Phóng viên: Một trong những nhạc sĩ trẻ được giới chuyên môn đánh giá cao, một tên tuổi có sức hút trên thị trường âm nhạc. Với anh, điều đó có được xem là sự thành công?
- Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Quan niệm của tôi về sự thành công là được làm điều mình thích. Suốt những năm qua là chặng đường dài phấn đấu bằng đam mê và nhiệt huyết của tôi. Tôi chưa từng thấy mệt mỏi với những gì mình đang làm. Ngày nào tôi cũng “chơi” với công việc của mình.
Khi càng được nhiều người đặt niềm tin thì tôi càng cảm thấy tự hào và luôn phải nghĩ đến việc gìn giữ và phát huy những gì mình đang có. Tôi nghiên cứu và trăn trở mỗi ngày về việc làm cách nào để đóng góp cho nền âm nhạc. Được như hiện tại, tôi thấy mình quả thật rất may mắn.
Nhiều người nói hợp tác với Nguyễn Hải Phong bây giờ không dễ. Một là do anh quá bận, hai là thù lao trả cho anh không rẻ?
- Tôi bận thật và cái giá cũng cao thật, cả theo nghĩa vật chất lẫn tinh thần. Là người cầu toàn và kỹ lưỡng trong sáng tạo nên tôi dành nhiều thời gian và sức lực cho tác phẩm (kể cả không phải tác phẩm của mình). Xong một tác phẩm, tôi nghe đi nghe lại, đem khoe, tìm vẻ hài lòng trên khuôn mặt của cộng sự. Tôi thấy hạnh phúc khi họ hài lòng. Tôi nghĩ mình đáng được nhận những giá trị trả về tương xứng. Sao lại không?
Nhiều người ngạc nhiên bởi sự đối lập nhưng rất nhất quán trong lối viết ca khúc của anh. Những giai điệu trẻ trung rất hợp thời nhưng lời lẽ phê phán đầy sâu cay, cảm giác như anh là một nhà văn trào phúng trong âm nhạc. Điều gì đã kết tinh những nét đặc biệt ấy ở một nhạc sĩ còn trẻ tuổi như anh?
- Tôi không quen lắm với những lời ca ngợi. Tôi chỉ thích sự bình dị đơn giản. Những gì tôi viết là đời sống thật và cách nghĩ của tôi. Có sao nói vậy nhưng đừng thô thiển. May là những gì tôi nghĩ cũng gần với suy nghĩ của giới trẻ, cũng không quá xa với thế hệ lớn hơn. Đôi lúc có phê phán.
Ca khúc nói riêng và âm nhạc nói chung, suy cho cùng cũng chỉ là ngôn ngữ. Ngôn ngữ của chúng ta rất đẹp và rất sâu sắc, tôi cũng nghiên cứu nhiều. Việc của tôi là truyền tải ngôn ngữ Việt trên nền âm nhạc phương Tây.
Tiếng Anh hay tiếng nước ngoài nói chung, rất dễ đưa vào giai điệu. Ví dụ: Let it be của The Beatles, muốn hát giai điệu đi lên, đi xuống hay đi ngang đều được. Vì vậy, âm nhạc phương Tây đẹp ở giai điệu. Còn ngôn ngữ Việt thì không cho phép làm như vậy nên khó tạo ra được giai điệu đẹp hơn. Bởi vậy, ca khúc của ta nên đẹp ở ca từ. Tôi cứ phải làm đẹp ca từ của mình.
Có phải vì là người gốc Huế nên anh đặt lời ca đầy chất thơ và quan trọng là tạo được sự khác biệt với lớp nhạc sĩ trẻ hiện nay?
- Cũng có thể nói vậy. Người miền Trung dung hòa những gì có được của 2 miền Bắc - Nam, không phức tạp hóa mà cũng không đơn giản hóa, biết thân biết phận mà sâu sắc, đặc biệt ít nói. Tôi cũng không ngoại lệ dù đã nói nhiều hơn ngày trước.
Tôi được ba dạy là phải đọc sách nhiều. Ông không thể thiếu sách một giờ. Tôi có lẽ cũng ảnh hưởng điều đó. Thỉnh thoảng, ba mẹ tôi cũng hay nhắc nhở từ này dùng chưa đúng, từ kia dùng chưa hay, hãy cẩn trọng, hãy sâu sắc. Lúc bé, ba mẹ thường hay kể và phân tích cho tôi những điểm hay trong ca từ ngày xưa. Tôi chú tâm nghe khi ba mẹ dạy. Tôi là người trẻ nên có lẽ nhanh nhẹn trong việc dung hòa ngôn ngữ sao cho hợp thời. Tôi thấy mình thật may.
Theo cảm nhận của anh, điều làm nên sự khác biệt của Nguyễn Hải Phong với nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay là gì?
- Tận tụy, thích nghiên cứu, biết ơn thầy. Những điều này giờ hiếm thấy ở giới trẻ nói chung.
Còn tài năng?
- Những gì tôi đã làm được là những điều tôi từng mơ ước từ lâu nhưng đó chưa phải là tất cả. Tôi vẫn cảm thấy mình chưa đủ giỏi. Gặp ai tôi cũng thấy họ có điểm giỏi hơn mình và luôn muốn học hỏi thêm. Tôi nghĩ đây chính là điểm mạnh của mình, biết mình đang ở đâu và nên làm gì.
Sự xuất hiện của anh trong nhiều chương trình biểu diễn ở vai trò giám đốc âm nhạc thay vì những cái tên gạo cội hơn, đó có phải là dấu hiệu của một cuộc “lật đổ”?
- Tôi làm cho khá nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn. Tôi thực sự say mê công việc dàn dựng và đạo diễn này. Cách làm của tôi cũng khác, thiên về giải trí nhiều hơn, công nghiệp hơn. Đa số đạo diễn thường áp đặt, riêng tôi thì không như vậy. Tôi chỉ là người giúp các nghệ sĩ sáng tạo và hạn chế rủi ro giúp họ. Tôi nghĩ cách làm việc này mới mẻ và phù hợp.
Là một người làm nghề, anh có thấy lo với sắc thái âm nhạc hiện tại của nhạc Việt không?
- Có! Đa số nghệ sĩ đang chạy theo cái mới nhưng không phải ai cũng hiểu rõ cái gì là mới. Họ cho rằng mình làm cái hiện đại và chỉ hiện đại thôi, không cần biết đến cái cũ hay cổ điển là gì. Đó là sai lầm! Không biết cái cũ thì làm sao làm cái mới? Đáng lo chứ! Nhưng không sao, rồi chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn này.
Mong muốn của một người làm nghề với nhạc Việt hiện tại?
- Tôi mong muốn vấn đề bản quyền được bảo đảm, để chúng tôi có điều kiện tái tạo sức lao động và cũng để học hỏi nhiều hơn. Ít ra là để chúng tôi không thấy xấu hổ khi đi giao lưu với các nền âm nhạc nước khác.
Kế hoạch sắp tới của anh?
- Tôi sẽ làm phim ca nhạc và nhạc kịch hiện đại, tiếp tục làm công tác đạo diễn âm nhạc, sản xuất hoặc đồng sản xuất cho các đơn vị giải trí khác. Dĩ nhiên là tôi vẫn phải sáng tác đều.
Nguyễn Hải Phong (SN 1982) là một nhạc sĩ kiêm ca sĩ với giọng hát khá lạ. Ra mắt lần đầu tiên trên thị trường với bài hát Ngây ngô, anh nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình với những ca khúc được giới trẻ yêu thích sau đó, như: Đôi giày vải (album Lam Trường), Ngốc nghếch (album Bảo Thy), Bàn tay trắng, Góc tối, Tan biến... Tuy nhiên, Nguyễn Hải Phong chỉ thực sự trở nên nổi tiếng và đứng vào hàng những nhạc sĩ được yêu thích khi bắt tay thực hiện dự án nhạc dance cùng ca sĩ Thu Minh với album Body Language. Hầu hết các ca khúc trong album này đều trở thành ca khúc hit (ăn khách nhất) trên thị trường âm nhạc, như: Đường cong, Taxi, Bay, No Smoking...
Nhiều năm qua, ca sĩ Thu Minh vẫn tiếp tục hát những ca khúc ăn khách này trong mỗi lần biểu diễn và được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Ngoài ra, Nguyễn Hải Phong còn có những ca khúc ăn khách qua nhiều giọng ca khác, như: Lột xác, Em kể anh nghe, Con ma, Dòng thời gian…
Bình luận (0)