xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người yêu của chị Đặng Thùy Trâm

Thanh Thảo

Hóa ra, người mà chị Trâm yêu tha thiết, yêu đến nỗi xung phong vào chiến trường Quảng Ngãi ác liệt để tìm bằng được lại là người anh rất thân thiết với tôi - anh Khương Thế Hưng

Bây giờ thì mọi người đã biết người yêu của chị Đặng Thùy Trâm là ai nhưng cách đây 10 năm, vào tháng 7-2005, thì rất ít người biết. Khi đó, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bắt đầu được công bố từng phần, sau được in thành sách và trở thành quyển “best seller” ở Việt Nam từ trước tới nay.

Hồi đó, tôi được tiếp xúc khá sớm với cuốn hồi ký của chị Trâm. Ngay khi sách được xuất bản, tôi nhận được một cú điện thoại và được biết người mà chị Trâm gọi trong nhật ký là M. hay N.M. Tôi sửng sốt. Hóa ra, người mà chị Trâm yêu tha thiết, yêu đến nỗi xung phong vào chiến trường Quảng Ngãi ác liệt để tìm bằng được và sau đó đã rất buồn vì tình yêu của mình không toại nguyện, lại là người anh rất thân thiết với tôi - anh Khương Thế Hưng.

Anh Hưng là con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng, một người bác mà tôi rất yêu kính và cũng rất thân thiết. Từ bác Dụng, tôi đã thân với cả nhà bác, thân nhất là với anh Hưng - một người lính quả cảm, nhân ái, đầy lòng yêu thương và vị tha; người tôi coi như một tấm gương để học tập, như người anh ruột để có thể thổ lộ nhiều tâm tình.

 

Đoàn cán bộ báo chí TP HCM thăm và thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: PHAN ANH
Đoàn cán bộ báo chí TP HCM thăm và thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: PHAN ANH

 

Vậy mà, trong suốt thời gian anh em chơi với nhau, tôi chưa lần nào nghe anh Khương Thế Hưng nhắc tới chị Đặng Thùy Trâm. Dù khi tôi hiểu ra nhiều chuyện thì cả hai anh chị đã đi về thế giới khác. Chị Trâm hy sinh năm 1970 còn anh Hưng mất vì di chứng chiến tranh năm 1999, cách nhau gần 30 năm. Nhưng cho tới bây giờ, tình yêu của họ vẫn là một bí mật đối với tôi. Tôi không hiểu vì sao trước tình yêu mãnh liệt của chị Trâm như chị thể hiện trong nhật ký và những bức thư, mà đối lại, anh Hưng chỉ âm thầm nén chịu, một mình mình biết một mình mình hay như thế! Đó âu cũng là một bí mật của tình yêu thời chiến tranh, khi anh Khương Thế Hưng chịu sự ám ảnh quá sâu đậm của hình ảnh “Ruồi Trâu”, còn chị Trâm lại quá lý tưởng trong tình yêu.

Có thể nói, cả hai người đều đã sống cách thực tế một khoảng; và khoảng cách ấy là không thể san lấp. Một người yêu mãnh liệt, một người nén chịu cũng mãnh liệt đến mức sau này phải thốt lên trong nhật ký: “Anh kiệt sức. Anh đau khổ”. Thật xót xa! Vì sao ông trời không cho họ đến với nhau, dù sau đó có thế nào, sao họ không “đời” hơn một chút nữa?

Nhưng rồi tôi tự nhủ: Có khi, họ không đến được với nhau trên trần gian lại là chuyện hay. Vì họ sẽ còn gặp nhau ở một thế giới khác, không chiến tranh, không ưu phiền, không tuyệt vọng. Còn bây giờ, tình yêu của họ trong trẻo như những giọt sương là niềm an ủi cho biết bao người đang yêu nhau trên trần gian này. Nhiều người trẻ giờ đây có thể không hiểu vì sao hai con người tốt đến như vậy, đẹp đến như vậy lại không đến được với nhau, dù có thể thâm tâm họ đã thuộc về nhau? Mà như thế mới là đời, như thế mới là tình yêu, có những điều không thể cắt nghĩa được.

Riêng tôi, tôi ngưỡng mộ và yêu thương cả hai người. Với tôi, họ là những con người hoàn hảo mà chúng ta thấy được ở cõi đời này. Vừa rồi, có những người so sánh bản gốc nhật ký Đặng Thùy Trâm với bản in để nói là bản in đã “sửa chữa nhiều”, không đúng với nguyên bản. Song, cần phân biệt rằng nhật ký là dành riêng cho người viết, còn khi đã đưa in như một ấn phẩm thì nếu còn sống, người viết cũng phải điều chỉnh những đoạn quá riêng tư để phù hợp với một ấn phẩm. Khi người viết đã mất, gia đình họ (giữ bản quyền) có quyền điều chỉnh những đoạn quá riêng tư để tác giả nhật ký - dù đã mất - không buồn lòng khi công bố nhật ký của mình cho nhiều người đọc.

Như tôi đã từng viết: Nếu còn sống, chị Trâm chưa chắc đồng ý cho công bố quyển nhật ký của mình. Chị sẽ sống lặng lẽ và sẽ rất ít người biết chị đã sống và chiến đấu như thế nào. Chị là bác sĩ, và chị hy sinh vì bảo vệ những bệnh nhân của mình - những thương bệnh binh - chứ không phải hy sinh để thành anh hùng. Và đó mới là người anh hùng thật sự khi biết hy sinh vì người khác.

 

Khương Thế Hưng (ảnh; bút danh Nguyên Mộc, Đỗ Mộc) sinh ngày 18-9-1934, quê ở làng Minh Hương, Hội An, Quảng Nam; tình nguyện nhập ngũ năm 16 tuổi, sau kháng chiến chống Pháp thì tập kết ra Bắc. Chưa kịp bước vào giảng đường đại học, đầu năm 1962, anh trở lại chiến trường miền Nam (đi B).

 

img

 

Năm 1965, Khương Thế Hưng làm phái viên chiến trường cho các đơn vị chủ lực đặc công ở Quảng Ngãi và đến năm 1968 là chính trị viên Tiểu đoàn 48 lừng danh. Anh bị thương nặng trong một trận đánh vào năm 1970 và phải chuyển ra Bắc. Về sau, anh làm phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, rồi về Ban Ký sự Tổng cục Chính trị. Từ năm 1992, sức khỏe anh yếu dần và mất ngày 13-11-1999 do di chứng chất độc da cam.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo