Cảm xúc dâng trào khi từng tiết mục, từng lời tâm sự của nghệ sĩ khách mời đều ngợi ca một tài năng, nhân cách lớn của âm nhạc Việt: GS-TS Trần Văn Khê.
Bà Milena Salvini, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Mandapa, cho biết chính GS-TS Trần Văn Khê đã góp ý rất nhiều cho công trình xây dựng trung tâm văn hóa này, để không chỉ dành cho người Pháp gốc Ấn mà còn cho văn hóa nhiều quốc gia khác.
Rất nhiều khách mời đến tham dự đều bày tỏ tấm lòng tôn kính GS-TS Trần Văn Khê qua những thành tựu mà ông đã tạo dựng được cho âm nhạc dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Niềm hạnh phúc dâng trào trong ánh mắt những học trò của GS-TS Trần Văn Khê đến từ nhiều quốc gia tham dự đêm nhạc vinh danh thầy. Họ hứa với nhau sẽ thực hiện nhiều dự án để cộng đồng trẻ người Việt lớn lên ở xứ người hiểu biết, trân quý, gìn giữ và phát triển âm nhạc dân tộc nơi mình sinh sống.
“Năm 2017, chúng tôi sẽ tổ chức đại hội âm nhạc dân tộc toàn thế giới, chọn đàn tranh Việt Nam làm chủ chốt. Sau đó, các nước Bỉ, Na Uy, Canada cũng sẽ tổ chức nhạc hội đàn tranh” - GS - nhạc sĩ Phương Oanh cho biết.
Khi chương trình khép lại, khán giả Pháp vẫn còn nấn ná để tìm hiểu thêm về cây đàn tranh. Họ trò chuyện với GS-TS Trần Quang Hải, con trai cố GS-TS Trần Văn Khê, để hiểu hơn về các loại nhạc cụ độc đáo mà ông đã biểu diễn. Đêm Paris không lạnh bởi tình nghệ sĩ ấm áp cứ len vào mỗi tâm hồn đồng điệu. Dường như đâu đó trong khán phòng của Trung tâm Văn hóa Mandapa, những người có mặt vẫn thấy nguyên vẹn nụ cười hiền hậu của GS-TS Trần Văn Khê. Nhân cách của GS-TS Trần Văn Khê trở thành động lực cho các thế hệ học trò để họ bước tiếp con đường ông đã đi.
Bình luận (0)