xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguyễn Quang Sáng vào tuổi bảy mươi

Nhà thơ Thanh Thảo thực hiện

Kịch bản Cánh đồng hoang và thằng con trai của tôi, cháu Nguyễn Quang Dũng - bây giờ là đạo diễn trẻ, mới làm phim Con gà trống - là “anh em sinh đôi”

Nỗi nhớ như con sông vẫn chảy mãi trong đời người”. Câu này là một câu thơ. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có làm thơ? Nhưng tôi nhớ đã đọc câu thơ ấy trong tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu, một tiểu thuyết tự truyện mà tôi cho là tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Quang Sáng. Nhưng tác giả lại có thể nghĩ khác. Với nhà văn, không nên nói trong các tác phẩm của họ cái nào hơn cái nào. Cũng như những đứa con anh, có thể đứa thế này đứa thế khác, nhưng anh vẫn yêu chúng với một tình yêu không phân biệt. Nhưng Nguyễn Quang Sáng có làm thơ trước khi viết văn xuôi, như nhiều nhà văn khác ở ta? Thắc mắc này, chỉ có thể hỏi tác giả. Nguyễn Quang Sáng cười... hồn nhiên: “Tôi cũng giống ông Giuốc –Đanh gì đó, cứ viết rồi nó ra cái gì thì ra, chứ cả đời tôi (cho tới giờ này) vẫn chưa làm một câu thơ bẻ đôi, theo lời một bài hát “bẻ đôi câu thơ, chặt đôi câu thơ”. Ra thế!

img Thanh Thảo: Nếu anh không khởi nghiệp văn bằng mấy câu thơ, thì tác phẩm đầu tay của anh là... tiểu thuyết?

- Nguyễn Quang Sáng: Đúng, tiểu thuyết. Tháng 4-1946 tôi xung phong vào bộ đội lúc mới 14 tuổi. Làm liên lạc. Trước đó tôi có học trường làng. Đâu có ai dạy tôi viết tiểu thuyết. À mà có. Hồi nhỏ, đêm đêm tôi nằm với bà nội trên bộ ngựa gõ nghe bà kể chuyện đời xưa. Mỗi đêm một chuyện, từ chuyện cổ tích đến chuyện thật trong nhà. Giọng kể chuyện của bà trôi chảy như dòng sông trước nhà. Có thể tôi đã nhập tâm những chuyện đó, có nhiều chuyện về gia đình tôi, xóm làng tôi lẫn với những chuyện huyền thoại. Lớn lên một chút, đi học biết chữ, tôi mê nhất là đọc truyện Tàu. Có lẽ trước khi tôi cầm bút viết văn thì “vốn” văn học của tôi chỉ ngần ấy. Tôi không hiểu vì sao sau này có một số nhà phê bình nói tôi chịu ảnh hưởng văn Hồ Biểu Chánh. Thực tình, lúc mới viết văn thì tôi chưa biết, chưa được đọc Hồ Biểu Chánh, còn khi đã viết được rồi mới có điều kiện đọc Hồ Biểu Chánh thì lại... không ảnh hưởng được nữa.

Tác phẩm đầu tay của tôi, chính là tiểu thuyết Đất lửa đó. Năm 1948, từ bộ đội tôi được cho đi học trường bổ túc văn hóa Nguyễn Văn Tố ở U Minh. Giám đốc Sở Giáo dục hồi đó là thầy Hoàng Xuân Nhị. Anh Hà Mậu Nhai dạy văn, còn thầy Sáu Chì (Nguyễn Văn Chì) cũng dạy văn. Nhưng thầy Chì cho điểm “nới” hơn thầy Nhai. Có bài luận của tôi, thầy Nhai chỉ cho nửa điểm/20. Phải thi đại học như bây giờ thì tôi “tiêu” rồi. Học cùng lớp, ngồi cùng bàn với tôi là Lê Vĩnh Hòa (nhà văn Lê Vĩnh Hòa – đã hy sinh trong thời Diệm). Hòa viết văn hay lắm, còn tôi hồi ấy chỉ giỏi... chơi đờn – đờn băng-giô. Lúc ra trường, Lê Vĩnh Hòa tặng tôi cây đờn băng-giô của anh. Thực ra hồi đó tôi mê học nhạc hơn học văn, và thích viết nhạc. Nhưng rồi tới năm 1952, sau thời gian làm việc ở Ban nghiên cứu Hòa Hảo, những gì tôi đã cảm nhận được từ tuổi ấu thơ ở vùng quê tôi, những gì tôi đã chứng kiến và trực tiếp tham gia trong kháng chiến, tất cả tự nhiên khiến tôi cầm bút...

 imgVà viết luôn... một cuốn tiểu thuyết?

- Đúng vậy. Chuyện Hòa Hảo là chuyện của làng tôi, của gia đình tôi. Bên nội tôi đều theo đạo Hòa Hảo, trừ ba tôi. Đất lửa mà tôi viết lần đầu được 300 trang. Nó không phải là tiểu thuyết anh hùng ca, mà là bi kịch trong nội bộ nhân dân. Tôi cũng không hiểu vì sao văn vẻ như tôi hồi ấy, tuổi tác như hồi ấy (mới hai mươi tuổi) mà viết được một cuốn tiểu thuyết dày tới 300 trang. Sau năm 54 tập kết ra Bắc, tôi mang theo bản thảo Đất lửa, nhưng rồi khi ra Hà Nội được đọc những Thép đã tôi thế đấy, Người mẹ, rồi đọc văn Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan... sau đó đọc lại “văn mình”, tôi quyết định “xóa bài làm lại”. Tôi coi bản thảo Đất lửa này như một tư liệu khởi động. Trước mắt, tôi viết truyện ngắn. Cũng là một cách luyện tay. Thực ra, Đất lửa là bản thảo đầu tay của tôi, nhưng truyện ngắn Con chim vàng mới là tác phẩm đầu tiên tôi được in. Sướng lắm. Lúc đó, tôi đang ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Văn nghệ. Truyện ngắn Con chim vàng được khen, có tiếng vang.

imgBây giờ đọc lại, anh có thấy truyện đó hơi cương, hơi “đấu tranh giai cấp” quá không?

- Truyện ấy tôi viết xong ngày 8-1-1956. Hồi đó là vậy. Tôi muốn khác cũng không được.

 imgRồi anh quay lại với Đất lửa?

- Nhờ công tác ở Hà Nội, tôi có điều kiện đọc rất nhiều sách. Và cũng giao du nhiều trong giới văn nghệ, được các nhà văn đàn anh giúp đỡ, góp ý. Khi quay trở lại với Đất lửa vào đầu những năm 60, cái “vốn” văn học của tôi đã kha khá. Coi như tôi viết lại toàn bộ tiểu thuyết này. Lúc đầu định chia làm hai tập, nên Đất lửa xuất bản ở Hà Nội trước khi tôi đi B có đề là “tập một”. Sau giải phóng, tôi sửa chữa, bổ sung và in lại thành một tập duy nhất.

 imgAnh là nhà văn rất có duyên với điện ảnh. Mối duyên ấy thực sự bắt đầu từ lúc nào?

