Tôi yêu quý nghề của ba tôi, nghệ nhân đờn cò Chín Trích. Ông sống mộc mạc, bình dị như chính tiếng đờn trĩu nặng nỗi niềm xa quê. Má tôi nhẫn nại, hiền lành, ít nói. Bà sanh cho ba một lượt 9 người con. Gồng trên vai cái ăn, cái mặc cho cả nhà, ba chẳng hề than. Năm tôi 15 tuổi, sau khi dạy tôi một số bài bản nhỏ và học ca vọng cổ theo nhịp đờn, ba dẫn tôi thi vào Trường Quốc gia Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TPHCM). Tôi thi đậu lớp diễn viên cải lương nhưng vì chưa đủ tuổi nên chỉ học dự thính. Thầy Duy Lân, bác Năm Châu, cô Hai Kim Cúc là những người dìu dắt tôi vào nghề. Thời đó, tôi vừa đi học, vừa phụ giúp má tôi chuyện “đong gạo”. Mỗi chiều sau giờ học là lội bộ qua Thủ Thiêm mua đồ hộp đem ra chợ bán. Rồi tôi đi lồng tiếng phim, bắt đầu rèn luyện giọng thoại để từ sân khấu cải lương bước qua kịch nói.
Đi tìm mái nhà chung
Trong vai Thị Lộ, nhân vật có nói một câu thoại rất hay: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị giết vì lẽ phải. Nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi là thiên chức con người”.
Giới sân khấu chúng tôi thường thương yêu nhau ở “bề nổi”, còn bề chìm, cái góc khuất đó xem ra rất đúng với câu ví von “hai cô nghệ sĩ chẳng ưa nhau bao giờ”! Không hiểu từ lúc nào phía sau hậu trường vẫn rộ lên những chuyện trù dập “lẽ phải”. Sự cạnh tranh của các sân khấu vô tình “đẻ” ra những nhân vật thích được suy tôn là “nhất”. Ngày xưa bác Năm Châu có dạy chúng tôi: “Nghề hát là sự tập hợp nhiều nguồn nhân lực. Vở diễn có hay, vai diễn có đặc sắc là nhờ vào mái nhà chung đó”. Rõ ràng cải lương “ngắc ngứ” là vì người nghệ sĩ không còn xem đoàn hát, sân khấu là mái nhà chung. Họ đến rồi đi như ở một khách sạn.
Gặp mình trong nhân vật
Cái gọi là “đi vào lòng người” mà cả đời diễn viên ai cũng mơ, bỗng là điều không còn thực tế. Chả trách khán giả không đến với cải lương như ngày xưa. Còn ở kịch nói, bây giờ tìm một vở mang tính nghệ thuật cao như: Dạ cổ hoài lang, Bí mật vườn Lệ Chi, Biển... thật quá hiếm. Còn trong hậu trường, người ta cười với nhau chỉ để lấy lòng, và nụ cười đó không gặp nhau vì sự đồng cảm được sống với nghề. Vì thế sân khấu cứ như một bàn tiệc, nơi người xem là thực khách chờ được ăn súp cua, gà nướng mà cứ phải nhai “gỏi chua” cầm hơi. Bản thân tôi nếu chẳng được làm “món súp” thì quyết định rút lui, chứ không chịu “ăn sổi”. Trên con đường đi tìm vai diễn trong mái nhà đúng nghĩa của mình, tôi đã mấy lần bắt gặp chính mình trong nhân vật. Một diễn viên lớn tuổi trong Tôi chờ ông đạo diễn (vai đã giúp tôi đoạt giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động năm 1998), một Thị Lộ trong Bí mật vườn Lệ Chi, một cô Nhàn trong Những giấc mơ riêng, một bà viện trưởng trong Đèn không hắt bóng, một cô Phượng biệt động đô thành trong Xóm nhỏ Sài Gòn..., mỗi vai diễn đều là một phần đời của tôi.
Bình luận (0)