NSND Lệ Thủy đã xúc động nói: “Tôi rất buồn vì quá bất ngờ! Cách đây không lâu khi gặp cháu Quế Trân, hỏi thăm sức khỏe của cha, Quế Trân bảo cha đã ổn định sức khỏe sau ca mổ khớp xương. Hôm nay, bàng hoàng nghe tin anh Thanh Tòng qua đời, tôi xúc động vô cùng. Một nhân tài của ngành sân khấu đã nằm xuống. Tôi nhớ như in giai đoạn sau khi chúng tôi sang châu Âu lưu diễn, tháng 2 năm 1984, lúc đó Thanh Tòng hiền lắm, hay bị các chị Bạch Tuyết, Ngọc Giàu và tôi chọc phá, anh hay mắc cỡ, nên mỗi khi chúng tôi sáp lại chọc phá anh, anh đỏ mặt. Tính cách của anh hiền lành, chịu lắng nghe và hết lòng bảo bọc đàn em theo nghề. Tiếng nói của anh có giá trị trong gia tộc, ngay cả những gánh hát cải lương tuồng cổ, khi có sự dàn xếp của anh về một mâu thuẫn nào đó trong tranh giành bến bãi, xích mích chuyện tiền cát- sê, tiền tác quyền, anh lên tiếng là đâu vào đấy, răm rắp nghe theo. Tôi có vai diễn kỷ niệm với anh Thanh Tòng đó là vở “Áo cưới trước cổng chùa”, của đoàn Cải lương 284. Tôi diễn vai Xuân Tự còn anh đóng vai Tổng trấn họ Mạc, câu chuyện nói về xứ sở Hà Tiên. Và vai diễn tôi thích nữa là Tô Ánh Nguyệt, anh đóng vai em trai tôi, đó là cậu Tân. Biết bao kỷ niệm ùa về trong tôi, cứ nghĩ chúng tôi sẽ lại gặp nhau, kể cho nhau nghe về chuyện con cái thành đạt, vậy mà nay đã phải xa cách anh. Hồn của anh sẽ mãi quyện chặt với sân khấu tuồng cổ, những sáng tác của anh vẫn luôn là khuôn mẫu cho thế hệ trẻ noi theo. Bầu trời cải lương tuồng cổ từ nay thiếu vắng nụ cười và ánh mắt của người nghệ sĩ đã cống hiến trọn đời cho nghiệp Tổ”.
NSND Kim Cương đã kiềm được nỗi xúc động khi hay tin NSND Thanh Tòng qua đời: “Tòng với gia đình tôi là một mối thâm tình! Má tôi – NSND Bảy Nam khi còn sống rất yêu quý Tòng. Mỗi lần nghe băng dĩa Tòng hát, má khen và kêu tôi hẹn dùm Tòng lên nhà để má tặng cho những “bảo bối” nghề hát. Má tôi và Tòng đã có những buổi trao đổi, tranh luận rất thú vị về nghề hát, các trình thức vũ đạo. Thương Tòng quá, ra đi giữa lúc chưa nhìn thấy được con gái út của mình là NSƯT Quế Trân lên xe hoa. Khi sức khỏe Tòng yếu đi, hai chị em đi họp ở Hà Nội, theo lời mời của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, Tòng đi đứng khó khăn, tôi lúc đó 70 tuổi dìu “đứa em” 65 tuổi đi từng bước lên sân khấu. Tòng ra đi là một mất mát lớn của sân khấu cải lương tuồng cổ, bởi những đóng góp rất lớn của em đối với sự nghiệp sân khấu dân tộc”.
NSƯT Thanh Thanh Tâm từ Mỹ gọi điện về bày tỏ: “Dù sinh sau đẻ muộn nhưng tôi thấy mình may mắn khi được tiếp cận với những di sản sân khấu mà ông để lại cho đời. Đó là những dịp tôi được ca diễn cùng ông, được ông dìu dắt, chỉ dạy và một lần ngồi chung vị trí ban giám khảo cuộc thi Giải thưởng HCV Trần Hữu Trang, năm đó NSƯT Quế Trân – con gái của ông đăng quang cùng NSƯT Hữu Quốc (năm 1998). Ông đã nói rất thích cách thể hiện có sáng tạo riêng trong ca diễn của tôi, dù thăng hoa nhưng vẫn giữ tính chuẩn mực trong khuôn khổ cho phép. Tôi đã biết phiêu linh sáng tạo trong ca diễn của nghệ thuật cải lương tuồng cổ là như thế nào, khi mà theo cảm xúc của mình, nhưng vẫn giữ được vũ đạo, trình thức và dấu ấn của diễn nội tâm. Đó là một kỷ niệm để đời trong tôi khi nói về NSND Thanh Tòng, người nghệ sĩ gây ấn tượng đẹp với tôi qua nhân cách sống hiền hòa, nhã nhặn. Ông luôn công nhận sự sáng tạo của các thế hệ đàn em và quý trọng sự sáng tạo đó”.
NSND Thanh Tòng và NSƯT Minh Vương
NSƯT Minh Vương, người bạn diễn thân thiết với NSND Thanh Tòng khi cùng đi chung đoàn cải lương 284 nói về NSND Thanh Tòng: “Tôi tham dự một chuyến lưu diễn mà lần đó đoàn tổ chức mừng sinh nhật của Thanh Tòng, anh sống giản dị lắm, không muốn làm phiền ai. Hễ diễn xong về nhà nghỉ thì ngồi sáng tác kịch bản, hoặc hướng dẫn các em nhỏ tập tuồng. Anh sống mực thước lắm, không có la cà, tụ năm, tụ bảy; lúc còn trẻ cũng vậy, chính vì chú tâm trong mọi khâu, mọi việc mà lãnh vực nào Thanh Tòng cũng giỏi. Hễ giải HCV Trần Hữu Trang có sự tham gia của anh thì hội đồng giám khảo chúng tôi yên tâm, vì hễ trích đoạn dự thi của thí sinh có sử dụng đến trình thức vũ đạo, âm nhạc tuồng cổ, phục trang tuồng cổ là có anh quán xuyến, nhắc nhỡ, phân tích và cho điểm rất chuẩn mực. Tôi đã có vai diễn đóng con anh, đó là Võ Thành Luân, con của Võ Minh Thành, khi anh đột ngột thế vai anh Thành Được trong chuyến đi Châu Âu năm 1984”.
NSND Ngọc Giàu tâm sự trong nghẹn ngào: “Tôi không thể tin ông qua đời sau khi cả giới nghệ sĩ, ca sĩ đã quá đau sầu vì sự ra đi của ca sĩ Minh Thuận. Những thông tin về ông khi vào bệnh viện điều trị vẫn không ai biết, ông không thích sự ồn ào, và đến khi anh em nghệ sĩ trong gia tộc Bầu Thắng, Minh Tơ, Thanh Tòng thông báo ông qua đời, tôi mới bàng hoàng bật khóc. Tôi rất ngưỡng mộ Thanh Tòng ở tài năng sáng tạo và cuộc sống khiêm tốn của nghệ sĩ con nhà nòi. Những sáng tác sân khấu cải lương tuồng cổ của ông mãi mãi là di sản vô giá của ông cho sân khấu cải lương tuồng cổ . Ông là nghệ sĩ tài hoa, nhà nghiên cứu sân khấu tuồng cổ của Việt Nam. Tên tuổi của ông sẽ được khắc ghi trong nền sân khấu dân tộc, trong đó có những kịch bản cải lương tuồng cổ đã trở nên rất quen thuộc với người Việt Nam như: "Gánh cải trạng nguyên", "Ngọn lửa Nam Dương thành", "Má hồng soi kiếm bạc", "Mã Siêu báo phu cừu"…. Vĩnh biệt ông, người nghệ sĩ của công chúng”
Bình luận (0)