icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Ðăng Thanh: “Tôi muốn ghi lại những vẻ đẹp của cuộc sống”

Phong Ðiệp

Có người cho anh là kẻ điên rồ khi từ bỏ một công việc ổn định, một cương vị quan trọng, một cuộc sống tương đối đầy đủ để “cầm máy ảnh” bằng một cánh tay không thuận còn lại

Tiểu sử: Sinh năm 1950 tại Quảng Yên, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, thấm thoát đến nay Bùi Ðăng Thanh đã cặp kè cái tuổi mà bạn bè lúc trêu nhau thường gọi là “đã bước chân sang bên kia dãy núi”.

 

Tôi biết đến nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Ðăng Thanh, một thương binh hạng 2/4, không phải bởi một giải thưởng nào đó của anh mà đơn giản chỉ là một buổi chiều tình cờ, tôi nhìn thấy anh, với  cánh tay phải chỉ còn lại một ống tay áo thắt gọn đến khuỷu, đang hối hả thu dọn những bức ảnh bày ngoài cửa hiệu ảnh  tư,  vỏn vẹn chừng 5 - 6 m2 để tránh cơn mưa rào đầu mùa. Và câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu bằng những chuyện vụn vặt về cuộc sống...

 

Gửi lại chiến trường một cánh tay.- Ngày nhỏ, do hoàn cảnh chiến tranh, Bùi Ðăng Thanh phải lưu lạc tứ phương, mãi đến năm 14 tuổi mới trở về được  quê cũ. Vừa tròn 17 tuổi , anh xung phong nhập ngũ  và được phiên chế vào Trung đoàn 66, thuộc Bộ Tư lệnh 33. Trong chiến dịch mùa khô năm 1971, khi đơn vị nhận lệnh tấn công, anh đã một mình một pháo lao lên mở đường cho đồng đội tiến công. Sau khi pháo phát nổ, anh bị thương hai tay và toàn bộ ngực bị dập. Ðội quân y tiền phương đã hết sức cứu chữa, nhưng một cánh tay của anh vẫn bị cắt bỏ. Do tình trạng sức khỏe ngày càng xấu, anh phải chuyển về tuyến sau, tiếp tục chữa chạy.

Sức khỏe tạm bình phục, Bùi Ðăng Thanh bắt đầu phải làm quen với cuộc sống đời thường bằng một cánh tay – oái oăm thay, đó lại là cánh tay trái. Sự mệt mỏi và căng thẳng khiến anh có lúc tưởng như không thể tiếp tục được nữa. Nhưng đêm đêm, nằm ngẫm ngợi, thấy cuộc sống vẫn đang cuồn cuộn quanh mình, niềm khát khao sống lại trỗi dậy. Anh hì hục tập viết, tập đóng bàn ghế bằng bàn tay trái... Khi đã cảm thấy đủ tự tin, anh học tiếp chương trình phổ thông mà trước đó vì hoàn cảnh chiến tranh phải bỏ dở. Năm 1974, Bùi Ðăng Thanh đăng ký dự thi vào trường Ðại học Kinh tế quốc dân. Thật bất ngờ anh đã đỗ hạng cao, mà chỉ thiếu 0,5 điểm là đủ tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài. Tốt nghiệp đại học, anh về công tác tại Bộ Lương thực Thực phẩm. Sau đó vì điều kiện gia đình, anh xin về Sở Xây dựng Hà Nam Ninh (nay là Nam Ðịnh) và được giao trọng trách trợ lý giám đốc. Tuy nhiên chất nghệ sĩ trỗi dậy, anh xin nghỉ, quyết định vác máy bước vào nghề nhiếp ảnh.

 

Bước tiếp niềm đam mê của người cha.- Thực ra, với nghề ảnh, Thanh không phải là người quá lạ lẫm. Từ nhỏ, anh đã từng theo cha – cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Ðăng Thành – vác chân máy đi về các miền quê. Khi đó niềm đam mê nhiếp ảnh trong anh được gieo mầm. Nhưng nhiếp ảnh không phải là một trò chơi mà là một lao động cực nhọc.  Bùi Ðăng Thanh đã học được bài học này ở chính người cha của mình. Tuy nhiên, với người nghệ sĩ nhiếp ảnh, việc thiếu hụt một bàn tay, đặc biệt là tay thuận gần như một thách thức. Không ít người cho rằng anh đang làm một việc điên rồ, nhất là khi đang có công việc ổn định, một cương vị quan trọng và một cuộc sống tương đối đầy đủ.

Tất cả những điều đó không làm cho anh nản lòng.  Anh tập  vác máy chỉ với một bên vai trái, chỉnh ống kính cũng chỉ với bàn tay trái. Sự lúng túng khiến anh nhiều lúc bắt gặp một cảnh ưng ý, muốn lấy máy ảnh để chớp thật nhanh, nhưng khi máy móc chuẩn bị xong thì cảnh tượng ban đầu không còn nữa. Thanh chán nản trở về nhà, lòng buồn vô hạn. Ðêm nằm thao thức, có lúc anh muốn bỏ  dở niềm đam mê này. Nhưng suy đi tính lại, anh thấy mình không có sự lựa chọn nào khác. Vậy là những ngày sau đó, mọi người lại thấy anh hồ hởi vác máy về các vùng nông thôn săn ảnh. Anh lý giải: “Tôi muốn ghi lại những vẻ đẹp của cuộc sống bằng chính chiếc máy ảnh nhỏ bé  này và chia sẻ niềm đam mê về ảnh với những người cùng yêu thích nó”.

Những giải thưởng tiếp thêm niềm tin.- Bùi Ðăng Thanh cũng đã đạt được một số giải thưởng nhưng anh luôn tự coi thành tích  đó  “còn hết sức khiêm tốn”: Giải xuất sắc cuộc thi ACCU tại Nhật Bản với bức ảnh Văn hóa truyền thống Việt Nam (dựng lại không khí một buổi lễ hội và chữ Ðức được xếp bằng chính những hàng người mặc tế màu vàng); đoạt huy chương vàng Liên hoan Ảnh khu vực đồng bằng sông Hồng với bức Nắng lối xưa (với những dải nắng tải trên nền đất diễn tả bước chuyển của thời gian); giải xuất sắc quốc gia năm 2001 với bức ảnh Cất cánh. Ngoài ra anh còn được nhận bằng khen của FIAP.

Nghệ sĩ Bùi Ðăng Thanh tâm sự: “Trong nhiếp ảnh, theo tôi, nếu không có sự sắp đặt, không tạo ra được bố cục ảnh. Nếu có được bố cục như ý mà không tác động vào ngoại cảnh thì đó là một sự may mắn hiếm hoi. Tuy nhiên có hai cách sắp đặt. Cách thứ nhất là can thiệp trực tiếp vào cảnh. Cách thứ hai là sắp đặt bằng cách di chuyển vị trí đặt máy: cao, thấp, phải, trái... tạo nên sự tương phản”. Cũng theo anh, việc can thiệp màu sắc trong các bức ảnh là cần thiết vì đôi khi màu sắc tự nhiên không đủ nêu bật ý tưởng của tác giả và hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm phụ thuộc vào sự tưởng tượng, tư duy và văn hóa của mỗi người nghệ sĩ. Chính vì vậy, mặc dù có những ý tưởng giống nhau nhưng ở mỗi người lại có cách thể  hiện khác nhau.

Hiện nay, người cựu binh năm xưa – nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Ðăng Thanh vẫn phải vất vả lo toan cho cuộc sống của gia đình nhưng sức sáng tạo ở nơi anh vẫn không hề mệt mỏi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo