Không ít người chia sẻ với khó khăn của nông dân, đã viết trên trang cá nhân lời kêu gọi cộng đồng giúp đỡ bằng cách mua thật nhiều dưa hấu. Không chỉ vậy, nhiều người không ngần ngại đứng ra thu mua hàng tấn dưa đem về bán lẻ với giá rẻ nhằm giúp bà con nông dân thu hồi phần nào vốn liếng.
Không đứng ngoài cuộc, những người nổi tiếng trong làng showbiz Việt như hoa hậu Kỳ Duyên cũng lên tiếng kêu gọi trên trang cá nhân của mình. Cô còn chia sẻ hình ảnh chụp mình tự tay bưng bê những quả dưa từ trên xe xuống cùng với lời vận động: “Mỗi trái dưa là một tấm lòng! Mong rằng người dân Quảng Nam sẽ vui hơn khi gần 3 tấn dưa này sẽ được bán hết nhanh chóng. Bao mệt mỏi như tan biến khi tận tay vận chuyển những thành quả là mồ hôi nước mắt của những người dân cần mẫn quanh năm. Mọi người hãy ủng hộ nhiệt tình đi ạ. Dưa hấu rất ngọt và ngon”. Nhưng rồi những ngày qua, hành động của cô bị dư luận qua mạng “bóc mẽ” là chụp hình “làm màu” vì mục đích cá nhân. Bị chỉ trích đến mức Kỳ Duyên phải lên trang cá nhân để thanh minh.
Tham gia vào “sự kiện dưa hấu” còn có người đẹp thuộc tốp 25 Hoa hậu Thế giới 2014 Nguyễn Thị Loan. Kể với công chúng, cô bảo ban đầu mình chỉ có ý định mua dưa ủng hộ nhưng vì đồng cảm, chia sẻ khó khăn với nông dân nên cô mua hẳn 3 tấn dưa để ủng hộ. Thiếu người khuân vác, cô nhảy vào phụ làm luôn. Nếu Kỳ Duyên bị chỉ trích vì quá chỉn chu, bóng bẩy khi làm công việc khuân dưa thì người đẹp Nguyễn Thị Loan lại được khen ngợi vì hình ảnh gần gũi, đúng với công việc khuân dưa hơn. Nguyễn Thị Loan cũng tỏ ra đồng tình với quan điểm của dư luận đang chỉ trích sự “làm màu” của Kỳ Duyên khi bảo rằng: “Làm từ thiện phải từ trái tim, còn làm để đăng ảnh Facebook thì tôi không tán đồng”.
Điều Nguyễn Thị Loan nói không hề sai bởi thực tế không ít người đi làm từ thiện (cả nổi tiếng lẫn bình thường) chỉ với mục đích để chụp hình khoe mình trên Facebook.
Tác giả Trần Hùng John trong cuốn sách John đi tìm Hùng - viết về một làng SOS, nơi những người quản lý “không thực sự muốn giúp những người khó khăn mà muốn khoe khoang và xin tiền tài trợ” - đúc kết: “Tình nguyện không nhất thiết phải là một công việc to tát, không cần chụp ảnh khoe với ai hay đưa lên báo. Chúng ta làm những việc nhỏ có ích, đó cũng là tình nguyện”.
Nếu chỉ trích hoa hậu Kỳ Duyên bằng nhận định cảm tính như kiểu “làm màu” là hơi khắc nghiệt. Không khó để nhận ra mục đích cuối cùng của những bộ ảnh mà ê-kíp hỗ trợ của Kỳ Duyên gửi đến truyền thông hoặc đôi ba tấm ảnh được cô chia sẻ trên trang cá nhân. Nhưng, rõ ràng, dù với hình thức nào thì tham gia vào công việc thiện nguyện vẫn là việc làm hữu ích, nhất là khi họ là người nổi tiếng, được nhiều người biết đến và việc họ làm ít nhiều có tác động tích cực. Minh chứng là lời kêu gọi của Kỳ Duyên đã nhận được khá nhiều quan tâm của cư dân mạng. Nhiều người đã thể hiện sự hưởng ứng bằng cách chia sẻ hình ảnh của hoa hậu Việt Nam kèm với lời rủ rê bạn bè, người thân đi mua dưa. Thực tế, cô cũng đã góp sức vào phong trào mua dưa giúp nông dân, bán hết 3 tấn dưa hấu.
Ranh giới giữa thiện nguyện với mục đích đánh bóng tên tuổi qua truyền thông của người nổi tiếng là mong manh. Người đẹp Nguyễn Thị Loan cũng có lý khi cho rằng: “Nếu các bạn đi làm thiện nguyện mà chỉ chụp ảnh để đăng Facebook rồi về, có thể nhiều người tưởng rằng bạn làm việc ý nghĩa nhưng những người đi cùng bạn đều biết rõ sự thật. Còn nếu các bạn thực sự đã làm việc ý nghĩa rồi chụp ảnh để kỷ niệm và đưa ra cho mọi người hiểu được ý nghĩa đó thì lại là cách truyền thông tốt. Thậm chí, thông điệp từ bức ảnh của mình đưa ra thu hút nhiều người quan tâm và tham gia sẽ giúp tăng hiệu quả cho việc mình đang làm”.
Công chúng đủ tinh tế để nhận ra ý nghĩa đích thực của sự việc. Đôi khi lòng nghi kỵ làm cho người ta không muốn nhìn nhận lòng tốt ở người khác, nhất là người nổi tiếng luôn bị mang tiếng làm thiện nguyện để đánh bóng tên tuổi.
Bình luận (0)