xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người đàn bà... Niềm cảm hứng của điện ảnh

Cát Vũ

Có một điều chung nhất là tất cả những người đàn bà đã và đang được đưa lên màn ảnh 2002 đều khởi đi từ những số phận có thật trong xã hội. Chính những điều không bình thường trong cuộc sống đời thường đã gợi lên trong trái tim người sáng tác những cảm xúc mãnh liệt.

CHỜ ĐỢI: Trong nghệ thuật, hình tượng người đàn bà luôn là niềm cảm hứng bất tận. Trong điện ảnh VN cũng vậy, người đàn bà hiện ra từ những mảnh đời rất thực của cuộc sống. Hy vọng, những “Người đàn bà...” sẽ giúp cho điện ảnh VN gặt hái được một mùa bội thu trong năm 2002

Phụ nữ luôn được xem là hình ảnh gợi cảm nhất trong phim ảnh. Thế nhưng chưa bao giờ như năm 2002 này, những người làm phim đã thẳng thắn khẳng định điều “tế nhị” ấy ngay ở tựa đề: Người đàn bà yếu đuối (TFS), Người đàn bà không hóa đá, Người đàn bà không chung thủy (Hãng Giải Phóng), Người đàn bà mộng du, Người đàn bà ở ngã ba đồi (Hãng Phim truyện VN)... bên cạnh những người đàn bà khác kín kẽ hơn như Thiếu phụ chưa chồng (Hãng phim truyện VN), Trường hợp của Hạnh (Hãng Giải Phóng),...

Những mảnh đời có thực.- Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đã viết kịch bản Người đàn bà yếu đuối, sau khi đọc một bài viết trên Báo Phụ Nữ TPHCM về một người phụ nữ tên Ngọc, từ miền Tây Nam Bộ lên thành phố đi ở đợ. Nhờ có nhan sắc lại thông minh, giỏi giang, chị trở thành con dâu bà chủ, thay mẹ chồng quán xuyến cửa hàng bán sắt vụn. Nhưng chị làm được bao nhiêu, anh chồng lại phá tán bấy nhiêu. Trắng tay, chị bỏ lên rừng mày mò lập trang trại nuôi con. Người chồng không chịu buông tha, tìm đến đòi ly dị để được... chia gia sản! Cộng thêm nhiều khó khăn về sinh thái, về thủ tục,... chị lại phải bắt tay làm lại từ đầu! Người chồng, sau khi tiêu xài hết tiền bạc, lại đi tù, vì thương con, chị lại đưa tay cứu đỡ cho đến ngày ông ta mồ yên mả đẹp. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn nói rằng, anh đã cảm kích về cái đẹp rất phụ nữ nơi chị Ngọc: trước thử thách của sự sinh tồn thì quyết liệt, nhưng trước tình cảm lại vô cùng độ lượng.

Bộ phim Người đàn bà yếu đuối với độ dài kỷ lục từ trước tới nay của TFS (60 tập - 30 phút/tập) do đạo diễn Đinh Đức Liêm thực hiện, đã hoàn thành chỉ chờ ngày phát sóng. Nhân vật trong phim vẫn giữ tên Ngọc của nguyên mẫu, do Kim Ngân, diễn viên múa Nhà hát Nghệ thuật Bông Sen, thủ vai. Sau gần ba năm “sống” với Người đàn bà yếu đuối, đạo diễn Đinh Đức Liêm cho biết, đã nghiệm ra rằng, con người ta khi muốn sống tốt cũng không phải dễ dàng gì, phải gian khổ mất mát, vượt lên sự chòi đạp mới vươn tới được sự lương thiện.

Cũng trên một bài báo (Báo Thanh Niên), biên kịch Nguyễn Thị Bích Thủy lại gặp được nhân vật Người đàn bà không hóa đá của mình. Đó là một người phụ nữ quê Quảng Bình, đã tìm thấy người chồng sau 40 năm thất lạc trong một hoàn cảnh thật trớ trêu. Thời chiến tranh, chồng đi chiến trường, chị ở nhà phụng dưỡng gia đình chồng và nuôi con. Đến khi con chết, lại một mình làm lụng nuôi năm đứa cháu. Năm 1998, tình cờ được tin có một người ở Bệnh viện Tâm thần Ninh Bình, chợt tỉnh ra nhớ mang máng về quê quán, chị đã tìm đến và nhận ra chồng mình, rước về chăm sóc. Dựa vào những chi tiết trên, tác giả Bích Thủy đã rút ngắn thời gian chờ đợi của Người đàn bà không hóa đá của mình còn 15 năm để nhân vật trên phim có sức thanh xuân hơn, đồng thời, thông qua mối tình hư cấu giữa nhân vật (Gái) và chàng kỹ sư trẻ (Hải), tác giả không chỉ muốn đề cập đến nỗi khổ của người phụ nữ VN sau chiến tranh, mà còn nhấn nhiều hơn đến nỗi khát khao mãnh liệt trong việc đấu tranh giành hạnh phúc cho mình. Ngày chị quyết định đi bước nữa với người yêu mới cũng là ngày nhận được tin chồng sau bao năm bị tâm thần biệt tích! Người phụ nữ ấy sẽ phải tự giải quyết ra sao? Bộ phim Người đàn bà không hóa đá (phim nhựa, Hãng Giải Phóng) do đạo diễn Đào Bá Sơn dàn dựng cũng vừa kết thúc phần hậu kỳ, với diễn viên Thúy Loan trong vai Gái.

Người đàn bà không chung thủy lại kể về chuyện một người phụ nữ, chỉ vì chồng bị tù oan, đã phải đi gõ cửa khắp nơi để chồng được giải oan. Trong quá trình đi tìm công lý, chị đã gặp được người đàn ông thật sự của lòng mình. Nhưng ngày chồng được tòa tuyên bố trắng án cũng là ngày chị bị chồng bỏ vì tội không chung thủy. Người đàn bà không chung thủy ấy đã lại phải một mình nuôi con khôn lớn... Ở kịch bản rất giàu chi tiết và đầy kịch tính này, tác giả đã viết những trải nghiệm của chính mình. Kịch bản đã được xếp loại A trong cuộc thi kịch bản của Cục Điện ảnh năm 2001 và hiện là một trong ba kịch bản được Hãng Giải Phóng trình duyệt cho kế hoạch 2002.

Và những người đàn bà khác.- Sau Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Thị Bích Thủy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đang rất say đắm với hai “người đàn bà” của mình. Người đàn bà mộng du là kịch bản anh vừa chuyển thể từ tiểu thuyết Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Đó là một phụ nữ bị bệnh mộng du sau khi đã phải trải qua một quãng đời với quá nhiều biến cố. Trong chiến tranh, chị đã từng là một cô gái đẹp, một nữ chiến sĩ. Chị yêu tha thiết một đồng đội nhưng anh ta là kẻ cơ hội, lấy con gái cán bộ cấp cao để tiến thân. Hòa bình trở lại nhưng những gì tươi đẹp nhất trong cuộc đời chị đã mãi mãi mất đi. Cứ mỗi lần tàu dừng ở một chặng ga, một mẩu ký ức lại hiện về trong chị với hạnh phúc và niềm đau. Chuyến tàu mang chị đi, đi mãi để mong sao tìm tới được ga hy vọng ở cuối đường. Người đàn bà mộng du đã hơn một lần được nhà viết kịch Hà Đình Cẩn chuyển thể và được diễn trên sân khấu Nhà hát Kịch 5 B với diễn viên chính Kim Xuân (đạo diễn Trần Minh Ngọc). Giờ đây, người đàn bà mộng du trên phim (nhựa) sẽ là Hồng Ánh. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết như vậy. Bộ phim đang được chuẩn bị để kịp cho diễn viên lên “tàu” vào mùa hè năm nay.

“Người đàn bà” khác của Nguyễn Quang Thiều là Người đàn bà ở ngã ba đồi, kịch bản vừa hoàn thành từ sự đặt hàng của Cục Điện ảnh và Hãng Phim truyện Việt Nam. Truyện phim cũng được hình thành từ câu chuyện có thật trong chiến tranh. Giữa ngã ba đồi có một vùng đất trống, trên đó có một gia đình với hai chị em sống riêng lẻ. Một đêm kia, có anh bộ đội đóng quân gần đó đi lạc, được cô gái dẫn đường. Hai người yêu nhau. Trước khi chia tay, anh hẹn sẽ trở lại. Chiến tranh kết thúc, dù không thư từ và có không ít người theo đuổi, chị vẫn một mực chờ người đi xa. Người lính trở về quê nhà, mẹ hấp hối trăn trối con trai lấy cô gái hàng xóm nghĩa tình bấy lâu chăm sóc bà làm vợ. Dằn vặt, cuối cùng anh đến ngã ba đồi tìm người đã hẹn xưa. Nhưng người con gái ngày ấy giờ đã là thiếu phụ, bỏ ngã ba đồi dọn xuống đường dựng lều bán quán. Hai người gặp nhau, cùng nhận ra nhau nhưng đều vờ  như không biết vì sự thể bây giờ đã khác. Tình yêu xưa lãng mạn, mà thực tế hôm nay thì... Họ quyết định quên đi quá khứ, nhưng làm sao quên được. Người đàn bà ở ngã ba đồi là một dạng bi kịch tâm lý, một nỗi đau mà không cứ gì phải chiến tranh mới có.

Cho dù được thể hiện một cách giản đơn, đậm tính minh họa chất anh hùng như những bộ phim trước kia hoặc được khai thác bề dày tâm lý sâu sắc ở nhiều góc độ khác nhau như những bộ phim đã và đang thực hiện ngày nay, thì “người đàn bà” Việt Nam vẫn là những nguyên mẫu giàu chất liệu, có sức lay động, đồng thời tạo ra được niềm cảm xúc lớn lao cho nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo