Các nghệ sĩ và nhà tổ chức biểu diễn đã nỗ lực tìm kiếm, tạo dựng điểm diễn cho nghệ sĩ có chỗ làm nghề. Ngoài sân khấu Lê Hoàng đang là điểm hẹn của những khán giả yêu thích cải lương hiện nay, tối 30-5, CLB Sân khấu cải lương Thầy Năm Tú do nghệ sĩ Nguyễn Quang thực hiện đã đi vào hoạt động tại Nhà Văn hóa Lao động quận Bình Tân, TP HCM.
Mơ hát nguyên tuồng
Trong khi nhiều nghệ sĩ quy tụ đồng nghiệp làm các chương trình tổng hợp, chàng nhiếp ảnh trẻ Lê Hoàng đã đứng ra gầy dựng sân khấu mang tên của mình. Anh sử dụng hội trường Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh làm sân khấu tổ chức dàn dựng các vở cải lương kinh điển của tuồng cổ và tâm lý xã hội. Qua 10 suất diễn với những vở tuồng cổ như: “Chung Vô Diệm”, “Ngọc Kỳ Lân”, “Xử bá đao Từ Hải Thọ”, sàn diễn này đã tạo điều kiện cho thế hệ diễn viên trẻ cùng tỏa sáng bên cạnh các nghệ sĩ tiền bối.
Lê Hoàng cho biết chính sự dễ dãi, “có gì hát nấy” của nghệ sĩ mà khán giả cải lương đã chán đến rạp. “Chúng tôi cố gắng dàn dựng nguyên vở tuồng và đầu tư cảnh trí, âm thanh, ánh sáng, phục trang cũng như lịch tập dượt nghiêm túc, bảo đảm đưa đến khán giả những sản phẩm chất lượng” - ông bầu Lê Hoàng khẳng định.
Chính từ nỗ lực muốn khôi phục cải lương nguyên tuồng, ngay từ ngày đầu ra mắt, sàn diễn Lê Hoàng đã nhận được sự hưởng ứng của các nghệ sĩ: Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Bạch Mai, Xuân Yến, Thanh Thế, Trường Sơn, Kim Tử Long, Tú Sương, Chí Linh, Vân Hà, Xuân Trúc, Trinh Trinh… Ai cũng dốc lòng để các diễn viên trẻ có thêm vai diễn mới, tỏa sáng bên cạnh thế hệ đã dày công vun đắp cho bộ môn nghệ thuật cải lương.
Ông bầu sân khấu IDECAF Huỳnh Anh Tuấn cho rằng trong thời điểm này, để trả lại sự chuẩn mực cho sàn diễn nghệ thuật cải lương thì cần tổ chức các suất diễn nguyên vở tuồng, được đầu tư nghiêm túc. “Chúng tôi đã phối hợp cùng Hội Sân khấu TP HCM triển khai tổ chức mỗi đợt 4 suất diễn vở tuồng. Trong đó, “Trung thần” của đạo diễn NSƯT Hoa Hạ sẽ là vở khởi động nhân ngày giỗ của Tả quân Lê Văn Duyệt vào tháng 8 tới. Chúng tôi chọn Nhà hát Bến Thành để tái dựng các tác phẩm kinh điển. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tạo điều kiện cho đạo diễn trẻ dàn dựng tác phẩm mới” - ông Tuấn cho biết.
Khó khăn trăm bề
Để duy trì điểm diễn mới, nghệ sĩ Nguyễn Quang quyết định không bán vé suất đầu tiên của CLB Sân khấu cải lương Thầy Năm Tú. Theo anh, đó là cách tạo sức hút cho thương hiệu.
“Những nghệ sĩ tham gia sân khấu này như: Phương Bình, Hoài Thanh, Thanh Hoàng, Đào Vũ Thanh, Nguyễn Quang, Yến Thanh… cũng mong muốn các suất diễn sau sẽ thử bán vé để đo lượng khán giả dành cho mình như thế nào” - nghệ sĩ Nguyễn Quang cho biết.
Để bán được vé trong tình trạng sàn diễn cải lương “đóng băng” như hiện nay là điều không dễ. NSƯT Vũ Luân từng bỏ tiền xây dựng một điểm diễn riêng cho đoàn cải lương xã hội hóa của anh tại Công viên Lê Thị Riêng. Thế nhưng, điểm diễn này hoạt động không thuận lợi khiến anh thua lỗ, phải ngưng lại.
Sân khấu Sen Việt của đạo diễn Lê Nguyên Đạt trụ tại rạp Công Nhân dù đem lại sinh khí cho cải lương ngay từ khi ra mắt nhưng không bao lâu cũng tan rã khiến vở “Cõi thiêng” chỉ diễn được vài suất.
Hiện nay, hai chương trình tổng hợp được tổ chức định kỳ của NSƯT Kim Tử Long (“Ba thế hệ”, “Về lại cội nguồn”) và chương trình tổng hợp của nghệ sĩ Linh Huyền tại rạp Công Nhân đã bán vé theo phương thức quảng bá trên các trang mạng xã hội. Nghệ sĩ Châu Liêm thuê sân khấu Trung tâm Văn hóa quận 6 tổ chức chương trình tổng hợp cũng bán vé theo kiểu mời “khách quen”, rất khó trong việc tiếp cận khán giả vãng lai do thiếu kênh thông tin quảng cáo...
Sân khấu cải lương Lê Hoàng cũng phát hành vé theo cách mới: Mỗi nghệ sĩ dùng trang mạng cá nhân để quảng bá, đồng thời nhờ các diễn đàn cải lương kêu gọi khán giả thích xem nguyên vở tuồng cùng đến ủng hộ. “Chúng tôi đã tìm được cách giải quyết khó khăn khi các nghệ sĩ đều đồng lòng chung tay. Chúng tôi lên kế hoạch tập dượt trước và lịch diễn được ấn định chính xác, dù bán không hết vé đêm diễn cũng mở màn, quảng bá đúng tên tuổi nghệ sĩ tham gia” - ông bầu trẻ Lê Hoàng khẳng định. Theo anh, chính điều này đã giúp sàn diễn đi vào nền nếp, tránh sự tùy tiện trong dựng và diễn, từng bước trả lại chuẩn mực cho sàn diễn cải lương.
Dù đã dùng màn ảnh LED thay cho cảnh trí để tạo hiệu ứng sinh động nhưng sân khấu hội trường trung tâm văn hóa các quận lại quá nhỏ nên việc thể nghiệm cách dàn dựng mới cho nghệ thuật cải lương không có được điều kiện sáng tạo bay bổng như mong muốn. Có được nhà hát hiện đại, với đủ phương tiện kỹ thuật là mơ ước bao lâu nay của nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương. “Bởi lẽ, muốn thu hút khán giả trẻ, sân khấu cải lương phải hướng tới việc khai thác hình thức biểu diễn hiện đại. Cải lương bị khán giả trẻ quay lưng chính vì cứ lặp lại cái cũ, đã quá mòn” - NSƯT Kim Tử Long nhìn nhận.
Chỉ là tạm thời
Những sàn diễn như sân khấu Lê Hoàng, Thầy Năm Tú cũng chỉ là giải pháp tạm thời của các thế hệ nghệ sĩ.
“Tôi ghi nhận sự dốc lòng gầy dựng sàn diễn cải lương mới của những người quản lý sân khấu này. Họ là những người trẻ, yêu cải lương và gắn bó với các nghệ sĩ, mong muốn giúp nghệ sĩ vượt qua khó khăn trong làm nghề như hiện nay nên dấn thân vào công việc tổ chức” - NSƯT Kim Tử Long bày tỏ.
Nghệ sĩ cải lương không thiếu người tài nhưng khi không có sân khấu biểu diễn, họ tản mác khắp nơi để tìm kế mưu sinh. Với những sân khấu tạm bợ, họ tự an ủi mình rằng có thêm đốm sáng mới nhưng rồi rất lo sợ một ngày nào đó chúng lại lụi tàn.
Bình luận (0)