Phóng viên: Không hiếm những gương mặt thiết kế châu Á thành danh ở các kinh đô thời trang thế giới, anh có nghĩ mình sẽ góp mặt vào đội ngũ đó không?
- Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí: Nếu nói là không thì tôi e là mình đang dối lòng. Tôi đã từng chia sẻ rằng dù cá nhân mình chỉ là một hạt cát nhỏ bé giữa thế giới nhưng tôi vẫn sẽ luôn nỗ lực để góp một phần dù nhỏ nhoi nhất, đem hình ảnh của thời trang Việt Nam đến được nhiều hơn với thị trường cũng như bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, chắc chắn tôi sẽ cần một chiến lược rõ ràng và khoảng thời gian nhất định chứ không phải một sớm một chiều. Nếu đạt được điều như bạn nói, chắc chắn sẽ là niềm hạnh phúc rất lớn đối với tôi.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề, vật cản bước Công Trí là gì trong khát vọng mang thương hiệu thời trang Việt ghi danh ở bản đồ thời trang thế giới?
- Gọi là vật cản có vẻ hơi nặng nề, tôi nghĩ không chỉ riêng mình mà cả thị trường thời trang Việt Nam nói chung đang thiếu rất nhiều yếu tố để tiếp cận và phát triển thương hiệu rộng rãi hơn nữa ở thị trường quốc tế. Chúng ta chưa có nhiều sô diễn mang tầm vóc quốc tế, thu hút nhiều thương hiệu uy tín cũng như sự quan tâm của truyền thông nước ngoài, thị trường trong nước còn gặp nhiều khó khăn và chưa giành được sự quan tâm đúng mức của khách hàng hay các đơn vị liên quan… Chính những khó khăn trên khiến Việt Nam chưa thể là điểm sáng trên bản đồ thời trang thế giới, chứ không chỉ riêng thương hiệu của tôi. Tuy nhiên, sắp tới đây, Vietnam International Fashion Week được phối hợp tổ chức với Hiệp hội Thời trang châu Á, tôi hy vọng chúng ta sẽ có nhiều tín hiệu đáng mừng hơn trong tương lai.
Chia sẻ trong buổi nhậm chức ủy viên Hiệp hội Thời trang châu Á, anh cho biết rất cô đơn trên con đường của mình. Cụ thể sự cô đơn ấy là gì?
- Như bạn có thể thấy, thị trường thời trang may mặc của Việt Nam trong thời điểm hiện tại dù đã có nhiều bước tiến đáng kể so với thời điểm 10 năm trước nhưng vẫn chưa thể so sánh được với thế giới về rất nhiều mặt, trong đó có một yếu tố khá quan trọng là nhận thức của người tiêu dùng nói riêng và khán giả nói chung. Quay trở lại thời điểm hơn 10 năm trước đây, tôi bước vào ngành thời trang và quyết định gắn bó với dòng thời trang cao cấp, thiên về couture tinh xảo, cầu kỳ chứ không hẳn là ready-to-wear (ứng dụng). Với công chúng lúc bấy giờ, khái niệm thời trang cao cấp hay couture còn quá xa lạ, thậm chí điên rồ, bởi họ cho rằng chỉ có nghệ sĩ mới mặc những trang phục như thế và nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp” mới manh nha trong một bộ phận công chúng khá giới hạn.
Đến nay, khi khán giả có kiến thức hơn về thời trang nhờ vào truyền thông, báo chí thì ready-to-wear lên ngôi, couture vẫn tiếp tục là điều gì đó quá xa xỉ, ngoài tầm với số đông. Thế nhưng, tôi vẫn quyết định trung thành với điều mình đã chọn bởi hơn cả niềm đam mê, đó còn là những gì làm nên thương hiệu Nguyễn Công Trí. Sau nhiều lần tham dự những triển lãm thời trang quốc tế, được bạn bè quốc tế khen ngợi và ủng hộ, tôi rất vui vì những gì mình làm đã có người hiểu. Và đến khi được công nhận là nhà thiết kế (NTK) couture ở Việt Nam, tôi có cảm giác như mình đã trở về nhà sau một thời gian dài “lang thang cô đơn một mình” đi tìm tiếng nói đồng cảm nhưng không phải ai cũng hiểu được.
Công Trí là một thương hiệu lớn mà giới chuyên môn thừa nhận, công chúng biết tiếng nhưng làm thế nào để trở nên phổ cập như những cái tên LV, Chanel, Salvatore, Gucci… Tất nhiên, chúng ta không so về mặt giá trị vật chất?
- Đó là câu hỏi mà chính tôi cũng đang đi tìm lời đáp bởi nó thuộc về phạm trù xây dựng và quảng bá thương hiệu mà chính người kinh doanh thời trang đang phải quan tâm và học hỏi không ngừng. Các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới đều có bề dày lịch sử lâu đời nên sự phổ biến và phổ cập còn thuộc về khía cạnh văn hóa nhân loại. Ở thị trường Việt Nam, tôi cũng như các đồng nghiệp thường băn khoăn về văn hóa thưởng thức thời trang nghệ thuật nói chung và tập quán mua sắm nói riêng của công chúng trong nước. Thời đại ngày càng phát triển, nếu người yêu thời trang ở Việt Nam ngày càng quan tâm đến những giá trị thẩm mỹ chân chính, ủng hộ sản phẩm của NTK trong nước nhiều hơn thay vì chạy theo hàng hiệu thì tôi tin tưởng sẽ có ngày không chỉ Công Trí mà nhiều thương hiệu Việt khác cũng sẽ rạng danh hơn nữa trên chính đất nước mình.
Theo anh, làm thế nào để ngành thời trang Việt Nam có được tính tự chủ, không lệ thuộc vào nguồn phụ liệu của quốc gia khác như Trung Quốc lâu nay chẳng hạn?
- Tôi nghĩ một trong những phương án khả thi là ngành dệt may trong nước cần được đầu tư phát triển hơn nữa để có khả năng cung ứng không chỉ vật tư, nguyên phụ liệu cho thị trường mà còn cả nguồn nhân công tốt, có tay nghề cao, chi phí hợp lý. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất của các thương hiệu trong nước, giảm giá thành nhưng không giảm chất lượng, mẫu mã đẹp, hợp xu hướng để người tiêu dùng tin tưởng và cân nhắc dễ dàng hơn khi lựa chọn hàng Việt. Làm được điều đó cũng đồng nghĩa với việc công nghiệp thời trang Việt Nam có một nền tảng, dù muộn màng nhưng tối cần thiết để vươn đến tầm chuyên nghiệp và phát triển bền vững.
Giới thời trang quốc tế ghi nhận
Niềm vui của nhà thiết kế Công Trí nhân đôi khi cùng lúc anh vừa chính thức trở thành ủy viên của Hiệp hội Thời trang châu Á, vừa được trang web Not Just A Label mời tham gia triển lãm Origin: passion & Belief với tư cách là 1 trong 100 nhà thiết kế Couture (trang phục) đương đại, lựa chọn từ hơn 14.000 nhà thiết kế quốc tế. Anh nói: “Tôi vui lẫn bất ngờ vì quá trình phát triển sự nghiệp cùng những đóng góp của mình trong suốt thời gian qua được giới thời trang quốc tế ghi nhận”.
Bình luận (0)