Nhiều phim Việt, cả điện ảnh lẫn truyền hình, đang xuất hiện các yếu tố “ngôn tình”, lãng mạn hóa chuyện tình yêu trên màn ảnh. Hiện tượng này đang phát triển và trở thành xu hướng, nhất là khi các nhà sản xuất phim cho rằng đơn thuần vì đáp ứng nhu cầu khán giả.
Xu thế “thời thượng”
Từ văn học, “ngôn tình” xâm chiếm sang điện ảnh - truyền hình. Ở Trung Quốc, thể loại này được nhiều nhà làm phim đua nhau mua bản quyền chuyển thể sang phim truyền hình. Những phim: “Bên nhau trọn đời”, “Hãy nhắm mắt khi anh đến”, “Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa”, “Sam Sam đến rồi”... chuyển thể từ sách ngôn tình rất được người xem yêu thích.
Phim hóa từ tác phẩm “ngôn tình” trở thành trào lưu khi ngày càng thu hút đông khán giả. Những “fan” trước đây của sách chuyển sang theo dõi phim để so sánh với nguyên bản. Khán giả say mê “ngôn tình” Trung Quốc cũng tham gia bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, trang mạng, theo từng tập phim phát sóng.
Nhận thấy thị hiếu này, các nhà làm phim Trung Quốc, Hàn Quốc... bắt đầu thêm yếu tố “ngôn tình” như gia vị trong tác phẩm của mình nhằm thi vị hóa những câu chuyện tình thật lãng mạn theo hướng kết hợp hoàn hảo giữa “soái ca” cùng một cô gái xinh đẹp không kém hoặc ngược lại. Thường đó là những anh chàng đẹp trai, có tài năng, hết lòng yêu thương, chung thủy với một cô gái có phần ngây thơ, thuần khiết... Thậm chí, phim không hoàn toàn về “ngôn tình” nhưng pha trộn thêm một chút yếu tố này cũng được khán giả đón nhận nhiệt tình. Điển hình, phim “Hậu duệ của mặt trời” gây sốt khán giả châu Á của Hàn Quốc có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố “ngôn tình”.
Ở Việt Nam, “ngôn tình” cũng xuất hiện trong nhiều phim điện ảnh: “Yêu”, “12 Chòm Sao: Vẽ đường cho yêu chạy” hoặc pha trộn cùng yếu tố khác như: “Taxi, em tên gì?”, “Gái già lắm chiêu”, “Bệnh viện ma”... Phim truyền hình “Tuổi thanh xuân” (đạo diễn: Nguyễn Khải Anh, Myung Hyung-woo, Bùi Tiến Huy) do Nhã Phương và Kang Tae-oh đóng vai chính, vừa đoạt Cánh diều vàng 2015 của Hội Điện ảnh Việt Nam cũng đậm đặc yếu tố “ngôn tình”. Một số dự án phim khác ra mắt sắp tới của nhiều đạo diễn Việt Nam cũng chạy theo yếu tố này.
Lý giải về việc “ngôn tình” xuất hiện trong nhiều phim Việt hiện nay, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Lý Minh Thắng nhận định do cuộc sống hiện đại hối hả, thời gian trôi nhanh, mọi thứ theo guồng xoáy, người ta lại càng khao khát tình cảm lãng mạn, những khoảnh khắc mơ mộng. Khi bắt gặp chúng trong tác phẩm văn học hoặc qua phim, họ thích thú vì nó chạm đến phần sâu kín trong tâm hồn mỗi người, đánh thức những giấc mơ lãng mạn về một tình yêu đẹp.
Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Phạm Văn Hải lý giải: “Thời kỳ nở rộ phim hành động pha hài hoặc phim hài hước đơn thuần đã qua và các nhà làm phim buộc phải tìm đề tài mới lạ, tránh lối mòn, trong khi yếu tố “ngôn tình” thu hút chú ý của người xem. Nhất là khi một số phim có yếu tố này nhận được tín hiệu tốt từ công luận trong thời gian qua”.
Một nhà phát hành phim cho rằng hiện nay, khán giả đến rạp hoặc xem phim qua truyền hình đa phần là giới trẻ. Họ quyết định doanh thu của phim cũng như lượng rating (chỉ số khán giả xem qua màn ảnh nhỏ) nên việc đáp ứng nhu cầu của giới này được đề cao.
Nên chỉ là gia vị
Theo diễn viên Quý Bình, “ngôn tình” là trào lưu của thế giới, trong đó có Việt Nam, khai thác yếu tố ngôn tình trong nghệ thuật là xu hướng tất yếu.
“Tuy nhiên, trong xu hướng tất yếu đó, mình có tạo được điều gì đặc biệt không, có đáp ứng được nhu cầu của khán giả trẻ và có để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng không mới là điều quan trọng. Với phim “Bao giờ có yêu nhau”, các bạn xem xong sẽ thấy đấy là câu chuyện tình đẹp, ngôn ngữ điện ảnh đẹp, nhân vật trong phim yêu nhau tha thiết và sẵn sàng vì tình yêu đó mà hy sinh cho nhau. Sự lãng mạn hóa tập trung ở góc máy quay, khung cảnh... chứ còn nội dung câu chuyện tình này vẫn mang đến cảm giác chân thật, nó có đâu đó trên cuộc đời này nhưng chúng ta có thể chưa gặp, chưa chạm tới” - anh bày tỏ.
Rõ ràng, đề tài tình yêu nếu như có thêm yếu tố lãng mạn hẳn sẽ hấp dẫn hơn so với thực tế cuộc sống có phần phũ phàng. Thời điểm nở rộ, dòng văn học “ngôn tình” từng bị chỉ trích dữ dội với lo ngại sẽ gây nghiện rồi lôi kéo người đọc khỏi cuộc sống thực tế, suốt ngày “ảo tưởng” hình ảnh “soái ca” hoàn hảo. Các nhà tâm lý lo ngại giới trẻ sẽ thất vọng, buồn bã khi đối diện hiện thực cuộc sống không như thế giới mình từng mộng mơ. Các nhà xã hội học cũng cho rằng khó khăn của cuộc sống thực tế dễ khiến hôn nhân của những đôi vợ chồng mộng mơ trong thế giới ngôn tình sẽ sớm đổ vỡ. Vì thế, khi “ngôn tình” bắt đầu có nhiều trong phim, những lo ngại này càng tăng lên.
Nhiều nhà làm phim cho biết sử dụng yếu tố ngôn tình để làm tăng gia vị cho cho câu chuyện tình lãng mạn hơn trên phim chứ không đóng vai trò chính. Nó sẽ kết hợp cùng nhiều yếu tố khác như hành động, kinh dị, kỳ ảo, liêu trai…, giúp “món ăn” tinh thần thêm thi vị, thu hút khán giả mà không gây nên hệ lụy như các nhà tâm lý, xã hội học lo ngại.
Cần chừng mực
Nghệ sĩ Aly Dũng cho biết thời trẻ của ông không có sự phát triển của mạng xã hội nên không có hiện tượng sống “ảo”, cũng chẳng có sự thi vị hóa trong tình yêu như ngày nay. Vì thế, chuyện tình yêu ngoài đời lẫn trên phim có phần giống nhau, chân thật hơn.
Ngày nay, theo xu thế mới, nhiều yếu tố lãng mạn hơn được thêm vào nhưng với những người từng trải, họ sẽ tự đánh giá được đâu là hiện thực, đâu là tiểu thuyết hóa. Nhiều người trẻ không đánh giá được như thế nên những nhà làm phim đừng quá sa đà mô tả bay bổng các câu chuyện tình mà cần chừng mực, vừa đủ để cân bằng giữa lãng mạn và hiện thực.
Bình luận (0)