Thật vậy, Hội sách TP HCM đã trải qua 9 lần nhưng doanh thu về sách lên đến nhiều tỉ đồng là điều có thật. Khi tận mắt chứng kiến cả hàng ngàn lượt người đến Công viên Lê Văn Tám trong những ngày này, ta mới cảm nhận hết được ma lực quyến rũ, sức hấp dẫn ghê gớm của thế giới sách. Và không phải ngẫu nhiên, Sài Gòn đang là địa bàn “đứng chân” của giới làm sách trong cả nước.
Cầm quyển sách trên tay, người ta đang sở hữu một sức mạnh nhằm nuôi dưỡng tâm hồn, làm giàu tri thức. Ấn phẩm ấy, tất nhiên không chỉ tốt về nội dung mà còn phải đẹp, sang trọng về hình thức. Trước đây, các nhà xuất bản ở Sài Gòn có một “thú chơi” nho nhỏ: ngoài số lượng phát hành trên thị trường, họ còn in thêm vài chục quyển, có đánh số hẳn hoi, in trên các loại giấy hoa tiên, giấy lụa hoặc giấy quý… chỉ dành cho chính họ và tác giả quyển sách đó.
Ấn phẩm ít ỏi này thật sự là một tác phẩm mỹ thuật và bao giờ cũng thuộc loại “hàng độc” mà người chơi sách, sưu tập sách luôn săn lùng ráo riết. Giữ được loại sách đặc biệt đó, nếu có thêm chữ ký, triện son của tác giả và của nhà xuất bản thì lập tức giá của nó cao ngất ngưởng và cũng là niềm tự hào của người sở hữu.
Chưa hết, với một quyển sách mà mình yêu thích, người Sài Gòn còn có thói quen đóng bìa cứng, mạ chữ vàng trên bìa và gáy sách; rồi vào trang đầu tiên, ta đã thấy có đóng dấu đỏ tươi như: “Tủ sách gia đình của…”. Dù là sách phát hành rộng rãi nhưng qua tay người yêu sách ắt nó có thêm một diện mạo khác nữa. Cần nhấn mạnh thêm rằng với người “có ăn có học”, họ quan niệm rạch ròi, vị trí đẹp nhất ở trong nhà, nơi phòng khách chẳng hạn, không phải là tủ rượu mà chính là sách được xếp ngăn nắp, đâu ra đó bởi nhìn các gáy sách khi xếp trang trọng trên kệ, tự nó đã là một sự mỹ thuật khó gì có thể sánh nổi.
Thêm một điều này nữa, mà theo tôi, nó hình thành từ tính cách “chịu chơi” của người Sài Gòn: Khi bạn bè ra mắt sách, tổ chức giao lưu cùng bạn đọc thì các thân hữu luôn có mặt chung vui và tặng hoa. Họ tự nguyện mua sách và xin chữ ký của bạn làm kỷ niệm. Lại có người mua với giá cao hơn nhiều lần, như một cách bồi dưỡng thêm phần “nhuận bút” cho tác giả. Thái độ ấy đã có từ lâu, nay vẫn tồn tại. Qua đó, ta còn có thể nhìn ra một nét văn hóa trong phép ứng xử về sách từ độc giả của vùng đất phương Nam giàu nghĩa nặng tình.
“Lê Minh Quốc - Yêu và viết” là chủ đề cuộc giao lưu, trò chuyện cùng bạn đọc được tổ chức lúc 9 giờ ngày 26-3 tại gian hàng sách của Công ty Văn hóa Phương Nam, thuộc Hội sách TP HCM ở Công viên Lê Văn Tám. Dịp này, 2 tập sách mới của nhà thơ Lê Minh Quốc chính thức phát hành: “Ngày viết mỗi ngày”, “Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn” (NXB Hội Nhà văn).
Tại buổi giao lưu, nhà thơ Lê Minh Quốc “bật mí” những vấn đề liên quan đến tình yêu, sáng tác và tặng chữ ký trên 2 tập sách mới dành cho bạn đọc. P.V
Bình luận (0)