Ở cuộc trao đổi này, dự án Gánh xiếc bay của Ong Keng Sen được trình bày cụ thể để chia sẻ với các nghệ sĩ Việt Nam từ ý tưởng, cách làm việc, thông điệp gửi gắm thông qua quá trình đi đến các vùng miền thực hiện dự án nghệ thuật được quay phim, chụp hình lưu giữ lại.
Trong dự án Gánh xiếc bay của Ong Keng Sen, nghệ thuật đương đại được kết hợp từ nhiều nền văn hóa truyền thống: sân khấu, múa, âm nhạc, nghệ thuật thị giác, phim và nghi lễ... tại nhiều nước khác nhau trên thế giới. Trong dự án nghệ thuật đương đại mà Keng Sen thực hiện, nghệ thuật không phải là gì cao siêu, xa lạ, mà ở ngay trong những hình ảnh con người cùng với hoạt động mang tính nghệ thuật của họ.
Chính vì thế, ông mời cả những đứa trẻ, ông bà già ngay trên vùng đất ông đến thực hiện dự án cùng tham gia tạo dựng tác phẩm của mình. Ở những con người địa phương ấy, họ có những nét đẹp tự nhiên ngay trong hình dáng, cử chỉ mà khi hợp tác, người nghệ sĩ chỉ cần hướng dẫn, uốn nắn để phù hợp với ý đồ nghệ thuật của mình sẽ rất thành công.
Cũng chính những nơi Keng Sen đến thực hiện dự án, ông học được rất nhiều điều từ chính những người dân địa phương ngay trong vẻ hồn hậu của họ. Đó là những bài học mà những tháng năm học Đại học Nghệ thuật ở Mỹ ông không thấy trong giáo trình.
Keng Sen là người khởi xướng và là thành viên Mạng lưới nghệ thuật châu Á, đã nhiều lần “kết nối” các nghệ sĩ đương đại ở Thượng Hải (2000), ở Hà Nội (2002). Ông tổ chức tài trợ cho nhiều dự án nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ trong khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Về tên của dự án Gánh xiếc bay, Ong Keng Sen bộc bạch: “Hình ảnh gánh xiếc gắn với niềm đam mê trong ấu thơ mỗi người. Những gánh xiếc còn là nơi tập trung nhiều người, không kể thành phần, không giới hạn điều gì mà cùng tụ tập lại vì sự tò mò, và tạo cảm giác gần gũi với nghệ sĩ. Gánh xiếc, tại sao bay? Bởi gánh xiếc của chúng tôi có ước mơ bay cao, bay xa và rộng hơn”.
Khi bắt tay thực hiện dự án này, ông không được sự ủng hộ từ bè bạn. Họ cho rằng, một trong những đặc tính của nghệ sĩ là lao tâm khổ tứ với nghệ thuật một cách “đơn thương độc mã”. Nghệ sĩ khó mà sáng tạo cùng tập thể. Riêng Ong Keng Sen lại giữ vững lập trường của mình.
Là một nghệ sĩ, ông hiểu rằng ở người nghệ sĩ vẫn luôn có sự khát khao giao lưu trao đổi và sẻ chia, trước hết đối với đồng nghiệp. Nhất là với những nghệ sĩ trẻ, đó là điều quan trọng vì nó sẽ tác động đến môi trường sáng tạo của họ. Ông đầu tư cho dự án của mình trong hơn 10 năm (từ 1994), quả ngọt ông thu được không chỉ là những tác phẩm gầy dựng trên nhiều nước khu vực Đông Nam Á, mà còn là “lửa” cảm xúc để nuôi tiếp đam mê sáng tạo.
Cuộc toạ đàm này nằm trong chương trình chuẩn bị cho cuộc triển lãm nghệ thuật lớn Giải phóng sẽ diễn ra tại TPHCM vào tháng 11 năm nay. Cuộc triển lãm sẽ có mặt nhiều nghệ sĩ tên tuổi, trong đó có Yoko Ono, vợ của ca sĩ huyền thoại John Lennon.
Bình luận (0)