xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà hát cải lương xây rồi... đóng cửa!

Thanh Hiệp

Các nghệ sĩ có chuyên môn cho rằng công trình 132 tỉ đồng này hỏng ngay từ thiết kế ban đầu nên không thể sửa chữa theo đúng yêu cầu quy chuẩn của nhà hát

Nỗi lo thiếu sàn diễn để hoạt động của giới sân khấu cải lương vẫn tiếp diễn. Sau khi rạp Hưng Đạo được xây mới - có tên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - với kinh phí 132 tỉ đồng, đến nay đã gần 4 tháng, công trình này vẫn đóng cửa, chưa bàn giao. Bởi lẽ, hơn 10 hạng mục của công trình không được đơn vị thụ hưởng chấp nhận mà yêu cầu phải thay đổi, nâng cấp, sửa chữa theo đúng quy chuẩn nhà hát biểu diễn nghệ thuật cải lương.

Hỏng từ thiết kế, làm sao sửa!

Hơn 10 hạng mục nêu trên không sử dụng được là do thiết kế ban đầu không tôn trọng ý kiến đóng góp của những người làm chuyên môn sân khấu.

“Tôi là người có mặt trong buổi họp do UBND TP HCM tổ chức với ban dự án công trình và ban giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Khi đó, những ý kiến đóng góp của chúng tôi đã không được tôn trọng. Biên bản cuộc họp chắc chắn có ghi rõ những ý kiến của tôi và giới chuyên môn. Thực tế, sân khấu được cho là rất hiện đại trong nhà hát hoành tráng ấy không đáp ứng được các quy chuẩn của sân khấu cải lương” - đạo diễn Hoa Hạ, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho biết.

 

Thiết kế bàn điều chỉnh âm thanh có một không hai trên thế giới vì không ai đặt bàn này ở chính giữa khán phòng Ảnh: Hoa Cát
Thiết kế bàn điều chỉnh âm thanh có một không hai trên thế giới vì không ai đặt bàn này ở chính giữa khán phòng Ảnh: Hoa Cát

 

Đạo diễn Hoa Hạ dẫn chứng cụ thể: Sàn diễn quá nhỏ, bề ngang chỉ 10 m, nhỏ hơn cả sàn diễn của rạp Hưng Đạo cũ. Sàn sân khấu so với khán phòng lại quá thấp. Sàn diễn nhỏ như thế gây khó cho việc dàn dựng vở diễn, nhất là thiếu không gian cánh gà để chuyển cảnh, giấu cảnh. Theo đạo diễn Hoa Hạ, dàn đèn không hiện đại vì hệ thống này không đúng chất lượng; rạp xây dựng có thể không cần hố nhạc nhưng vị trí hai bên tiền đài phải có chỗ cho 2 dàn nhạc như rạp Hưng Đạo cũ...

“Trong khi đó, dàn ánh sáng của khán phòng lại quá dư thừa và không biết lắp đặt vào đâu. Trên dãy ban công của tầng lầu lại treo dàn đèn sai quy cách, có thể gây nguy hiểm cho người xem ngồi phía dưới bất cứ lúc nào. So với rạp cũ, số ghế khán phòng mới lên đến hơn 1.000 tính luôn trên lầu nhưng vị trí ghế trên lầu lại được thiết kế khá khó xem khi bị chắn ngang bằng khung sắt ban công. Người xem nếu ngồi trên lầu phải luôn ở tư thế chồm về phía trước. Sân khấu thiếu phòng hóa trang. Tất cả phòng hóa trang bố trí trên tầng lầu, nghệ sĩ phải di chuyển lên xuống mà thang lại quá dốc. Với những vở diễn cổ trang, nghệ sĩ đội mão, mang hia thì không thể nào di chuyển cho đúng tiến độ chuyển cảnh, chạy lớp trên tổng thể thiết kế quá nghịch lý như thế” - đạo diễn Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - bức xúc.

Trong khi đó, ông Võ Anh Kiệt, chuyên viên âm thanh của nhà hát, không chấp nhận việc thiết kế lắp đặt dàn điều khiển âm thanh ở giữa khán phòng, án ngữ toàn bộ hàng ghế khán giả phía sau.

