xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguyễn Khắc Viện - Ước mơ và Hoài niệm *

Dễ đọc vì lời văn giản dị như con người ông; đúng là những lời thủ thỉ của một cụ già tám mươi kể chuyện đời mình cho vợ con nghe. Khó hiểu không phải do ý tứ rối rắm, mà khó cho những người ít có dịp đọc văn phẩm cũng như theo dõi cuộc đời dày dặn của ông. Có vấn đề phức tạp, chẳng hạn bối cảnh và nội dung bài đăng tạp chí Esprit (Tinh thần) uyên bác dày cộm, mà đối tượng là trí thức Pháp ngữ.

Bài viết theo gợi ý của Đảng Cộng sản Pháp, nhằm thông qua kinh nghiệm của nhân dân Việt Nam, bác bỏ quan điểm mao- ít của  một  trí thức tên tuổi gốc Algérie là F. Fanon trình bày trong cuốn sách Những người đau khổ trên trái đất mới xuất bản, đang tác động tiêu cực đến sinh viên châu Phi học tập rất đông tại châu Âu hồi bấy giờ. Chuyện ấy ông kể trong nửa trang sách. Hoặc như  bài Bàn về đạo Nho, cũng đăng trên tạp chí ấy, tranh luận với ông tổ hiện sinh Albert Camus, Giải thưởng Nobel văn học, về mối quan hệ giữa Khổng giáo và chủ nghĩa Mác, tóm tắt chưa tới một trang.

Một con người nghị lực.- Hồi ký không theo trình tự thời gian, mà bắt đầu từ Câu chuyện dưỡng sinh. Tôi nhớ có lần nghe ông tâm sự: Cuộc đời mình sau khi chết nếu còn lại chút gì chăng, ấy là chuyện dưỡng sinh. Đây không chỉ là một thử nghiệm khoa học mà chủ yếu là tấm gương ý chí. Sáu mươi năm trước, một thanh niên cầm trong tay hai bằng bác sĩ, đang làm nội trú Bệnh viện Paris, chẳng may mắc bệnh nan y. Mười bảy năm liền điều trị. Bảy lần lên bàn mổ. Sau lần mổ cuối, các giáo sư y học khuyên bệnh nhân yên tâm nghỉ ngơi và... chờ chết. Bằng nghị lực, con bệnh ấy đã sống, không những sống dai mà còn “làm việc ít nhất bằng một người sức khỏe bình thường” (lời NKV).

Năm ông 70 tuổi, em trai ông làm bài thơ vui mừng thọ, có hai câu: Nhân sinh thất thập cổ lai hy / Anh Viện 70 chuyện lạ kỳ. Năm ông lên thượng thọ, Nguyễn Khắc Viện nối thêm hai câu: Nay lại 80 sao thế nhỉ / Bao giờ ông mới chịu ra đi?

Nhờ dưỡng sinh, ông già chỉ chịu ra đi ở tuổi 85.

Tổng kết cuộc đời sáu mươi năm làm việc không mệt mỏi, luôn ở hàng đầu cuộc sống  trí tuệ Việt Nam và châu Âu, Nguyễn Khắc Viện phân làm ba bước: Tham gia giải phóng dân tộc, tham gia đấu tranh dân chủ hóa, và tham gia khoa học con người. Ông viết: “Trong cả một quá trình như thế, tôi đã học đạo lý Nho giáo, rồi đến thuyết Mác, thuyết tự do, có mặt theo đạo Lão, có mặt theo đạo Phật. Tất cả những gì tôi tiếp thu được, nay tôi không phủ nhận, phủ định một vấn đề gì. Con người tôi tiếp nhận tất cả, xem đấy như là một cái vốn riêng”.

Nhất dưỡng sinh, nhì tâm lý trẻ em.- Cuốn hồi ký chưa bao quát hết. Có thể gia đình, những người làm sách (hoặc chính ông) chưa muốn công bố chăng? Tôi nghĩ thế cũng phải. Đã đành “cái quan luận định”, sau khi đậy nắp quan tài thì những người còn sống tha hồ luận định về người đã ra đi, người ấy không cất lời nữa, song lúc này đúng là chưa nên xới lại những cuộc tranh luận không cần thiết. Hơn nữa - đây là cảm nghĩ của riêng tôi - Nguyễn Khắc Viện cho rằng đời mình có hai sự quan trọng: “Thứ nhất dưỡng sinh, thứ hai tâm lý trẻ em”, những gì còn lại, dường như ông coi thứ yếu.

Đọc Nguyễn Khắc Viện, tôi cảm giác ông viết văn Pháp hay hơn văn Việt. Được quen ông, học ông từ lâu, tôi dám quả quyết không phải tại con người ấy sống bên Tây lâu quá (26 năm, và là những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời, khi định hình nhân cách) nên giảm bớt cốt cách Việt Nam. Hoàn toàn không phải. Tôi có dịp nghe Nguyễn Khắc Viện một lần nói về nghề tân văn, lớn tiếng khuyên các nhà báo trẻ: “Ai chưa thật thuộc Kiều, ca dao, Cung oán, Chinh phụ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, và cả thơ lãng mạn nữa, thì tìm ngay mà đọc, mà nghiền ngẫm, mà ngâm nga”. Cũng khó cắt nghĩa ông nhìn vào đối tượng để viết. Đối tượng văn Pháp của ông là trí thức đã đành, tác phẩm Việt ngữ của ông phần lớn cũng hướng về những người có  học vấn. Thật khó lý giải. Bởi vậy, tôi rất thú vị thấy trong Tác phẩm Nguyễn Khắc Viện, có in kèm nguyên văn diễn từ ông đọc nhân lễ trao Giải thưởng lớn về Pháp ngữ, năm 1992.

Giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Văn học Pháp.- Tôi đọc bài ấy khi còn là bản đánh máy. Tôi nói: “Anh không dịch ra tiếng Việt thì liệu có bao nhiêu người đọc bài của anh ?”. Ông cười buồn: “Mình hết hơi thật rồi. Ông thích thì ông dịch”. Tôi đã thử, nhưng không thành công. Chẳng phải ngôn từ quá khó khăn, vả chăng cũng chỉ dài có mươi trang sách. Có lẽ ông viết cho Tây đọc, chuyển ngữ thì giảm mất cái thần chăng. Thật khó lý giải. Chỉ xin được nói thêm: Nhà văn Algérie Mohammed Dib (1920-2003), nổi tiếng từ năm 1952 với tiểu thuyết Ngôi nhà lớn viết bằng Pháp ngữ, sau đó sang định cư 45 năm gần Paris, cho đến lúc qua đời, được báo Le Nouvel Observateur (Người quan sát mới) ca ngợi là “một nhà văn Pháp lớn đích thực”, báo Le Monde (Thế giới) gọi là “một nhà thơ lớn” của nước Pháp. M. Dib được Viện Hàn lâm Văn học Pháp trao Giải thưởng lớn về Pháp ngữ năm 1994. Báo chí châu Phi coi đó là một sự kiện lớn, bởi ông là “nhà văn Bắc Phi đầu tiên nhận giải thưởng”. Nguyễn Khắc Viện nhận giải trước Mohammed Dib hai năm, và là người thứ bảy trên thế giới được trao giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Văn học Pháp.

Sau khi xem hồi ký Nguyễn Khắc Viện, tôi nghĩ cũng cần tìm đọc lại tác phẩm của ông **.

Phan Quang

* Ước mơ và Hoài niệm, NXB Đà Nẵng, 2003

** Nguyễn Khắc Viện, Tác phẩm, sáu tập, NXB Lao Động, Hà Nội

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo