Có rất nhiều loại cá, nào rô, sặc, lia thia, tràu cửng…; cùng tôm tép, cua, ốc... Cho nên, một nồi cá đồng kho là một "hợp chủng cá", hay là tổng hợp tất cả các hương vị của mùa lúa chín. Từ thuở nhỏ, tôi đã mê món cá đồng kho. Ướp cá đồng bằng nước mắm, dầu phộng, tiêu, ớt…, nếu có một nồi đất cá thì càng hay. Bỏ cá vào nồi đất, chụm củi lửa liu riu, nhớ đừng dùng đũa khuấy đảo để cá không bị nát. Cứ lửa liu riu như vậy cho cá thấm tháp vị mặn, béo, cay, nồng… Cá đồng kho mùa lúa chín mà ăn với cơm gạo mới thì không còn gì ngon bằng!
Món cá đồng kho tưởng chỉ còn trong ký ức. Thế mà, một hôm, giữa Sài Gòn, tôi lại được ăn. Vì đã di chuyển gần cả ngàn cây số với một ngày rưỡi đi đường nên khi ăn phải bắc lên bếp hâm lại. Nồi cá kho không còn ngon như được thưởng thức ngay tại quê nhà nhưng tôi vẫn thấy ngon lắm và cảm động bởi má đã nghĩ đến những đứa con xa quê vì mưu sinh, trong lòng lúc nào cũng nhớ về quê nhà. Món quà quê má mang từ Quảng Ngãi vào là bao gồm tất cả những hương vị của ruộng đồng. Và, thêm nữa, là công dang nắng dang nôi của ba tôi. Tôi mường tượng cảnh ông nheo mắt cười vui khi nhìn dòng cá chui vào đơm, mường tượng cảnh má tôi lau dòng mồ hôi mà mỉm cười lúc ngồi canh nồi cá tỏa mùi thơm trên bếp.
Quà quê. Nồi cá đồng chẳng phải là món quà quê đậm đà hay sao! Tôi mang nồi cá ấy "chia sẻ" với vài người thân quen mà cứ đinh ninh rằng cá đồng kho quê tôi là ngon số một, trong khi quên hỏi rằng: "Có ăn được cá đồng hay không?". Thế là sau khi mang biếu vài người, tôi thấy ngài ngại. Cũng may là đa số đều khen ngon hoặc lịch sự bảo: "Của cho không bằng công cho". Riêng GS Huỳnh Như Phương sau này gặp nhau mới nói: "Món cá đồng mà T. cho, mình để dành ăn cả tháng mới hết"!
Những bụi bờ thơ dại
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp gặp lại mẹ của một người em từng ở chung nhà trọ với tôi thuở hàn vi. Ngày đó, để nuôi con học đại học ngành kiến trúc, người mẹ này phải từ bỏ quê nhà Bình Ðịnh vào Sài Gòn. Ở chung với con nhưng cứ cách bữa bà lại đón xe đò lên La Ngà - Ðịnh Quán (Ðồng Nai) mua trái cây về hẻm chợ Long Vân Tự (đường Bùi Ðình Túy, quận Bình Thạnh) ngồi bán. Sau khi tốt nghiệp, người con làm ăn phát đạt, giờ thì đã nhà lầu, xe hơi. Bà vẫn ở với con mà lòng thì cứ mong ngóng về quê.
Vào những dịp giỗ chạp, người con lái ô tô đưa bà về ngoải. Bà nói giờ già rồi, không còn ham của ngon vật lạ, chỉ thích được về quê và ra ngồi ở chỗ… mấy cái bụi.
"Tao thèm ngồi ngoài mấy cái bụi lắm" - bà nói với tôi mà mắt đỏ hoe. Còn tôi thì giật mình với nỗi thèm nhớ ấy. Tôi xa quê đã hơn 20 năm, luôn nhớ quê, luôn thèm nhớ những món ăn nhà quê. Nhưng bà thì không thèm nhớ món ăn, chỉ nhớ những cái lùm cây, bụi cỏ trên đường, ngoài đồng. Nếu có dịp về quê, bà lại tha thẩn đi và ngồi xuống nơi những cái bụi cái bờ như thế. Một đời người, rốt cuộc là chỉ muốn ngồi chỗ mấy bụi cây, lặng mình trong bóng mát. Ðiều ấy nghe thật đơn sơ, giản dị. Mà ở Sài Gòn này, đâu dễ gì tìm thấy những bụi bờ như thế.
Và tôi lại nhớ những bụi duối thấp thoáng trên cánh đồng quê. Ngày xưa duối mọc trên những bờ mương, bờ vùng, bờ thửa. Vào buổi trưa, lũ chúng tôi thường ra ngồi bụi duối thả cần câu. Bây giờ thì không tìm thấy một bụi duối nào nữa. Còn chăng là những hình ảnh trong thơ: Bụi duối, bờ tre nhạt nắng hè/ Lúa rơm từng đống xếp vàng hoe/ Dưa hồng, bí đỏ, khoai lang tím/ Tấp nập đường thôn, xe nối xe (Ðược mùa, thơ Ðoàn Văn Cừ).
***
Tôi ngồi viết những dòng này trong một quán cà phê ồn ã giữa Sài Gòn. Ðây là những ngày không có nồi cá kho của má, không có bánh tráng nướng bẻ giòn… Chỉ có một nỗi nhớ giăng đầy. Trong nỗi nhớ, không hiểu sao lại thấp thoáng những bụi bờ thơ dại, rưng rưng..
Bình luận (0)