- Cái duyên này bắt đầu từ một sự hơi... vô duyên. Năm 1971 lúc tôi đang ở chiến trường Nam Bộ thì nhận được tin ngoài Bắc làm bộ phim Chị Nhung lấy từ truyện ngắn cùng tên của tôi. Hình như phim ấy cũng không được “ngon” lắm. Chợt nghĩ lại: “Mình cũng có thể viết kịch bản phim như ai chứ sợ gì!”. Vậy là sau giải phóng, năm 1975, anh Mai Lộc đặt tôi viết kịch bản phim Mùa gió chướng, tôi “chơi” luôn. Sau đó, ông Lộc phân công, tôi cùng Hồng Sến và Lâm Tới kết thành đoàn làm phim, tôi làm chính ủy. Nhờ chuyến đi làm phim thực sự này, tham gia sâu vào các công đoạn, vào “bếp núc” của nghề làm phim, mà sau này tôi có thuận lợi khi viết những kịch bản phim khác. Trong việc làm phim, tôi đặc biệt quan tâm đến khâu nhạc trong phim. Ở Mùa gió chướng tôi nhờ Hoàng Hiệp viết nhạc. Hoàng Hiệp là người cùng quê với tôi, cùng đi bộ đội với tôi, có thời gian ở chung với nhau trong đội “tuyên truyền lưu động”, lúc đó Hoàng Hiệp đánh đờn măng-đô-lin, tôi đánh trống. Phim Cánh đồng hoang tôi mời Trịnh Công Sơn viết nhạc. Đây cũng là lần đầu tiên Sơn viết nhạc cho một bộ phim. Với Cánh đồng hoang tôi còn có kỷ niệm. Ngày 18-12-1978 tôi đưa vợ đi sanh, rồi từ bệnh viện về ngồi vào viết luôn kịch bản phim này. Coi như Cánh đồng hoang và thằng con trai của tôi, cháu Nguyễn Quang Dũng – bây giờ là đạo diễn trẻ, mới làm phim Con gà trống cũng kịch bản của tôi – là “anh em sinh đôi”. Đúng là cái duyên.

 imgTrong các nhà văn Nam Bộ, anh thích ai nhất?

- Tôi thích Trang Thế Hy và Sơn Nam. Hai ông này “Nam Bộ rặt ri”, mỗi ông một kiểu.

 imgNếu chỉ được chọn một tác phẩm của mình, anh sẽ chọn...

-. .. Tôi vẫn chọn Đất lửa mà tôi coi như mối tình đầu của tôi với văn học.

img Xin cảm ơn anh đã cởi mở trong cuộc chuyện trò lan man này.

 

****

Tiểu sử: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh ngày 12-1-1932. Quê: Xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Hiện sống và làm việc tại TPHCM.

Từ tháng 4-1946, xung phong vào bộ đội. Năm 1954 tập kết ra Bắc. Từ năm 1958, công tác tại Hội Nhà văn VN. Năm 1966 vào chiến trường miền Nam. Năm 1972, trở ra Hà Nội, tiếp tục làm việc ở Hội Nhà văn. Sau ngày giải phóng trở lại TPHCM, giữ chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn TP khóa 1, khóa 2 và khóa 3.

Ủy viên BCH Hội Nhà văn VN khóa 2, khóa 3 và là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn VN khóa 4.

Đã xuất bản:

- Văn xuôi: Con chim vàng (1957), Người quê hương (truyện ngắn 1958), Nhật ký người ở lại (tiểu thuyết 1962), Đất lửa (tiểu thuyết 1963), Câu chuyện bên trận địa pháo (truyện vừa 1966), Chiếc lược ngà (truyện ngắn 1966), Bông cẩm thạch (truyện ngắn 1969), Cái áo thằng hình rơm (truyện vừa 1975), Mùa gió chướng (tiểu thuyết 1975), Người con đi xa (truyện ngắn 1977), Dòng sông thơ ấu (tiểu thuyết 1985), Tôi thích làm vua (truyện ngắn 1988), 25 truyện ngắn (1990), Pari – tiếng hát Trịnh Công Sơn (1990), Con mèo Fujita (truyện ngắn 1991)...

- Kịch bản phim: Mùa gió chướng (1977), Cánh đồng hoang (1978), Pho tượng (1981), Cho đến bao giờ (1982), Mùa nước nổi (1986), Dòng sông hát (1988), Câu nói dối đầu tiên (1988), Thời thơ ấu (1995), Giữa dòng (1995), Như một huyền thoại (1995), Tổ quốc tiếng gà trưa (1995), Con gà trống (2002),. ..

- Kịch nói: Linh hồn gỗ (2002).

Giải thưởng văn học:

- Giải thưởng báo Thống Nhất 1959.

- Giải thưởng tạp chí Văn nghệ Quân đội 1959.

- Giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 1985, 1993.

Giải thưởng điện ảnh::

- Huy chương vàng Liên hoan Phim toàn quốc 1980.

- Huy chương vàng Liên hoan Phim Mát-xcơ-va 1981 cho bộ phim Cánh đồng hoang...

Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo