Như Báo Người Lao Động đã thông tin, cả tuần qua, một quán cà phê trong khu giải trí Kỳ Hòa (quận 10, TP HCM) trở thành địa điểm thu hút nhiều người đến chụp ảnh vì ở đây có một tổ rẻ quạt mới nở chim non! Tổ chim nằm trên cành me được cột vào bờ rào, cách mặt hồ nước khoảng vài mét, bên trong có 2 con chim vừa nở khoảng hơn 1 tuần. Tổ chim được các tay máy di chuyển khắp nơi để có nhiều góc chụp khác nhau, kể cả phơi giữa trời nắng trong cái nóng 35-36 độ C. Thú chơi đầy nhẫn tâm này đang khiến các nhà bảo tồn hết sức lo ngại và lên án.
Từ sự việc này, nhóm các nhiếp ảnh gia say mê thể loại ảnh hoang dã gồm Tăng A Pẩu, Nguyễn Dũng, Đàm Thanh Tùng đã phải lên án hành động phi nghệ thuật từ các tay máy như Vũ Tường Chiểu, Nguyễn Phương, Vũ Duy Bội. Bởi lẽ, họ khó có thể chấp nhận thứ ảnh nghệ thuật can thiệp thô bạo vào đời sống tự nhiên như thế. Một “cuộc chiến” trên các diễn đàn ảnh nghệ thuật, mạng xã hội để bảo vệ quan điểm của 2 nhóm đã diễn ra ồn ào những ngày qua. Bên nào cũng cố chứng minh việc làm của mình không sai. Họ tung đủ bằng chứng cho thấy bên kia cũng tàn nhẫn với chim không kém.
Nhóm nhiếp ảnh gia Nguyễn Phương cho rằng “lời nói của Tăng A Pẩu như thánh nhân nhưng hành động thì ngược lại” và trưng ra một loạt ảnh mà đối thủ đang cầm nắm, đụng chạm chim non. Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu cho biết loạt ảnh đó anh chụp ở rừng Nam Cát Tiên trong một lần cứu hộ loài chim bị người dân bẫy và có sự chứng kiến của Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), ông Nguyễn Văn Hùng. Tuy vậy, mỗi lần đưa ra bằng chứng mới là người hâm mộ của 2 nhóm đều bày tỏ cảm xúc sụp đổ thần tượng của mình. Lòng tin của người yêu ảnh nghệ thuật giảm sút bởi ngay cả lĩnh vực thiên về cái đẹp, nhân bản, nhân văn nhất cũng nhuốm màu giả tạo.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh TP HCM (HOPA), các nhiếp ảnh gia chụp ảnh hoang dã trên thế giới ít can thiệp vào đời sống tự nhiên hoặc nếu có thì hết sức tinh tế, tránh làm xáo động cuộc sống của chúng. Cụ thể như chụp ảnh tổ chim non, nếu tổ chim nằm khuất, họ sẽ tỉa bớt cành để dễ chụp. Chuyện dời tổ chim ra ngoài sáng chỉ tiến hành mỗi ngày một chút, để cho chim quen với môi trường mới. Với những người chấm thi nhiều kinh nghiệm, khi nhìn bức ảnh tổ chim nằm ngay đầu nhánh cây, họ sẽ biết có sự can thiệp thô lỗ của nhiếp ảnh gia vì chim chỉ làm tổ ở nơi chắc chắn, an toàn. “Đã chơi thì phải biết. Nếu chỉ có đam mê mà không có sự hiểu biết về đời sống hoang dã thì sẽ không cho ra những sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa” - nhiếp ảnh gia Bùi Minh Sơn nhìn nhận.
Theo nhiều nhà nhiếp ảnh, để có một bức ảnh hoang dã có giá trị, ngoài việc tránh xâm phạm đến đời sống tự nhiên của con vật, bức ảnh đó phải lột tả được đời sống của chúng, như cảnh bắt mồi, kiếm ăn, nuôi con, tình yêu, chiến đấu... Thế nhưng, thói quen chụp ảnh “salon” đã và đang làm cho một số nhiếp ảnh gia trở thành những người vô cảm với đời sống của tự nhiên. Chúng ta không còn nhỏ để bắt đầu một bài học phải trả giá bằng mạng sống của một sinh linh khác. Tất cả đều đã trải qua sự giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội nên biết việc làm ấy sai mà vẫn bao biện, lấp liếm thì nên xem lại mình.
Bình luận (0)