Tối 22-10, chương trình hát thơ Nguyễn Duy đã diễn ra lần đầu tiên tại TP HCM - đêm giao lưu nghệ thuật, hội ngộ giữa âm nhạc truyền thống được trình diễn bởi nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc và thơ đương đại của Nguyễn Duy.
Hiệu quả nghệ thuật đặc biệt
Thi phẩm đương đại của nhà thơ Nguyễn Duy được diễn tấu trong thang âm và điệu thức của 5 bộ môn sân khấu âm nhạc cổ truyền Việt Nam: tuồng, chèo, ca trù, chầu văn, hát xẩm, chính nhà thơ cũng hiện diện để đồng tấu với các bạn nhạc của mình.
NSND Thanh Hoài - giọng ca vàng và là bậc thầy trong nghệ thuật hát chèo, ngâm thơ cổ và nhiều thể dân ca khác - đã ngâm thơ và hát chèo “Khúc dân ca”, “Thật thà”. Nghệ sĩ Thanh Hoài từng là trụ cột của Nhà hát Chèo Việt Nam, nay sắp lên tuổi “thất thập”. Nửa thế kỷ ca hát chuyên nghiệp, bà vẫn sáng ngời trên sân khấu, giọng chuông vàng vẫn vang, sức diễn vẫn bền dẻo. Nghệ sĩ Thanh Hoài trước đây cũng từng hát thơ “Khúc dân ca” của Nguyễn Duy trong vở múa đương đại “Hạn hán và cơn mưa” của biên đạo múa Ea Sola. Không dừng ở Hà Nội và TP HCM, khúc ca ấy đã theo “Hạn hán và cơn mưa” qua nhiều sân khấu quốc tế, Á, Âu, Bắc Mỹ nhiều năm liền.
NSND Xuân Hoạch trút cả hồn vào bài chầu văn “Nhớ mẹ ta xưa”, làn điệu chầu văn đan xen hơi Bắc hơi Trung, uyển chuyển biến hóa theo ngón đàn nguyệt dây tơ mê hoặc người nghe. Bài “Xẩm ngọng” (hát xẩm) của Nguyễn Duy được NSND Xuân Hoạch biến thành “siêu xẩm” khiến khán giả thổn thức.
NSƯT Thanh Bình hát ca trù “Thơ tặng người xa xứ”; với chất giọng trong sáng, mượt mà và kỹ thuật thanh nhạc tinh tế, bà được coi là giọng hát mẫu mực trong làng chèo và là một giọng ca vàng của ca nhạc cổ. Các nghệ sĩ cùng trình diễn tập thể bài dân ca “Lời ru con cò biển” và hát văn hầu đồng tập thể bài “Tôi và em, và thánh thần”.
Hát thơ không phải chỉ có người Việt mới làm, các nhà thơ quốc tế nhiều người trở thành nghệ sĩ trình diễn thơ mình nhưng ở Việt Nam thì Nguyễn Duy là nhà thơ đầu tiên miệt mài tổ chức những chương trình hát thơ bằng những làn điệu dân ca, âm nhạc cổ truyền.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Trong các liên hoan thơ ở nhiều nước trên thế giới mà đặc biệt là khu vực châu Á và Mỹ Latin cũng thường thấy các nhà thơ quốc tế trình diễn hát thơ. Thơ Nguyễn Duy là thơ lục bát, chủ đề về đời sống dân gian, rất gần gũi và rất dễ để trở thành ca từ. Vì thế, trình diễn thơ Nguyễn Duy với âm nhạc dân tộc luôn đạt được hiệu quả nghệ thuật rất cao”.
Quả thật như vậy, những lời thơ của Nguyễn Duy khi trở thành ca từ của điệu hát ru, chèo, hát xẩm… thì người nghe cảm thấy da diết, khắc khoải và chất chứa bao nỗi niềm về thân phận.
Tạo không gian sống mới cho thơ
Nguyễn Duy là nhà thơ đương đại Việt luôn đi đầu trong việc sáng tạo cách thức giao tiếp, trình diễn thơ, tạo nên những không gian sống mới cho thơ, tìm ra nhiều con đường khác nhau để bạn đọc yêu thơ có thể cảm nhận và thẩm thấu tốt hơn những giá trị văn hóa của thi ca.
Nguyễn Duy cũng là nhà thơ luôn gây ngạc nhiên cho công chúng khi trên hành trình thơ ca của mình, ông miệt mài sáng tạo bằng việc chép thơ lên các chất liệu trình diễn gắn với đời sống người Việt như thúng, mủng, sàng, rổ, rá…; triển lãm ảnh nghệ thuật đề thơ in trên giấy dó truyền thống bằng máy in kỹ thuật số; làm lịch thơ ở Việt Nam; hát thơ với âm nhạc truyền thống.
Liên tiếp hai năm 2015-2016, Nguyễn Duy đã thực hiện thành công nhiều chương trình trình diễn thơ, hát thơ tại Hà Nội: giao lưu tại Trung tâm Văn hóa phố cổ Hà Nội; trình diễn thơ ở đình cổ Kim Ngân, phố Hàng Bạc (Hà Nội); hát thơ ở Trung tâm Văn hóa Pháp L’ Espace; trình diễn thơ ở các trường ĐH Văn hóa, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Sư phạm Hà Nội… Những đêm hát thơ Nguyễn Duy đều thành công hơn mong đợi, khán giả hào hứng, sôi nổi và có đủ các cung bậc sâu lắng, vừa có tiếng vỗ tay, tiếng cười vừa có cả nước mắt, những tâm tư thời cuộc được gửi trao. Các chương trình nghệ thuật hát thơ cũng đồng thời là cách giữ lấy tinh hoa văn hóa cổ truyền trong âm nhạc, tạo ra “đất” sống mới cho thơ, nâng tầm nghệ thuật của thơ, kéo người đọc lại gần với thơ hơn.
Cũng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trình diễn thơ thực sự là những chương trình nghệ thuật đánh vào cảm xúc của công chúng cả về thị giác và thính giác, tạo nên những cảm thức nghệ thuật mới mẻ. Giải Nobel năm nay thuộc về Bob Dyland cũng đã thể hiện quan điểm của Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh giá rất cao tính thi ca trong ca từ của nhạc sĩ này. “Thơ rất nên đến với công chúng bằng nhiều hình thức trình diễn khác nhau” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Nhà thơ Nguyễn Duy kể bài thơ “Khúc dân ca” mà NSND Thanh Hoài trình diễn đã được ông viết trong cánh rừng đại ngàn đạn bom dữ dội, ở mặt trận Đường 9 Nam Lào năm 1971. “Hiếm hoi phút tĩnh lặng nơi chiến trường, thoáng hiện trong tâm trí tôi toàn những cảnh yên bình vườn ruộng, câu hát ru dịu dàng, điệu cò lả thiết tha, thảnh thơi cuộc sống đời thường. Đó mới là đất nước trong mơ, thanh thản, giản dị, hạnh phúc. Từ đó, tôi quyết nuôi thơ lục bát của ca dao” - nhà thơ Nguyễn Duy bộc bạch.
Ôm trọn mối tâm tư đó, nhà thơ Nguyễn Duy liên tục tạo ra những cuộc chơi thi ca đương đại kết hợp với các giá trị nghệ thuật cổ truyền bởi ông cho rằng: “Nghĩ cho cùng, lịch sử mỗi dân tộc là lịch sử của một nền văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật. Càng hội nhập thì cái gốc của mỗi nền văn hóa càng cần rõ nét giá trị riêng, không thể đồng hóa”.
Đưa nghệ thuật truyền thống đến gần giới trẻ hơn
NSND Thanh Hoài mới giới thiệu CD riêng trình tấu các bài thơ Nguyễn Duy “Ta hát bằng lời của ta”, gồm: “Tre Việt Nam” - ngâm thơ, “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” - hát chầu văn, “Lời ru mùa thu” - hát ru Bắc Bộ, “Thật thà” - hát chèo…
NSƯT Thanh Bình cùng với NSND Xuân Hoạch cũng vừa cho ra lò CD chung của hai người mang tên “Tiếng thơ trong cõi nhạc”, gồm 12 bài thơ lục bát của Nguyễn Duy: “Tre Việt Nam”, “Xẩm ngọng”, “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, “Cơm bụi ca”, “Thơ tặng người xa xứ”...
Chính thơ đương đại của Nguyễn Duy đã làm mới mẻ lời ca của những bài hát ru, chầu văn, hát chèo, hát xẩm; giúp cho các làn điệu dân ca truyền thống đến gần hơn với người nghe đương đại.
Trước chương trình biểu diễn này, tối 21-10, tại Trường Nghệ thuật Soul Academy (214-216 Pasteur, quận 1, TP HCM), Soul Live Project (thuộc Trường Nghệ thuật Soul Academy; ra đời nhằm mục tiêu mang đến những cơ hội giao lưu âm nhạc và trình diễn nghệ thuật cùng các nghệ sĩ, nhà giáo dục nghệ thuật trong nước và quốc tế) tổ chức sự kiện “Tiếng thơ - cõi nhạc” đem nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả và các bạn trẻ, giúp họ cảm nhận và hiểu rõ hơn giá trị văn hóa Việt trong hành trình tiếp nối cũng như tiếp biến từ xưa đến nay. Chương trình giới thiệu tổng quan âm nhạc cổ truyền, trong đó các nghệ sĩ nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc giới thiệu một số bộ môn ca nhạc cổ truyền như tuồng, chèo, chầu văn, ca trù, xẩm; minh họa bằng các bài bản cổ điển và lời mới - thơ Nguyễn Duy.
Bình luận (0)