Nghệ sĩ Thanh Hải tên thật là Hồ Văn Xia, sinh năm 1933 tại Dĩ An, Sông Bé (nay là Bình Dương). Ông là con của Sáu Kỳ, chuyên dạy võ cho thanh niên trong thời kháng chiến chống Pháp. Thời đó, cha ông bị Việt gian chỉ điểm, lính Pháp bắt tra tấn dã man rồi giết, thả xác trôi sông.
Ký ức đau thương này hằn sâu trong đầu nghệ sĩ Thanh Hải. Mỗi khi nhắc về cha, ông thường khóc: “Không vớt được xác cha, cũng không biết ngày chết nên mẹ tôi lấy ngày cha bị bắt làm ngày giỗ”.
Với tấm bằng trung học đệ nhất cấp và giỏi tiếng Pháp, nghệ sĩ Thanh Hải xin vào làm ở Trại cao su Bến Cát lấy tiền nuôi mẹ. Thời điểm này, bạn của ông là cái radio nhỏ. Nhờ nghe radio nhiều mà ông mê giọng ca của NSND Út Trà Ôn qua các bài: Sầu vương biên ải, Tình anh bán chiếu... rồi tìm mua bài ca vọng cổ về tập theo radio.
Sau 7 năm làm việc tại trại cao su, năm 24 tuổi, ông quyết chí phiêu bạt theo gánh hát. Năm 1959, ông được soạn giả Điền Long giới thiệu về đoàn Hữu Chí, đặt nghệ danh Thanh Hải. Khi ông về đoàn Thủ Đô, nhờ các tuồng của soạn giả Thu An, ông được khán giả yêu thích và báo giới Sài Gòn thời đó gọi ông là “Vua ngâm Tao Đàn”.
Soạn giả NSND Viễn Châu phân tích: “Ngâm thơ có nhiều lối: Sa Mạc, Vân Tiên, Tao Đàn… nhưng theo lối Tao Đàn, âm điệu nghe mượt mà, trữ tình và bay bổng hơn. Cách ngâm Tao Đàn tuy không có tiết tấu, nó có phần như cách ngâm tự do, nhưng độ ngân của làn hơi được trải dài và Thanh Hải là người đầu tiên sáng tạo đưa vào bài ca cải lương thành công. Anh kết hợp ca ngâm vọng cổ thuần khiết với ngâm Tao Đàn, không chỉ ở những câu nói lối mà trong lòng câu vọng cổ, vừa mượt mà, trữ tình, nam tính. Có lẽ chất giọng “đồng” của Thanh Hải có âm vực rộng, ca có thanh điệu, âm sắc du dương nên đi vào lòng người nghe, tạo nét mới cho bài vọng cổ”.
NSƯT Ngọc Hương – vợ của cố soạn giả Thu An, cũng là bạn diễn của nghệ sĩ Thanh Hải kể: “Ông nhà tôi viết một kịch bản có đoạn ngâm thơ theo lối Tao Đàn cực khó, vậy mà anh Thanh Hải ngâm ngọt lịm, giọng lên xuống trầm bổng nhấn nhá khó ai ngâm hay hơn. Ông nhà tôi biết đó là thế mạnh của anh Thanh Hải nên tuồng nào cũng viết thêm để anh ngâm. Cát-sê của anh Hải tăng vọt. Đến lúc về đoàn Kim Chưởng và Kim Chung thì hợp đồng thù lao của anh Hải là 1,2 triệu đồng (giá kỷ lục của năm 1963), cao hơn cả nhiều ngôi sao đương thời. Và năm 1967, anh Hải đoạt HCV giải Thanh Tâm qua vai Quách Tĩnh”.
Sau ngày thống nhất đất nước, nghệ sĩ Thanh Hải vẫn đóng kép chính trên sân khấu Đoàn Văn Công TP HCM. Khán giả còn nhớ đến vở “Cây sầu riêng trổ bông” sẽ không quên vai anh Kim Hùng bên cạnh NSND Lệ Thủy từng làm thổn thức biết bao trái tim say đắm nghệ thuật cải lương thời đó.
Năm 2006, ông được mời sang Mỹ biểu diễn cùng với NSƯT Thanh Sang, Diệu Hiền, Phượng Liên, NSƯT Bảo Quốc... và khi Sân khấu Vàng của NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương tổ chức nhằm gây quỹ xây dựng nhà tình thương, ông đã xuất hiện trở lại trên sân khấu cùng với nữ đồng nghiệp ăn ý nhất: NSƯT Ngọc Hương. Cả hai đã ca diễn trích đoạn Nắng chiều trên sông Dịch, được khán giả cổ vũ nồng nhiệt. Và đó cũng là những suất diễn cuối cùng của “Vua ngâm Tao Đàn” Thanh Hải.
Đám tang của nghệ sĩ được tổ chức tại nhà riêng: 56 Lê Đại Hành, phường 7, quận 11, TP HCM.
Bình luận (0)