Vừa qua, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có văn bản Dự thảo Quy chế Quản lý hoạt động biểu diễn thời trang gởi các cơ quan hữu quan, cơ sở đào tạo người mẫu, đơn vị tổ chức biểu diễn, nhà tạo mẫu... nhằm lấy ý kiến đóng góp để sớm hoàn chỉnh kịp trình Bộ VHTT phê duyệt, ban hành. Dư luận bắt đầu quan tâm vì có những dấu hiệu bất ổn trong nội dung dự thảo của quy chế này.
Người mẫu cũ cho qua, người mẫu mới phải có bằng
Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với quy định: “Người mẫu tham gia chương trình biểu diễn thời trang phải có chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo người mẫu của các cơ sở đào tạo được phép của Bộ VHTT hoặc UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương...”. Vì lâu nay người mẫu thời trang ở Việt Nam hầu như không được đào tạo chuyên nghiệp, hình thành một cách tự phát từ nhu cầu của thị trường biểu diễn thời trang là chính. Hiện nay, Việt Nam có gần 500 người mẫu nhưng hầu như tất cả đều hoạt động tự do, chỉ một phần nhỏ tham gia hoạt động biểu diễn dưới sự bảo hộ của một số đơn vị hoạt động biểu diễn thời trang (các công ty tổ chức biểu diễn hay CLB).
Ông Lê Nam, Trưởng Phòng Quản lý băng nhạc Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho biết: “Để nghề người mẫu trở thành một nghề chính thống và hoạt động biểu diễn thời trang được chuyên nghiệp như nhiều quốc gia trên thế giới, việc mở các lớp đào tạo chính quy với giáo trình giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế là điều cần thiết. Khi được đào tạo bài bản, người mẫu cũng định hướng và ý thức đúng đắn về nghề nghiệp của mình hơn”. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho các người mẫu mới vào nghề còn những người mẫu đã hoạt động lâu năm thì không bị điều chỉnh. Dư luận đặt vấn đề, tại sao chỉ những người mới vào nghề mới bị bắt buộc có bằng cấp, còn những người mẫu đã hoạt động thì không?
Ai đào tạo, cấp bằng cho người mẫu?
Thực tế hiện nay Việt Nam chưa có một trường lớp đào tạo chính quy người mẫu thời trang. Các lớp chiêu sinh đào tạo người mẫu thời trang thời gian qua dù mang danh nghĩa trong nước hay ngoài nước thì việc đào tạo thực chất chỉ là “treo đầu dê bán thịt chó”, chủ yếu là để thu phí. Vậy người mẫu phải học ở đâu để có được những bằng cấp có giá trị về pháp lý, trong khi các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật, các trường dạy nghề cho đến nay vẫn không chính thức mở lớp đào tạo? Cũng theo ông Lê Nam, khi quy chế này chính thức ban hành, Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp với Bộ GD- ĐT mở lớp đào tạo tại các trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Thời gian đào tạo có thể kéo dài trong vòng một năm cho mỗi khóa.
Ngoài bằng cấp, còn phải có hợp đồng!
Một trong những lý do mà quy chế này quy định người mẫu thời trang phải có bằng cấp đào tạo qua các trường lớp chuyên nghiệp, theo giải thích của ông Lê Nam, là nhằm hạn chế tình trạng tiêu cực trong đội ngũ người mẫu thời trang như thời gian qua, do không được đào tạo giáo dục bài bản. Vì vậy, ngoài việc bắt buộc phải có bằng cấp, người mẫu thời trang hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp phải có hợp đồng dài hạn trong các đơn vị tổ chức hoạt động biểu diễn thời trang. Các cơ quan chức năng quản lý người mẫu thời trang bằng các hợp đồng lao động ký kết giữa người mẫu và các đơn vị quản lý sử dụng họ.
Quy định này cũng đã gây ra phản ứng gay gắt của các đơn vị hoạt động kinh doanh người mẫu thời trang.
Cô Thúy Nga, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Siêu mẫu Tinh Hoa, cho rằng Nhà nước nên quản lý người mẫu thông qua giấy phép hành nghề. Còn bắt buộc chúng tôi ký hợp đồng để tiện quản lý là không thực hiện được. Bởi lẽ chúng tôi sử dụng người mẫu theo mùa, có khi sử dụng cho một lần lên đến 100 người, nếu ký hợp đồng dài hạn cho tất cả họ thì chúng tôi không cáng đáng nổi.
Ngay các người mẫu cũng không muốn bị ràng buộc bởi những hợp đồng dài hạn kiểu này. Họ cho rằng nghề này đối với họ là quá ngắn, chỉ thích hợp làm nghiệp dư, sau đó phải chuyển sang nghề khác lâu bền hơn.
Một câu hỏi khác của dư luận: Nếu người mẫu phải có bằng cấp thì tại sao ca sĩ lại không?
Bình luận (0)