xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguyên mẫu nhân vật “chị Tư Hậu” đã đi xa

Nhà văn Anh Đức (ngày 22-1-2003)

NHÂN VẬT.- Với bút danh Bùi Đức Ái, nhà văn Anh Đức đã viết tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện (năm 1957) từ nguyên mẫu có thật là chị Tư - Nguyễn Thị Huỳnh, đó là nhân vật “chị Tư Hậu”

Cách đây năm ngày, tôi nhận được điện thoại gọi từ Nha Trang của cô Mai Ngọc Ánh báo cho tôi biết mẹ Ánh vừa bị ngã và cơn tai biến mạch máu nhẹ bà mắc phải lần trước nay tái phát trầm trọng. Nghe tin, lòng tôi đầy lo lắng. Mẹ cô Ánh là chị Nguyễn Thị Huỳnh - người phụ nữ mà cách đây đúng 45 năm, tôi đã được nghe chị kể chuyện đời mình, và tôi đã dựa vào câu chuyện ấy để viết ra tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện. Trong tiểu thuyết, từ nguyên mẫu thật của chị Huỳnh, tôi đã xây dựng chị thành nhân vật trong tác phẩm văn học là chị Tư Hậu.

Vào chiều 21-1-2003, từ Nha Trang, Mai Ngọc Ánh điện vào báo mẹ mình đã mất lúc 13 giờ cùng ngày. Dù biết trước rằng chuyện mất mát này khó bề tránh khỏi và sự ra đi của chị ở vào tuổi 83 là thọ, nhưng lòng tôi không khỏi bàng hoàng đau xót. Kỷ niệm vụt đưa tôi về một ngày đã xa trên đất Bắc. Đó là mùa hè năm 1957, tôi mới hăm hai tuổi, là biên tập và phóng viên Phòng Văn hóa Đài Tiếng nói Việt Nam, đi Nam Định để viết phóng sự về nhà máy dệt. Khi việc thâm nhập và lấy tài liệu đã xong, tôi về nhà khách nghỉ, để ngày mai trở về Hà Nội, tình cờ tôi gặp chị Huỳnh. Năm đó, chị mới 37 tuổi, là cán bộ tổ chức của nhà máy. Ngồi trò chuyện với chị, bỗng dưng câu chuyện làm cho tôi không thể dứt ra được. Bằng kinh nghiệm và linh cảm của một người ít nhiều đã trải qua sáng tác, tôi nhận thấy nơi bản thân người nữ cán bộ đồng hương miền Nam lớn hơn tôi 15 tuổi này chứa đựng một đời sống kháng chiến hết sức ly kỳ và phong phú... Lúc trở về Hà Nội, sau khi viết xong bài ký về Nhà máy Dệt Nam Định, tôi liền đem chuyện chị Huỳnh viết thành một truyện ngắn, lấy tên là Người chị đồng hương. Truyện này được phát trong buổi đọc truyện và được bạn nghe đài cho là một câu chuyện hay, xúc động. Tuy nhiên, khi đó có ý kiến của một đồng nghiệp, là một nhà văn tên tuổi, nói với tôi rằng ông lấy làm tiếc về việc tôi đã đem cốt truyện này đưa vô một truyện ngắn, bởi vì theo ông, phải với một truyện vừa hoặc dài mới có thể dung nạp hết mọi tình tiết của nó. Tôi suy nghĩ, thấy đây là một ý kiến chính xác, nên sau đó thay vì... đưa in trên báo Văn Nghệ thì tôi đã dừng lại.

Vào mùa đông năm 1957, với cốt truyện mà chị Huỳnh đã kể, tôi đem viết truyện dài, theo lối tự sự, tức là cho nhân vật chính là chị Tư Hậu kể lại đời mình. Do có sự xúc động đặc biệt đối với chuyện đời của chị, nên tôi đã dành trọn tình cảm và năng lực thể hiện, tập trung viết ngày đêm và đã hoàn thành tập truyện trong vòng nửa tháng. Vì lẽ bấy giờ câu chuyện đã được tôi sắp đặt, chị Tư Hậu kể trong một bệnh viện vào những ngày chị chờ đợi lên bàn mổ để giải quyết một căn bệnh, do hậu quả chín năm kháng chiến gian khổ để lại. Cuộc giải phẫu rất có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng. Như vậy, câu chuyện do chị Tư Hậu kể được đặt trong một tình huống gay cấn. Nhưng sau cùng cuộc giải phẫu đã thành công. Cái tên Một chuyện chép ở bệnh viện được tôi đặt cho quyển truyện là vì lẽ ấy. Viết Một chuyện chép ở bệnh viện, tôi có tâm trạng rất phấn khởi vì đã xây dựng được hình tượng một người phụ nữ can trường, dũng cảm của thời kháng chiến chống Pháp. Tôi cũng rất ưng ý vì đã triển khai được bút pháp trữ tình. Câu chuyện chiến tranh gian khổ ác liệt được kể lại tại bệnh viện, nhưng diễn ra ở những vạn chài bên bờ biển rì rào tiếng sóng.

Năm 1958, Một chuyện chép ở bệnh viện được NXB Văn Học - Hà Nội ấn hành và đã được bạn đọc hoan nghênh. Từ đó tới nay đã 45 năm, sách đã tái bản đến lần thứ 8 và được dịch ra các thứ tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Nga, Hungary, Nhật, Anh... Sau đó, vào năm 1961, theo đề nghị của Xưởng phim Truyện Việt Nam, tôi đã viết kịch bản văn học phim truyện dựa theo sách ấy, nhưng lần này tôi lấy tên phim là Chị Tư Hậu. Phim do nữ diễn viên điện ảnh Trà Giang đóng vai chị Tư Hậu và do Phạm Kỳ Nam đạo diễn, đã đạt thành công lớn, mãi tới nay vẫn được liệt vào hàng các bộ phim truyện kinh điển Việt Nam.

... Hôm nay chị Tư - Nguyễn Thị Huỳnh đã ra đi, sau gần 30 năm trở lại quê hương Khánh Hòa, sống đoàn tụ hạnh phúc cùng chồng con và các cháu. Tôi cũng được biết những đứa con mà chị đã sinh ra trên bờ biển trong những ngày gian khổ năm xưa, giờ đây đều đã lập gia đình và trở thành những cán bộ, những trí thức thành đạt. Những năm cuối đời, chị đã được bù đắp xứng đáng với những gì chị đã mất mát, hy sinh và hôm nay trong chuyến đi xa, tôi nghĩ rằng linh hồn chị Tư Nguyễn Thị Huỳnh - chị Tư Hậu thân yêu của tôi sẽ luôn được thanh thản trong tiếng gió và tiếng sóng không ngớt vỗ về tựa khúc hát ru nơi thành phố biển Nha Trang quê hương.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo