xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người “lữ hành điện ảnh” đã đi xa

Cát Vũ

Gia tài đạo diễn - NSƯT Lê Dân để lại cho đời không phải tính bằng số lượng phim truyện mà là cái tình, cái tâm vô giá dành cho điện ảnh dân tộc

Trong suốt mấy mươi năm viết báo theo dõi mảng điện ảnh, có dịp tiếp xúc với rất nhiều nghệ sĩ của nghệ thuật thứ bảy qua nhiều thế hệ,  người để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc khiến mỗi lần nghĩ về nhân cách của người làm nghệ thuật, cả về nghề báo của mình, hình ảnh của ông lại hiện lên trong tôi. Đó là đạo diễn Lê Dân.

Khi tôi mới tập tễnh vào nghề báo, ngày ngày rụt rè đến ghi ghi chép chép để lấy tin ở Hãng phim Giải phóng những năm đầu sau khi đất nước thống nhất thì ông đã lừng danh với gần chục phim chiếu rạp tại Sài Gòn trước năm 1975.  Lúc ấy, trong mắt tôi, ông không khác gì một thầy giáo, dáng người cao ráo, gương mặt trắng trẻo, nói năng điềm đạm, hiền lành nhưng nghiêm nghị. Ông ít khi sà vào tán gẫu ở các quán cà phê vỉa hè chung quanh hãng phim như nhiều đồng nghiệp khác mà mỗi lần đến hãng, ông đi thẳng đến những nơi cần gặp, xong việc là dắt xe ra về. Thảng hoặc phải trao đổi gì với ai, ông cũng nói ngắn gọn rất “trọng tâm”, không ê a la cà nên tôi cũng ít dám bắt chuyện.

 

Đạo diễn-NSƯT Lê Dân Ảnh TƯ LIỆU
Đạo diễn-NSƯT Lê Dân Ảnh TƯ LIỆU

 

Trước đó, tôi từng rất ấn tượng những  phim ông làm trước năm 1975 như “Loan mắt nhung”, “Sau giờ giới nghiêm”… nên khi xem những bộ phim ông “bắt đầu lại” sau ngày đất nước thống nhất như “Trang giấy mới”, “Cánh đồng mơ ước”… tôi chưa thật sự thú vị lắm. Cho đến khi xem bộ phim “Tiếng sóng” của ông, nói về những trăn trở của lớp người trẻ ở một vùng quê miền biển, tôi viết một bài phê bình và đặt ngay cái tít là “Tiếng sóng mà không có sóng”, ý nói phim ít tính xung đột nên thiếu sức hấp dẫn. Nhiều người dọa tôi rằng sẽ “chết” với ông Lê Dân vì ông khó tính lắm,  không chịu được những nhận xét thẳng thắn như thế. Tôi cũng hơi lo, bởi công việc không cho phép mình thiếu trung thực hay né tránh song thực lòng, tôi không muốn làm người ta phật lòng, nhất là một đạo diễn có tiếng như ông. Để không phải khó xử, tôi tránh gặp ông. Nhưng thật bất ngờ, một lần, thấy tôi từ xa, ông xăng xái tiến đến, chủ động bắt tay tôi, miệng cười nói cảm ơn vì đã góp ý cho phim. Tôi ngại ngùng hỏi ông không giận sao. Ông lắc đầu nói nếu không chịu nghe những lời góp ý chân tình thì nghệ thuật làm sao tiến bộ được.

Chuyện đó xảy ra cách đây đã trên 35 năm và lạ là tôi vẫn nhớ như in dáng vẻ cùng gương mặt tươi cười một cách cầu thị của ông lúc đó. Sau này, được gặp gỡ thường xuyên và được xem những tác phẩm “chất lượng cao” của ông như “Con mèo nhung”, “Pho tượng”, “Xương rồng đen”, “Ông cố vấn”..., tôi có cảm giác như  cái bắt tay của ông dành cho tôi bây giờ có mang theo niềm tự hào nên nghe ấm áp và thân tình hơn nhiều.  Có lần, tôi hỏi đùa ông sao không hành nghề luật sư vừa nhàn hạ lại giàu sang, theo chi cái ngai “ông vua trường quay” cho cực. Ông nói bản thân ông cũng không lý giải nổi. Chỉ một lần tình cờ lọt vào giữa carnaval (lễ hội) ở Liên hoan Phim Cannes năm 1950, chứng kiến cuộc diễu hành của các xe hoa tuyệt đẹp chở trên đó là những thần tượng trên màn ảnh mà ông bị quyến rũ, để rồi theo học luôn ở Viện Nghiên cứu điện ảnh Paris. Nhưng đến khi về nước bắt tay làm phim trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, ông mới hiểu sâu sắc hơn điều hấp dẫn của điện ảnh, đó là nói được điều dân tộc mình muốn nói cho thế giới, là hướng người xem đến những điều tốt, qua phim giúp họ vươn lên cao hơn trong cuộc sống.

Cũng như ông - một con người hiền lành, điềm đạm - hầu hết tác phẩm của ông cũng không mang màu sắc bạo liệt mà hướng nhiều đến chất trữ tình, nhẹ nhàng. Mỗi lần thành lập một đoàn phim mới, ông như người thầy kỹ lưỡng nhưng nhẫn nại, tận tình chỉ vẽ cho lớp học trò, không lớn tiếng quát nạt ai bao giờ. Có tấm lòng nhân hậu nên bàn tay ông rất “mát”. Không ít diễn viên trẻ đã thành danh nhờ qua phim ông như Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Huỳnh Thanh Trà, Túy Hồng, Băng Châu (trước năm 1975); Diễm My, Việt Trinh, Võ Thế Vỹ, Hoa Hạ, Minh Hòa...

NSƯT Thùy Liên kể rằng khi chị mới 17 tuổi (thập niên 1960), có việc phải đến tòa án, tình cờ gặp luật sư Lê Dân. Ông nhìn thẳng vào mắt chị và nói đôi mắt này nếu không làm minh tinh điện ảnh thì rất uổng. Nói rồi, ông giới thiệu Thùy Liên với người bạn của mình đang tìm diễn viên cho một bộ phim mới. Lần ấy, tuy không nhận vai mặc dù đã được chọn vì không muốn đóng vai nhiều hở hang song nhớ lời “dạy” của luật sư kiêm đạo diễn Lê Dân, Thùy Liên sau này đã theo nghiệp điện ảnh và đã trở thành cô Sáu Linh (phim “Mùa gió chướng”) trong lòng người hâm mộ.

Đạo diễn Lê Dân thường ví ông như là người lữ hành miệt mài trên con đường điện ảnh.  Quả không mấy ai đi được quãng đường dài đến gần 60 năm ở trường quay như ông. Gia tài ông để lại cho đời không phải tính bằng số lượng 37 bộ phim truyện mà là cái tình, cái tâm vô giá dành cho điện ảnh, cho một thứ nghệ thuật, theo ông nghĩ, không dừng lại cho riêng một ai,  mà cho đất nước, cho dân tộc. Đó là điều lý giải vì sao ở vào tuổi ngoài 80, năm 2010, đạo diễn Lê Dân vẫn tự bỏ tiền túi, vất vả làm bộ phim “Những bức thư từ Sơn Mỹ” dựa trên sự sám hối có thật của cựu binh Mỹ William Calley,  đưa đi dự Liên hoan Phim Cannes 2011 để rồi sau đó phải bán nhà trả nợ mà vẫn vui. Vui vì đã đem được câu chuyện thảm sát Sơn Mỹ đến được với thế giới; vui vì mình đã làm trọn nghĩa vụ của một nghệ sĩ đối với đất nước.

Người “lữ hành điện ảnh” Lê Dân đã đi xa nhưng đã để cho người ở lại một bài học lớn...

 

Đạo diễn - NSƯT Lê Dân qua đời ở nhà riêng tại TP HCM lúc 11 giờ 30 phút  ngày 26-2 do bị xuất huyết não và hôn mê sâu từ nhiều ngày trước. Đạo diễn - NSƯT Lê Dân tên thật là Lê Hữu Phước, SN 1928 tại Tây Ninh. Ông được xem là một trong những đạo diễn đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam, người góp phần tạo dựng những tên tuổi nghệ sĩ qua nhiều phim do ông đạo diễn, như: “Loan mắt nhung”, “Tình Lan và Điệp”, “Ông cố vấn”, “Người con gái đất đỏ”, “Xương rồng đen”...

Lễ viếng bắt đầu từ 6 giờ ngày 27-2 tại nhà riêng của ông ở quận 12, TP HCM. Lễ di quan lúc 6 giờ ngày 29-2, an táng tại Nghĩa trang Bình Dương.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo