. Phóng viên: Thưa nhà văn Nguyễn Quang Sáng, ở tuổi hơn 70 mà ông còn viết ký, thể loại đòi hỏi phải đi nhiều, thật là sung sức?
- Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Nhà văn chúng tôi khác cánh báo chí là đi về phải có tác phẩm tức thời nộp cho tòa soạn. Những bài ký trong Nhà văn về làng tập hợp những bài viết tôi đã từng in báo mấy chục năm nay. Các bài ký đa phần do tôi đi chung với những nhà văn, nhạc sĩ: Nguyễn Tuân, Trịnh Công Sơn, Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Duy... mà thành. Tất nhiên, những bài viết cũng ít nhiều liên quan đến tên tuổi các vị vừa nêu.
. Tại sao ông cùng với các nhà văn và cả nhạc sĩ nữa về… làng mà tựa sách chỉ thấy có nhà văn thôi?
- Vì Nhà văn về làng là tên một bài ký ở trong sách, tôi viết chuyện tôi về làng của mình ở Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang. Lúc đầu tôi lấy tên tập ký này là Dòng sông trôi vẫn trôi nhưng nhà xuất bản bảo văn xuôi mà đặt tên nghe thơ quá sợ khó... bán nên đề nghị tôi đổi thành tên này. Xin nói thêm về làng tôi, đó là ngôi làng theo tôi biết là có ngôi chợ làng lớn nhất Đông Dương. Ngày xưa, người trong vùng muốn đi Sài Gòn hay Nam Vang (Campuchia) đều phải ra chợ làng tôi để đón xe và đò. Năm 1976, tôi dẫn đoàn làm phim Mùa gió chướng về quay ở đây, đó cũng là lúc người làng tôi biết đến thế nào là làm điện ảnh.
. Hình như đây là lần đầu tiên ông in thể loại ký thành sách?
- Đúng vậy. Từ khi viết văn đến nay tôi chỉ in truyện chứ không in ký. Lần này in ký rất đơn giản vì tôi muốn lưu giữ để làm kỷ niệm.
. Vậy những kỷ niệm gì đã lưu trong tập ký này?
- Nhiều kỷ niệm lắm. Tôi đã muốn tên sách là Dòng sông trôi vẫn trôi vì tôi nghĩ con người có đi góc biển chân trời rồi cũng về làng dù là về trong ký ức và dòng sông vẫn bình thản trôi như không hề có biến thiên nào diễn ra. Hơn nữa, các nhà văn như Nguyễn Tuân từng vào Sài Gòn, nhưng tôi là người đầu tiên dẫn ông về vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Ngay cả Trịnh Công Sơn cũng vậy. Sau vài chuyến đi như thế, Nguyễn Tuân ngạc nhiên, hồ hởi về một vùng đất. Còn Trịnh Công Sơn thì đã viết được nhạc phim Cánh đồng hoang sau những chuyến đi do tôi dẫn đường. Những bài ký đều liên quan đến các văn nghệ sĩ như tôi vừa nói trên.
. Theo tâm lý người già, lớn tuổi như ông hẳn nhiều hoài cổ, nhất là nhớ làng, nhớ tổ tiên?
- Đó là quy luật tất yếu không ai có thể thoát được. Tôi nhớ làng, cha mẹ họ hàng... bằng ký ức của tuổi thơ. Còn gì đẹp hơn khi làm người có quê để về, có tổ tiên để nhớ. Càng già càng thấy nhớ.
. Vậy ông có thường xuyên về làng không?
- Trong năm nay, tháng nào tôi cũng đi miền Tây do một công ty đang xóa cầu khỉ thay cầu bê tông mời đi chơi. Ở miền Tây, tỉnh này cách tỉnh kia chỉ một con sông và gần như ranh giới rất mỏng manh. Do đó văn hóa các vùng miền không có nhiều khác biệt nên về sông Cửu Long là như tôi đã về làng. Nhân những chuyến đi này, tôi đang ấp ủ viết một tập truyện mang tên Cây cầu khỉ.
. Truyện Cây cầu khỉ hẳn được thể hiện trong không khí “hồi nẳm”?
- Không hẳn vậy. Tôi tuy nhớ làng nhưng vẫn cố gắng đuổi bắt nhịp sống hiện đại. Bằng chứng là tôi chơi toàn với người trẻ hơn mình.
. Xin ông so sánh đôi chút về làng bây giờ với làng “trong ký ức”?
- Làng thời nào cũng vậy, đó là nơi ta đã sinh ra và lớn lên, có mồ mả ông bà nằm đó. Làng thời nào cũng có người tốt, kẻ xấu. Nhưng làng bây giờ khác xưa nhiều lắm do sự phát triển của thành phố và làng quê không cân đối. Nhờ về làng mà tôi tìm hiểu được tại sao có nhiều cô gái lên thành phố và lấy chồng ngoại kiều.
. Được biết căn nhà đang ở ông đã bán, vậy ông sẽ về làng “trồng cây kiểng và nuôi gà chọi”?
- Nhà tôi ở có 5 hộ, tất cả cùng bán, hiện chỉ còn tôi và một hộ chờ xây nhà mới xong vào tháng 8 năm nay sẽ dọn đi. Nhà mới của tôi cũng gần nhà cũ chứ không về làng đâu. Nói thực, về làng thăm chơi một hai ngày thì được chứ ở lâu buồn lắm. Nhất là bạn bè, thiếu bạn bè bù khú tôi không thể chịu nổi. Bạn bè và những chuyến đi khiến tôi có cảm hứng để viết.
. Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)