Theo đạo diễn Trần Ngọc Giàu, có một hạng mục hết sức vô lý đã tồn tại trong nhà hát mới, đó là phòng giám đốc lại được xây dựng một bể tắm như khách sạn. Điều này rất lãng phí và không cho phép đối với một phòng làm việc của giám đốc một cơ quan nghệ thuật.

Kiến nghị rồi lại... chờ

Trước khi bị đập bỏ và được xây mới vào năm 2010, rạp Hưng Đạo đã xuống cấp trầm trọng vì xây dựng từ những năm 1960. Vì thế, khi rạp Hưng Đạo được đầu tư xây mới hiện đại với tên gọi Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo, sau đổi thành Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, là niềm vui lớn cho những người làm nghề lẫn khán giả mộ điệu bộ môn nghệ thuật này.

 

Đèn chiếu sáng sân khấu đặt trên đầu khán giả rất thô thiển và nguy hiểm Ảnh: Hoa Cát
Đèn chiếu sáng sân khấu đặt trên đầu khán giả rất thô thiển và nguy hiểm Ảnh: Hoa Cát

 

Thế nhưng, các thế hệ nghệ sĩ đã hụt hẫng khi bước chân vào nhà hát mới. Trong khi đó, lẽ ra họ phải tự hào vì từ nay đã có một sàn diễn hiện đại cho nghệ thuật cải lương trình diễn.

Tham dự cuộc họp gần nhất giữa ban giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang với UBND TP HCM, ban dự án xây dựng Sở Văn hóa và Thể thao TP do ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP, chủ trì, đạo diễn Hoa Hạ cho biết đã kiến nghị không nên sửa chữa. Bởi lẽ, hơn 10 hạng mục của nhà hát mới nếu sửa chữa lại chỉ mang tính chắp vá, làm cho xong rồi sử dụng một cách cưỡng ép.

 

Hàng chắn ban công trên lầu che tầm mắt khán giả Ảnh: Hoa Cát
Hàng chắn ban công trên lầu che tầm mắt khán giả Ảnh: Hoa Cát

 

“Làm nghệ thuật mà cơ sở hạ tầng nhà hát không tiện ích thì khó đạt hiệu quả như mong muốn. Do đó, tôi chính thức kiến nghị không sửa chữa, mà giao trả nhà hát này cho UBND TP để hoán chuyển cho đơn vị nghệ thuật nào có chức năng phù hợp với thiết kế đã xây dựng. Riêng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Hội Sân khấu TP kiến nghị xin tiếp nhận 1 trong 2 địa điểm: Rạp Olympic cũ, nay thuộc Trung tâm Văn hóa TP, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 hoặc rạp Quốc Thanh để lên đề án xây dựng mới, theo đúng quy chuẩn dành cho biểu diễn nghệ thuật sân khấu cải lương” - đạo diễn Hoa Hạ cho biết.

“Tuy nhiên, sau cuộc họp mới nhất thì ban thanh tra sẽ lại tiếp tục làm việc để đi đến kết luận sau cùng. Đến nay, nhà hát chúng tôi vẫn phải chờ chứ chưa biết thêm thông tin gì mới hơn!” - đạo diễn Trần Ngọc Giàu băn khoăn.

 

Thiết kế “kết hợp truyền thống và hiện đại”

Trung tâm Nghệ thuật Cải lương (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM, nay là Sở Văn hóa - Thể thao TP, làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 132 tỉ đồng từ vốn ngân sách của TP. Công trình có thiết kế kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, gồm 5 tầng lầu, 1 tầng hầm. Đây là công trình dân dụng cấp 2 với cơ sở hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng được đầu tư hiện đại.

Trung tâm có 2 sân khấu - sân khấu nhỏ khoảng 300 ghế ngồi và sân khấu lớn khoảng 600 ghế ngồi. Ngoài chức năng biểu diễn, công trình còn bố trí các sân khấu thể nghiệm, khu làm việc cho nhân viên nhà hát, khu đào tạo diễn viên, phòng truyền thống, khu vực sản xuất băng đĩa… Công trình này không chỉ để biểu diễn cải lương mà còn dành biểu diễn những loại hình sân khấu truyền thống khác như hát bội.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo