đã phải có sự thay đổi. Nếu một nghệ sĩ được giữ lại 2 hay nhiều mùa liên tiếp thì người đó phải có những tuyệt chiêu để giữ chân khán giả. Nhưng nói thật, hiếm có nghệ sĩ nào làm được điều ấy” - theo một nhà sản xuất.
Thủ tục giấy phép không quá khó
Các đơn vị sản xuất chương trình cho biết việc mời nghệ sĩ hải ngoại tham gia không quá khó khăn nhưng về mặt thủ tục thì cần phải đầy đủ để tránh rủi ro.
Vì là nghệ sĩ hải ngoại nên khi biểu diễn hay quay hình phát sóng, họ phải được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp phép. Tuy nhiên, thủ tục này không quá nhiêu khê khi các cơ quan chức năng thường nhiệt tình hỗ trợ những đơn vị sản xuất.
Bình luận (0)