Phóng viên: Câu chuyện bếp núc của giới báo chí cũng như những mảng sáng tối trong giới showbiz được đưa lên màn ảnh rõ nét như trong “Nguyệt thực”(45 tập, đang phát sóng trên VTV3 lúc 21 giờ 20 phút các ngày thứ hai, thứ ba hằng tuần). Điều gì đã khiến chị chọn đề tài phức tạp và nhạy cảm này để viết kịch bản?
- Biên kịch Chu Thu Hằng: Ý tưởng của bộ phim xuất phát từ gợi ý của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Tôi và chị Huệ học cùng khoa văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Thi thoảng gặp nhau, trong câu chuyện của chúng tôi thường đề cập đến những bài báo giật gân, câu khách, đôi lúc khiến người đọc “lăn đùng” vì quá sốc, quá nghiệt ngã, rồi lại phải đính chính vì không đúng sự thật. Khi Huệ nói với tôi “nghề báo bây giờ đang có nhiều vấn đề, rất nóng, em làm báo, hiểu nghề, nên viết một kịch bản về nghề báo với những khó khăn, áp lực đang phải đối diện”, tôi đã nhất trí cao.
Quan hệ giữa báo chí và giới showbiz chỉ là cái cớ để chúng tôi giới thiệu với người xem những vấn đề đang rất nóng của báo chí hiện nay. Đó là áp lực tồn tại, là bản lĩnh, năng lực và cái tâm của những người cầm bút ở một môi trường nhạy cảm luôn được coi là “nghề nguy hiểm”. Báo giấy đang đối mặt với việc sụt giảm số lượng bản in; ngân sách cắt giảm, nhiều tờ báo phải bơi trong cơ chế cạnh tranh nhưng vẫn phải cố gắng để giữ định hướng. Báo mạng bung ra, các ấn phẩm phụ báo in bung ra không hẳn là giải pháp cấp thời để cứu nguy cho báo in chính thống mà là sự tất yếu của sự vận động phát triển xã hội thời đại công nghệ. Hơn lúc nào hết, năng lực, bản lĩnh, quan điểm làm báo và cái tâm của người làm nghề cần được đề cao để báo chí dù là loại hình nào: in hay mạng, chính hay phụ... cũng phải hướng đến sự thật, thực sự là điểm tựa tin cậy của bạn đọc, của xã hội.
Phơi bày những chuyện hậu trường vì đã quá rành nghề này nhưng phim truyền hình Việt Nam khi đi sâu vào từng ngành nghề thường không mấy thành công. Chị có ngại nghề báo khi lên phim sẽ không như mong muốn?
- Đó là điều tôi rất lo lắng. Hơn 20 năm làm báo viết mảng điện ảnh, tôi hiểu làm một phim khó nhọc thế nào và để thành công, không chỉ kịch bản tốt, đạo diễn giỏi, diễn viên hợp vai diễn xuất lột tả trọn vẹn cảm xúc của nhân vật mà các thành phần khác trong đoàn phim như bối cảnh, phục trang, đạo cụ... đều phải ăn khớp. Khi viết kịch bản, tôi luôn nghĩ cho nhà sản xuất nên không dám đưa vào kịch bản những bối cảnh quá khó, xa thành phố hoặc quá hoành tráng, “ngốn tiền”. Nhưng đơn vị sản xuất đã không ngại điều này. Họ chọn những diễn viên hạng A diễn xuất tốt, những bối cảnh tốt nhất và cũng không ngại đi quay xa. Tuy nhiên, đoàn phim là một đội quân lớn nhiều thành phần nên đôi lúc nhà sản xuất cũng không kiểm soát được mọi việc theo ý mình. Bởi thế, có một số chi tiết chưa được như mong muốn. Một vài diễn viên diễn còn cứng. Nhưng càng vào sâu, họ diễn tốt hơn.
Chị có tìm cách để tham gia vào nhiều công đoạn sản xuất bộ phim như kiểu các biên kịch Hàn Quốc đang làm?
