Phóng viên: Khán giả vẫn không hiểu vì sao Thanh Hằng lại bỏ ngang sân khấu cải lương ra nước ngoài sinh sống khi sự nghiệp đang lên như vậy?
-Nghệ sĩ Thanh Hằng: Đúng là khi sự nghiệp đang tiến triển, tôi chọn theo chồng sang Úc định cư, để lo cho tương lai các con. Vì nếu ở quê nhà, các con tôi sẽ học hành không tới nơi, tới chốn khi mà mẹ cứ đi hát suốt, không có điều kiện chăm sóc, lo lắng cho việc học của các con. Tôi vì theo nghề hát quá sớm, từ lúc còn bé xíu đã mê làm diễn viên nên việc học chữ không thành. Tôi thấy mình đã chọn đúng. Các con tôi đang học hành rất tốt. 15 năm tạm dừng sự nghiệp để lo cho gia đình, có thể tôi đúng với bản thân, gia đình nhưng lại không đúng với khán thính giả đã yêu thương mình, những người luôn muốn được xem tôi diễn liên tục trên sân khấu.
Đó có phải là điều khiến chị hối tiếc khi nhìn lại quá trình 40 năm theo nghề hát của mình?
- Không. Hạnh phúc gia đình là điều quan trọng nhất đối với tôi. Tôi cũng truân chuyên, lận đận nhiều, vì trải qua nhiều mối tình, cuộc hôn nhân đầu tiên không trọn vẹn. Tôi sống trong tủi nhục vì những trận đòn ghen tuông. Tôi không trách gì ai, chỉ thương cho phận mình nên khi có điều kiện phải chọn hướng đi tốt nhất để các con tôi - đều là con gái, không lặp lại vết xe đổ của mẹ. Tôi may mắn gặp được người chồng sau này. Anh ấy thương yêu, chăm sóc cho tôi và gia đình. Tôi thấy hạnh phúc khi ở bên anh ấy.
Chị có dự định sẽ tổ chức một live show đánh dấu sự trở lại sân khấu sau 15 năm rời xa?
- Tôi thấy chưa đủ duyên, dù nhiều em trong nghề thân thiết như Hoài Linh cũng hối thúc. Tôi vẫn đang dự tính nên xuất hiện như thế nào để hợp lý và mới lạ. Đêm diễn của mình mà lặp lại những cái cũ thì không hay, phải mới và cuốn hút.
Chị có nhận thấy nghệ thuật biểu diễn cải lương cần phải thay đổi để phù hợp với thời đại?
- Chính ở chỗ hình thức biểu diễn không mới do cơ sở vật chất, rạp hát, các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ đã quá lỗi thời dẫn đến việc khó thu hút giới trẻ. Một vài game show, truyền hình thực tế có đưa nghệ thuật cải lương vào, phần nào đó đã cho giới trẻ biết thêm về bộ môn này nhưng chỉ dừng lại ở những tiết mục vui, hài hước, chưa khai thác chiều sâu những tác phẩm kinh điển.
Đừng phản bác tất cả những cố gắng, nỗ lực của những người dám nghĩ đến việc đưa cải lương vào các game show, bởi tôi cho rằng đó là xu thế hiện nay. Khán giả trẻ chọn game show vì ở đó có sức hút ngôi sao, có kịch tính và sự hấp dẫn.
Cải lương vẫn sống mãi theo thời gian, vẫn giữ vững những giá trị của nó, có điều cách tiếp cận, cách thể hiện chưa mới, nếu được thay đổi, được chăm chút, cải lương sẽ phù hợp với thời đại. Nghệ thuật cải lương luôn mở, nó dung nạp tất cả những tinh hoa để làm mới và giàu hơn cho sức sống của nó. Tuy nhiên, sức sống đó phải được chăm chút bằng lộ trình của một chiến lược dài hơi mà người cầm trịch phải có tâm.
Nghệ sĩ xuất thân trong gia tộc nhiều đời theo nghề hát thường có lợi thế hơn những nghệ sĩ đơn độc đến với sân khấu. Chị có xem mình may mắn?
- Trái lại, với tôi đó là một áp lực rất lớn. Tôi thuộc thế hệ thứ tư của đại gia đình Hai Núi - Tư Helen, một trong 5 đại gia đình nghệ sĩ có 4 đến 5 đời theo nghề hát ở Sài Gòn. Thế hệ tiền bối trong gia tộc đã đóng góp tài năng và công sức để xây dựng nên nền nghệ thuật sân khấu của nước nhà. Ông Hai Núi là ông cố của tôi, một nghệ sĩ tiên phong trong ngành hát bội pha cải lương. Bà ngoại tôi là con thứ tư của ông Hai Núi, bà chuyên đóng vai đào lẳng mùi, chuyên hát tuồng Tây. Bà tên Tư Helen được xem là người có công khám phá ra cách ca diễn lẳng pha mùi. Bà ngoại tôi chính là tâm điểm của sự chú ý thời đó, ra sân khấu diễn lấn lướt luôn cả đào chánh. Mẹ tôi - nghệ sĩ Kim Hoa cũng tạo được sức ảnh hưởng lớn. Vì thế, tôi nhận thấy mình chịu quá nhiều áp lực, thôi thúc tôi phải tìm hướng đi cho riêng mình. May mắn là tôi nhận ra mình đang đứng ở vị trí nào để điều chỉnh cho thích hợp.
Bí quyết để chị có lối ca vọng cổ rất riêng và cách thể hiện các nhân vật ngày càng sinh động?
- Cách ca, tôi học từ những bậc tiền bối, rồi thêm “hoa lá cành” vào. Cần nhất là cách ngân, luyến và giữ hơi cho thật tốt để nhả chữ mang hơi ấm tận trong sâu thẳm tâm tư của mình đến với khán giả. Tôi khổ lụy nhiều nên thường gửi gắm vào bài vọng cổ tâm tư phận đời mình, do đó cũng dễ khóc, dễ mủi lòng. Chuẩn mực của bài vọng cổ chính là chạm đúng tâm tư người nghe. Thể hiện tính cách nhân vật cũng vậy, phải biết cắt bớt những phần thừa thải khi ra sân khấu.
Thế hệ nghệ sĩ như chị thích sống trong hào quang cũ nên ngại thử thách với cái mới. Chị có nghĩ như vậy?
- Tôi gần như quên nghề nghiệp của mình từ những chuỗi ngày sống tha hương. Mỗi sáng lo cho các con đến trường, thi thoảng đi hát chùa. Nghệ danh Thanh Hằng chỉ được nhắc đến khi ai đó gọi tên, và trong tiềm thức, tôi bất chợt nhớ mình đã từng tạo ra hào quang. Cách đây 2 năm, tôi có quay lại đóng trong phim truyền hình “Xóm gà”. Do phải về Úc lo cho các con đi học nên chị Tú Trinh lồng tiếng cho vai diễn của tôi. Lúc xem lại phim, tôi thấy mình mới hơn nhờ tiết tấu của lời thoại lồng tiếng phù hợp với nhịp sống hiện đại. Nếu để tôi lồng tiếng vai diễn sẽ không đạt được như vậy. Kể điều này để thấy rằng tôi không phải kiểu người khư khư ôm chặt hào quang cũ. Tôi lao vào thử thách chấp nhận va chạm để thích nghi với cái mới. Tôi buộc mình phải đổi mới liên tục. Xa sân khấu quê nhà nhưng tôi vẫn theo dõi mọi hoạt động biểu diễn qua truyền thông và các diễn đàn, trang mạng xã hội.
Trải qua bao biến cố của cuộc đời, nhìn lại chặng đường đã qua chị đúc kết được những gì?
- Ở từng độ tuổi khác nhau tôi nhìn lại cuộc đời mình bằng sự cảm nhận, suy tư có khác nhau. Tôi đã học được cách biết “xóa” đúng lúc và “dung nạp” đúng chất để cần bằng cuộc sống. Hiện tại, tôi đang dung nạp rất tốt để có đủ năng lượng cho cuộc trở về với khán giả trong nước đầy ý nghĩa lần này.
Con dòng cháu giống
Năm 1934, ông Hai Núi - ông cố của nghệ sĩ Thanh Hằng thành lập gánh hát Tân Hí Ban với lực lượng đào kép gồm đa phần là con cháu: Hề Tỵ (con trai lớn), đào mùi Chín Điệp (vợ của Hề Tỵ), Ba Tẹt (tức kép độc Thiện Tâm), đào ca Kim Anh (vợ của Ba Tẹt), Văn Long (danh ca vọng cổ, kép chánh - chồng của cô Tư Helen), đào lẳng mùi Tư Helen, ngoài ra còn có những đào kép nổi danh như kép ca: Minh Tấn, Hề Giác, Trọng Lang, kép độc Sáu Nhỏ, Văn Sa, Mai Búp, Nguyệt Yến, Tư Én… Hề Tỵ (ông cậu Hai của Thanh Hằng) từng thủ vai hề trên sân khấu của Bầu Hề Lập. Khi sinh nghệ sĩ Thanh Hằng, nghệ sĩ Kim Hoa đã đặt tên con và khẳng định sau này con của bà sẽ theo nghề hát. Nên từ năm lên 12 tuổi đã gửi con gái theo đoàn Thanh Minh, Thanh Nga. Cô bé Thanh Hằng thời đó đã là diễn viên múa có mặt trong hai vở “Bên cầu dệt lụa”, “Thái hậu Dương Vân Nga”. Nhờ được học bên cánh gà đoàn hát trứ danh này, nghệ sĩ Thanh Hằng quyết tâm nối nghiệp gia tộc cho đến ngày nay.
Nghệ sĩ Thanh Hằng được giới chuyên môn đánh giá là nữ diễn viên đa tài, chị có thể diễn xuất sắc các loại vai tuồng như: đào mùi, đào lẳng mùi, đào độc, lẳng độc, vai mụ và cả trong lĩnh vực hài kịch chị cũng mang lại tiếng cười rất duyên dáng và độc đáo.
Thanh Hằng ghi dấu ấn trong các vở tuồng: “Duyên kiếp”, “Chí Phèo”, “Người đẹp Bạch Hoa Thôn”, “Giọt lệ cố nhân”, “Xử án Trần Thế Mỹ”, “Cho trọn tình đầu”, “Hàn Mạc Tử”, “Thần đồng Lưu Minh Châu”, “Lòng người đen bạc”, “Nỗi oan Hoàng Hậu”, “Tóc mai sợi vắn, sợi dài”, “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Hai mảnh đời một niềm đau”, “Tô Hiến Thành xử án”, “Câu thơ yên ngựa”… Hành trang nghệ thuật của nghệ sĩ Thanh Hằng có đến hơn 200 vai diễn.
Bình luận (0)