Trong lời giới thiệu có nhan đề Ngọa hổ tàng long và Vương Độ Lư, ngày 28-7-2000, Cung Dĩ Nhân đã viết: “Ngọa hổ tàng long hoàn toàn không phải không miêu tả chuyện đấu tranh giữa chính tà thiện ác và mâu thuẫn xã hội, nhưng về việc quyển sách miêu tả sinh hoạt ở kinh đô thì từ góc độ xã hội học mà khảo cứu cũng có nhiều điều thú vị”. Rõ ràng tiểu thuyết võ hiệp không còn đơn thuần là một thể loại văn học giải trí như nhiều người vẫn nghĩ, mà đã tiến đến chỗ có khả năng tiếp cận và phản ánh nhiều hiện tượng, quá trình và lãnh vực của đời sống, có thể khiến người ta khóc cười thương giận cho tâm tình và số phận con người trong một thế giới đa đoan.
Về nội dung, Ngọa hổ tàng long xoay quanh mối tình của Ngọc Kiều Long, con gái một vị đại quan và La Tiểu Hổ, một thiếu niên bất hạnh làm tướng cướp. Cuộc tình không môn đăng hộ đối này đã gây ra nhiều tai họa phiền phức cho không ít người vô can, đồng thời làm thay đổi cả số phận lẫn tâm tình của hai người trong cuộc. Ngọc Kiều Long trở thành “tàng long”, La Tiểu Hổ trở thành “ngọa hổ”, nhưng không phải loại ngọa hổ tàng long theo cái nghĩa là bậc anh hùng ẩn náu chờ thời để vẫy vùng tung hoành, mà là một con hổ thất tình và một con rồng bất lực. Cặp nhân tình trai tài gái sắc, võ nghệ cao cường, can đảm hơn người, thiên lương tốt đẹp, khí cốt kiêu ngạo và được không ít người giúp đỡ này sau cùng phải chia tay vì không vượt qua được chướng ngại là quan niệm đẳng cấp trong hôn nhân. Cái bi kịch có nguồn gốc phong kiến này dường như lại trở thành một nạn đề trong xã hội thị dân, nên cũng thu hút sự quan tâm của tầng lớp thị dân nhiều hơn cả.
Mặt khác tiểu thuyết võ hiệp tình cảm không phải là sản phẩm của xã hội phong kiến, nên trong thực tế thì Ngọa hổ tàng long đề cập tới xã hội thị dân trong cái biến thái đặc thù của phong kiến nửa thuộc địa của nó sau Cách mạng Tân Hợi 1911 ở Trung Hoa. Chính vì vậy mà các hiệp khách phong kiến như Lý Mộ Bạch, Du Tú Liên, các quan lại phong kiến như Đức Khiếu Phong, Khâu Quảng Siêu trong tác phẩm đều bị lấn át bởi “anh hùng chợ búa” Nhất đóa Liên hoa Lưu Thái Bảo. Ở đây Ngọa hổ tàng long lại là một bằng chứng về sự phát triển tất yếu của tiểu thuyết võ hiệp - vô hình trung nó đã gián tiếp phủ nhận cả các thế lực phong kiến trên con đường tiếp cận và phản ánh xã hội thị dân...
Bình luận (0)