Một lần theo chân nghệ sĩ đi biểu diễn ở tỉnh, sau khi chương trình kết thúc, một nhóm nghệ sĩ gồm những người nổi tiếng rủ nhau đi ăn tối ở một quán ăn trên vỉa hè. Chưa ngồi được bao lâu thì người ăn xin đã bu đến xin tiền... Dù đã nhận được tiền từ những người quản lý của các nghệ sĩ này nhưng những người ăn xin vẫn cố tình kêu to tên nghệ sĩ lên khiến cho nhiều thực khách phải đổ ánh mắt nhìn họ. Gương mặt đỏ rần vì ngại nhưng các nghệ sĩ vẫn quyết lắc đầu từ chối không cho tiền, dù họ cứ dai dẳng bám theo.
Không cho tiền người ăn xin
Ca sĩ Thanh Thảo nói: “Không phải nghệ sĩ tiếc tiền nhưng nếu cho người ăn xin là phạm đến tổ nghiệp. Làm nghề hát, điều ca sĩ sợ nhất là không được tổ nghiệp để mắt”. Theo chị lý giải, tổ nghiệp của nghề hát vốn là một người ăn xin hát rong. Ca sĩ Chiều Xuân cũng chia sẻ: “Tương truyền nghề hát và người ăn xin có chung một tổ nghiệp. Người trong giới nghệ thuật thường không cho họ tiền vì sợ một ngày kia sẽ giống như họ. Có thể mọi người không chia sẻ điều này nhưng đó là điều cấm kỵ đối với nghề hát của chúng tôi”.
Nhất quyết không cho tiền người ăn xin nhưng giới nghệ sĩ là những người thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động từ thiện vì tin rằng cái họ kiếm được là của trời cho.
Giỗ tổ là một hoạt động của giới nghệ sĩ hướng về tổ nghiệp. Ảnh: HƯƠNG TRÀ
Vì vậy, họ có trách nhiệm chia sẻ lộc trời cho với những hoàn cảnh bất hạnh hơn mình. Ca sĩ Chiều Xuân chia sẻ: “Kiêng là một chuyện nhưng nhiều khi nhìn họ đáng thương quá, chẳng thể nào đi qua mà không động lòng trắc ẩn”.
Ca sĩ Phương Thanh nhìn nhận: “Cho càng nhiều thì mình sẽ được nhận càng nhiều. Dù đó là em bé mồ côi khuyết tật hay một người ăn xin hát rong, họ đều là những mảnh đời bất hạnh cần được cứu giúp”.
Sợ “tổ trác”
Một trong những việc đầu tiên mà tất cả nghệ sĩ thường làm trước khi bước lên sân khấu là thắp nhang cầu nguyện tổ nghiệp phù hộ. Mọi người tin rằng nếu thiếu cầu nguyện, chắc chắn buổi biểu diễn sẽ gặp bất trắc. Câu nói cửa miệng của người trong giới là “bị tổ trác” để lý giải cho những sơ suất, đổ bể của một nghệ sĩ nào đó gặp sự cố trong biểu diễn ở một chương trình nào đó.
Tất nhiên, cho đến nay, chưa ai có thể chứng minh được có không việc tác động của tổ nghiệp vào sự nghiệp của nghệ sĩ nhưng tất cả mọi người đều tin rằng tổ nghiệp cho ai duyên nghề thì người đó mới có thể gặt hái thành công. Vì vậy, hằng năm vào ngày giỗ tổ sân khấu, giới nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ biểu diễn đều đến giỗ tổ, cầu khấn cho sự nghiệp của mình được hanh thông.
Không ít ca sĩ tên tuổi rất kiêng việc chạy sô hát đám cưới, dù công việc này giúp họ kiếm được bộn tiền. Ca sĩ Phương Thanh chia sẻ: “Tổ nghiệp cũng từng đi hát nhưng với mong muốn mang lại niềm vui cho người khác. Hát ở đám cưới, nơi chúng ta phải nói lời chúc mừng mà lấy thù lao cao ngất ngưởng thì đó là điều tối kỵ”. Chị bảo chị có thể hát cho một nhóm người nghe trong một bữa tiệc có mức cát-sê lên đến cả trăm triệu đồng nhưng cũng sẽ hát ở những nơi không cần đến thù lao.
Một vài điều kiêng kỵ khác mà giới nghệ sĩ luôn nhắc nhau là không ăn mía ghim, uống nước mía vì tin rằng đốt mía bể ra sẽ kéo theo chương trình biểu diễn sắp tới sẽ bị bể; kiêng ăn bắp vì sợ lên sân khấu sẽ bị lắp ba lắp bắp; không ăn trái thị, cóc, ổi,... kiêng nói đến mưa hay bất cứ điều gì có nhuốm màu bất an...
Tuy nhiên, những sự cố trên sân khấu vẫn thường xuyên xảy ra đối với họ xuất phát từ việc chuẩn bị không chu đáo.
Tạ ơn tổ
Tương truyền về ông tổ của nghề hát có rất nhiều dị bản. Một trong những dị bản được lưu truyền rộng rãi nhất trong giới nghệ sĩ là câu chuyện về hoàng tử Trần Quốc Đĩnh (con vua Trần Thánh Tông) người được xem là ông tổ nghề hát ở Việt Nam.
Sau khi bị kẻ ác là anh trai hãm hại mù đôi mắt, hoàng tử đã tự mày mò chế tác ra cây đàn rồi soạn ra những bài thơ để đàn hát, kể lể tâm tình của mình ở nơi bến sông, bãi chợ, sân đình... kiếm tiền nuôi sống bản thân.
Sau khi được trở lại hoàng cung, hoàng tử Quốc Đĩnh ra sức dạy đàn hát cho mọi người vừa để vui sống vừa làm nghiệp mưu sinh đối với những ai thất cơ lỡ vận, đặc biệt là những người khiếm thị. Nhớ công ơn của ông, đời sau suy tôn ông là ông tổ của nghề hát.
Một năm hai lần, vào dịp tháng hai và tháng tám, dân làng lại tổ chức lễ tạ ơn ông. Như một quy định bất thành văn, những người theo nghề hát đều tôn thờ ông là tổ của mình, cầu mong được tổ nghiệp độ trì để gặt hái thành quả trong nghề nghiệp. |
Bình luận (0)