- Đây là phim đầu tiên trong số 4 phim đã lên sóng tôi được nhà sản xuất thông tin chi tiết từ việc chọn đạo diễn, diễn viên, đội ngũ trang điểm đến việc định hình diễn viên thông qua trang phục... Họ gửi và muốn tôi góp ý. Tôi cũng có đóng góp... Nhưng đôi khi ra hiện trường, ngay cả ý tưởng và mong muốn của nhà sản xuất cũng phải thay đổi khi đối diện với nhiều hạn chế.
Thành công nhất ở “Nguyệt thực”, theo chị là gì?
- Tôi chỉ mới xem trọn vẹn 2 tập vừa phát sóng, cũng có những điều chưa hài lòng nhưng cơ bản, tôi thấy có không khí báo chí. Nếu để nói điều gì đó đọng lại với tư cách là biên kịch, tôi nghĩ thông qua bộ phim, không chỉ khán giả ngoài nghề mà ngay cả những nhà báo chính thống cũng sẽ hiểu hơn đôi chút nỗi cực nhọc của những người làm báo vì sự tồn tại và mục đích phục vụ bạn đọc. Báo in hay báo mạng, chính thống hay “lá cải” cũng có vất vả, cực nhọc riêng. Mỗi người sẽ tự soi vào mình để điều chỉnh vì sức mạnh của báo chí là sự thật. Đi ra ngoài điều này, sớm hay muộn cũng chết.
Có điều gì khiến chị phải nói “giá như” ở bộ phim này?
- Tôi chưa xem hết phim nên chưa thể nói được gì về những điều giá như của phim... Nhưng ở phần kịch bản, phim không chỉ đề cập đến quan hệ của giới báo chí và showbiz mà còn đề cập nhiều vấn đề nóng của xã hội như an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, chạy dự án, tham ô, hối lộ; những bất cập ở các dự án thủy điện và hệ lụy của nó... Những câu chuyện trong phim đều có thật và được cấu trúc, sắp xếp lại để tạo nên một câu chuyện mới gắn với số phận các nhân vật.
Kịch bản này tôi viết 2 năm trước, nếu ở thời điểm này, tôi sẽ đưa vào kịch bản vụ cá chết ở miền Trung và những vấn đề đang nóng khác. Tôi cũng sẽ đẩy vấn đề mạnh hơn, khốc liệt hơn. Đạo diễn Đào Bá Sơn, vai tổng biên tập báo Hiện Đại trong phim, nói với tôi: “Tạng em hiền. Lần sau, viết kịch bản, em phải quyết liệt vào, mặn chát, đắng ngắt, cứ vung tay mạnh, ra hiện trường tiết chế là vừa”. Nhưng nói thật, phim về nghề báo, lại làm cho Đài Truyền hình Việt Nam, quá tay chưa chắc đã được thông qua.
Viết kịch bản sau giờ làm việc
Trước “Nguyệt thực”, chị có kịch bản lên phim “Lời ru mùa đông”. Làm báo vốn bận rộn, chị lại là Phó Tổng Biên tập Báo Văn hóa, lấy đâu thời gian cho việc viết kịch bản phim?
- Tôi viết kịch bản sau giờ làm việc, đó là thời điểm yên tĩnh để sáng tác. Kịch bản có hàng chục nhân vật chính, thứ, mỗi người một công việc, cá tính sẽ quy định thoại và hành xử khác nhau. Nếu không yên tĩnh, không tập trung sẽ lạc từ nhân vật nọ sang nhân vật kia. Một ngày tôi chỉ ngủ vài giờ.
Tuy nhiên, tôi là dân báo, tham gia kiểm duyệt nội dung, nhiều ngày trực xuất bản nên thường ra khỏi cơ quan lúc 3-4 giờ sáng, về nhà chưa kịp ngủ lại dậy đưa con đi học, nhiều năm rồi nên quen. Thành ra, viết kịch bản đêm cũng không phải là áp lực quá lớn với tôi. Chỉ có điều nó sẽ là áp lực và kẻ thù của sức khỏe, nhan sắc với các nhà báo nữ.
Bình luận (0)