Tối 13 và 14-8, live show đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Cường đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Khán phòng đầy ắp khán giả và những giai điệu vang lên được chia thành từng phần như cuộc đời của người nhạc sĩ đặc biệt, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng gắn bó với Tây Nguyên cùng âm nhạc của vùng đất này.
Dấu ấn Sông Hồng và trái tim yêu Hà Nội
Nhạc sĩ Nguyễn Cường bộc bạch ở phần mở đầu đêm nhạc của mình: “Tuổi thơ tôi Hà Nội” như một câu chuyện kể về âm nhạc của tôi, hành trình sáng tác của tôi 40 năm qua và cũng là để diễn tả ý đồ, quan điểm của tôi về nghệ thuật. Các bạn sẽ được nghe rất nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca. Đó là niềm yêu quý nhất của tôi vì tôi là người Việt Nam, tôi yêu nhạc Việt, yêu tất cả các bài dân ca... Ngoài những ca khúc về tuổi thơ tôi, đêm nhạc sẽ có những bài hát mang âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ và chắc chắn là không thể thiếu những ca khúc về Tây Nguyên”.
Có lẽ một phần lý do để live show Nguyễn Cường diễn ra tại Hà Nội là vì dấu ấn của nền văn minh sông Hồng đã để lại đậm nét trong các sáng tác của ông. Sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà trên phố cổ Hàng Bạc, chàng trai Hà thành này đã đi một hành trình rất dài, cuối cùng trở về với tình yêu sâu đậm trong tận trái tim mình: Hà Nội.
Có mặt xung quanh ông trong live show là các ca sĩ, nghệ sĩ thân thiết cả trong đời sống lẫn âm nhạc. Giọng hát đại diện cho phần những ca khúc viết về Hà Nội là Thanh Lam, trữ tình và mơ mộng với “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội”, “Mưa chiều cuối đông”, “Cho tình yêu bay lên bồng bềnh”...
Khó có giọng ca nào khác có thể thể hiện “Mái đình làng biển”, “Hò biển” vượt qua ca sĩ Tùng Dương - một trong những giọng nam cao của làng nhạc Việt hát dòng dân gian đương đại, dữ dội và cuộn trào.
Nguyễn Cường còn đem đến chương trình những sáng tác mới ghi đậm hơn nữa dấu ấn của nền văn minh sông Hồng, với sự thanh minh cho Thị Mầu trong “Độc thoại Thị Mầu”, nỗi thương cảm với chàng trai Trọng Thủy trong “Bài ca Trọng Thủy”.
Hành trình đi và sáng tác hơn 40 năm qua của Nguyễn Cường, như ông tự sự, là một “gã trai” lãng tử sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, rồi sau đó là những vệt di chuyển dài, bước từ không gian chật hẹp mà ấm cúng của phố cổ, ra sông Hồng mênh mông, đỏ nặng phù sa, đến biển cả bao dung rồi ngược lên cao nguyên đại ngàn lộng gió... Bằng ấy trải nghiệm đã bồi đắp nên tâm hồn Nguyễn Cường: vừa “phải lòng” yêu dấu những gì ấm áp, nhỏ xinh mà lại luôn khao khát đón nhận những gì to lớn, hùng vĩ.
Có nắng, gió trên cao nguyên đại ngàn
Làm live show ở thời điểm đã mất đi giọng ca đại ngàn một thời Y Moan nhưng Nguyễn Cường tin rằng Y Moan vẫn sống trong trái tim khán, thính giả. Siu Black cũng là giọng hát đặc biệt đã luôn đem đến sự sôi động, mãnh liệt trong những ca khúc sáng tác về Tây Nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Đối với khán, thính giả, Siu Black cũng là cái tên được mong chờ nhất vì suốt một thời gian dài, chị vắng bóng trên sân khấu ca nhạc. Siu Black xuất hiện ở phần cuối chương trình với những ca khúc viết về Tây Nguyên gắn liền tên tuổi của chị: “Em muốn sống bên anh trọn đời”, “Đôi mắt Pleiku”, “Thênh thênh Oh ơi”, “Và ta đã thấy mặt trời”, “Ly cà phê Ban Mê” (song ca cùng ca sĩ Tùng Dương)...
Khi thể hiện ca khúc, Siu Black đắm mình vào âm nhạc cùng những điệu nhảy khiến khán giả vỗ tay tán thưởng không ngớt. Siu Black cho biết sau live show Nguyễn Cường, chị chính thức trở lại con đường ca hát.
Nguyễn Cường từng tự sự, như một cơ duyên, năm 1984, nhân chuyến đi thăm Đoàn Văn công Đắk Lắk, ông được nhạc sĩ trưởng đoàn nhờ đến thử giọng một ca sĩ trẻ - Siu Black, khi ấy mới 17 tuổi. Tận mắt nhìn thấy, tận tai nghe thấy cô gái Ba Na này vừa đánh đàn guitar vừa hát, nhạc sĩ Nguyễn Cường thực sự bị chinh phục. Ông nói với trưởng đoàn: “Trong vòng 20 năm nữa, chắc chắn Tây Nguyên sẽ không có giọng hát nào được như Siu Black”.
“Tôi đã nhìn thấy ở Siu Black ngày ấy bên cạnh một chất giọng khỏe, âm vực rộng là một ca sĩ có bản năng hoang dại mà tinh tế. Giọng hát có lửa thì nhiều người có song một giọng hát vừa hoang dại lại vừa tinh tế một cách bản năng như thế, tôi mới thấy có ở Siu Black” - nhạc sĩ nhớ lại.
Cho đến tận bây giờ, Nguyễn Cường luôn cảm ơn Siu Black vì chị giữ được ngọn lửa thật nồng nàn, mặn mòi và da diết tuyệt vời trong âm nhạc của ông cho dù cuộc sống khắc nghiệt và những biến cố khiến Siu Black đã nhiều khi tưởng như mất lửa, mất giọng hát.
Không già trong sáng tạo
Nguyễn Cường từng được Giải thưởng Nhà nước năm 2007 cho các ca khúc: “Hò biển” (sáng tác năm 1974), “H’Zen lên rẫy” (1981), “Một nét ca trù ngày xuân” (1984), “Em muốn sống bên anh trọn đời” (1989), “Đôi mắt Pleiku” (1994).
“Ca khúc không phải là không có sự lớn lao riêng của nó. Nhưng cái lớn lao mà tôi cùng một số bạn nghề tâm huyết cùng thời với mình vẫn thường đau đáu trong lòng là câu hỏi: Nhẽ nào những chàng trai Hà thành được nghe nhạc cổ điển từ bé, được học nhạc bài bản và trên hết là được chứng kiến bao biến đổi lớn lao bao gồm cả mất mát và vinh quang của dân tộc... lại chỉ để viết một vài ca khúc? Nếu để nói một điều gì đó thật mạnh mẽ, lớn lao thì tôi e một ca khúc 2-3 phút khó lòng mà tải hết được...” - Nguyễn Cường tự sự.
Vì vậy, để nói một điều gì đó thật mạnh mẽ, lớn lao, ông đã có “Đại bàng giọt đắng” dài 3 chương, chi phí khoảng hơn 1 tỉ đồng; “Mặt trời trên đỉnh Chư H’Drông” (4 chương), huy động tới 3.000 diễn viên, chi phí lên đến 2,7 tỉ đồng cho cả sáng tác, thu thanh, chỉ huy dàn dựng...
Năm 2016, với nhạc sĩ Nguyễn Cường hẳn là một năm đáng nhớ. Không chỉ thực hiện được live show đầu tiên trong sự nghiệp, ông vừa ra mắt “Đà Giang đại hợp xướng” và tới đây sẽ lại là một tác phẩm lớn khác về Tây Nguyên chuẩn bị ra đời. Rồi ông sẽ có thêm một “Hợp xướng biển”.
Không chỉ văn hóa làng, văn minh lúa nước, biển cả bao la mà đứng trước núi rừng hùng vĩ và những nền văn hóa lớn như văn hóa Mường, văn hóa đại ngàn Tây Nguyên, cảm thức hướng về cội nguồn của văn hóa Việt luôn sống dậy mạnh mẽ trong nhạc sĩ Nguyễn Cường. Đặc biệt, sáng tác của ông luôn rất tình, trẻ trung, tươi mới, nhất định không chịu... già.
Không cứ khẳng định bằng live show
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha khẳng định: “Live show Nguyễn Cường rất tuyệt vời. Nhưng để có thể khẳng định được một đời sáng tác bằng live show là rất tốn kém và khó khăn với bất kỳ nhạc sĩ nào. Với vai trò cá nhân của các nhạc sĩ, rất khó có thể kêu gọi cộng đồng, khán thính giả hãy bỏ bớt những sở thích nhạt nhẽo, vớ vẩn để chú ý và bồi đắp tâm hồn bằng việc thẩm thấu hơn nữa những tác phẩm đích thực, hướng về nguồn cội. Chẳng hạn, tôi cũng có 2 hợp xướng viết về Tây Nguyên nhưng chưa thể có tiền để dàn dựng, biểu diễn. Việc này rất cần sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức, đặc biệt là vai trò giáo dục văn hóa trong cộng đồng”.
Bình luận (0)