icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người Việt Nam gặp ở Victor Hugo một tâm hồn đồng điệu

GS-NGND Hoàng Như Mai

Nhân kỷ niệm 200 năm sinh của Victor Hugo, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TPHCM và Đại học KHXH-NV TPHCM tổ chức hội thảo về đại văn hào có ảnh hưởng lớn đến văn chương Pháp và thế giới. Xin trích giới thiệu tham luận của GS-NGND Hoàng Như Mai tại hội thảo. Tựa do chúng tôi đặt

DI CHÚC: “Không có cách nào để tách mình ra ngoài sự tiến bộ, nó là bình minh của một ngày mới... Kể cả những ai đó thấy rằng tương lai là không được, thì chỉ cần họ quay đầu nhìn lại, họ sẽ thấy quá khứ càng không được. Chỉ có thế thôi; phải tiến bộ, phải học, phải tự cải tiến, phải suy nghĩ, phải yêu thương, phải sống”.  (Trích Di chúc để lại cho lịch sử của Victor Hugo)

Một thiên tài văn chương.- Victor Hugo là một đỉnh cao trong văn chương Pháp. Một tấm tranh minh họa đã vẽ Victor Hugo, một chân đặt trên tháp Eiffel, một chân đặt trên chồng tác phẩm cao ngất của mình. Như vậy đủ hiểu sự nghiệp văn chương của Victor Hugo lớn lao, phong phú biết chừng nào!

Khi tôi học ban tú tài văn chương với giáo sư lừng danh là tiến sĩ văn học đồng thời là tiến sĩ luật học Nguyễn Mạnh Tường thì chúng tôi được giới thiệu Tứ trụ của văn chương lãng mạn Pháp là Lamartine, Alfred de Vigny, Alfred de Musset và Victor Hugo. Victor Hugo là cây bút đa tài nhất. Tôi còn nhớ đến bây giờ những lời bình luận so sánh của giáo sư về bốn thi phẩm Le Lac của Lamartine, Nuit de Mai của Musset, La Maison du Berger của Vigny và La Tristesse d’ Olympio của Hugo, bốn cách nhìn nghệ thuật về quan hệ giữa con người và thiên nhiên...

Khi tôi học đại học thì tôi đã được nghe những buổi diễn giảng về văn hào Victor Hugo của nhà nghiên cứu phê bình Bertrand hồi ấy là giám đốc học vụ toàn Đông Dương. Người đến nghe chen nhau ngồi chật cả giảng đường đại học (đường Lê Thánh Tông bây giờ), ngồi trên ghế, ngồi dưới sàn, ngồi ngoài hành lang, ngồi trên các tầng lầu lan can, đông đảo hơn khán giả Nhà hát TP. Khi diễn giả trình bày bài thơ Khi cháu nhỏ xuất hiện... (Lorsque l’enfant parait...). Rồi bài Nói với cô dâu trẻ (À une jeune mariée) thì những tràng pháo tay nổ vang không dứt...

Những buổi diễn giảng ấy quả là những ngày hội văn chương. Đối với các thế hệ đi học trường Pháp - Việt thì sự hâm mộ văn hào Victor Hugo là đương nhiên như tôi đã nói bên trên.

Nhưng điều đáng chú ý là đối với lớp người bình dân ít học, hoặc chưa từng cắp sách đến trường họ cũng biết, cũng ái mộ, cũng khâm phục văn hào Victor Hugo. Ấy là vì các nhà trí thức, các nhà văn bằng dịch thuật, bằng phóng tác, bằng chuyển thể thành vở diễn sân khấu... đã đưa các tác phẩm đặc sắc của Victor Hugo đến với họ và họ gặp ở Victor Hugo những ý tưởng, tình cảm, số phận rất gần gũi với họ, những người Việt Nam.

Trên kia tôi đã nói sự hoan nghênh nhiệt liệt dành cho các tác phẩm Lorsque l’enfant parait, ... À une jeune mariée v.v... ở giảng đường đại học. Lý do dễ hiểu: Người Việt Nam rất coi trọng gia đình, những tình cảm gia đình có một vị trí rất quan trọng trong lòng người Việt Nam, lấy vợ, gả chồng, sinh con... là những niềm vui của gia đình Việt Nam. Với những tình cảm ấy, người Việt Nam gặp ở Victor Hugo một tâm hồn đồng điệu.

Giá trị của Les Misérables.- Nhưng có lẽ đáng nói nhất là cuốn tiểu thuyết Les Misérables. Cuốn Lịch sử văn chương châu Âu (Nhà Xuất bản Hachette 1992) viết: Ngày 31 tháng 5 năm 1885 hai triệu người dân Pháp và trong số đó có các đoàn đại biểu công nhân của cả nước Pháp tiễn đưa tác giả Les Misérables đến nơi yên nghỉ cuối cùng: Điện Panthéon.

Chỉ một câu ấy thôi đã chứng minh đầy đủ và hùng hồn giá trị của tiểu thuyết Les Misérables đối với công nhân lao động nói riêng và nhân dân nói chung.

Tiểu thuyết Les Misérables được dịch ra khá sớm ở Việt Nam với cái tựa đề Những kẻ khốn nạn, dịch giả là Nguyễn Văn Vĩnh. Tiếp xúc với tác phẩm thì các độc giả Việt Nam vốn giàu lòng trắc ẩn thương người như thể thương thân, lập tức động mối thương tâm. Vì những Jean Valjean chỉ vì nghèo túng mà trở thành đạo tặc, tội phạm, xã hội Việt Nam cũng có. Và những Fantine hiền lương bị mắc hợm sở khanh rồi thành gái điếm bán thân xác lấy tiền nuôi con, những Cosette mồ côi tuổi còn thơ dại, đã phải làm tôi đòi, để cho người bóc lột ngược đãi, những Gavroche không cha mẹ, không nhà cửa phải cầu bơ cầu bất lang thang só chợ đầu đường... những thân phận đáng thương ấy cũng không thiếu trong xã hội Việt Nam. Thực là “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Riêng với tôi và nhiều bạn cùng thế hệ thì những ngày tham gia rào làng lập chiến khu chống phát xít Nhật đầu năm 1945, những ngày dựng chiến lũy trên đường phố Hà Nội ngăn cản chiến xa Pháp trên đường phố Hà Nội cuối năm 1946 và những ngày chống càn trong thời kỳ kháng chiến, chúng tôi luôn luôn tái hiện trong ký ức chương tiểu thuyết Les Misérables có nhan đề Bản anh hùng ca Phố Saint Denis, chúng tôi tái hiện lại hình ảnh của Enforas và các đồng chí, tái hiện lại những câu thơ của Jean Prouvaire:

Nhớ không em quãng đời êm đềm của chúng ta / Khi chúng ta cả hai đứa còn rất trẻ / Và trong lòng không có ước vọng gì khác / Chỉ là được có quần áo lịch sự và được yêu đương.

Hôm nay vẫn còn không khí xuân mới, xuân về Tết đến thì vui nhưng bên trong cái vui cũng có nỗi ưu tư. Bởi vì đất nước ta, xã hội ta, nhân dân ta đang dối diện với một tương lai có cả hy vọng và thách thức.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo