xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà thơ Huy Cận nói về nhà thơ Tố Hữu: Bạn một đời, đồng chí một đời

Tô Hà ghi

Còn một hôm nữa sẽ đưa tang anh Tố Hữu. Mấy hôm nay tôi chưa hết bàng hoàng. Bạn một đời, đồng chí cách mạng một đời, biết bao nhiêu là kỷ niệm...

Anh Tố Hữu mất ngày 9-12-2002. Trước đó, tôi đã  rất nhiều lần vào thăm anh ở bệnh viện. Biết tình trạng anh nguy kịch nhưng tin anh mất vẫn làm tôi bàng hoàng đau xót, vì anh và tôi có nhiều kỷ niệm chung, có nhiều tình cảm bạn bè, đồng chí sâu sắc.

Anh Tố Hữu và tôi cùng học Trường Quốc học Huế. Tôi học trên anh hai lớp nhưng anh tham gia cách mạng sớm. Năm 1937, anh đã là Bí thư Đoàn TNCS của trường. Tháng 4-1937, anh Tố Hữu và anh Xuân Diệu lãnh đạo học sinh Trường Quốc học đi đón Gô-đa, đại diện của Chính phủ Bình dân Pháp sang thăm Việt Nam và đến Huế. Đi đón Gô-đa lúc đó là một thái độ phản kháng chính quyền thực dân tại nước ta. Sau cuộc đón này, chúng tôi suýt bị đuổi học, may có hội đồng giáo sư (cả người Pháp và người Việt) bênh vực nên chỉ bị cắt học bổng mà thôi. Mùa hè năm ấy, Tố Hữu bị mật thám Pháp truy lùng, anh em tìm cách giấu anh trong nhà thầy Lê Xuân Phương. Sau đó hai ngày, anh trốn đi chỗ khác. Học trò chúng tôi, ai cũng biết anh trốn trong nhà thầy Phương nhưng tuyệt đối giữ bí mật cho anh.

Cuối tháng 8-1945, có phái đoàn Chính phủ lâm thời gồm đồng chí trưởng đoàn Trần Huy Liệu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và tôi vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Trưa 29-8-1945, phái đoàn đến bến phà Mỹ Chánh ở Bắc Thừa Thiên thì anh Tố Hữu, với tư cách Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa (UBKN) Huế, ra đón đoàn. Gặp nhau trên phà, anh ôm tôi reo lên: “Huy Cận ơi, anh em ta lại gặp nhau rồi, mừng quá!”. Rồi anh nói với bà con đứng ở hai bên bờ sông: “Bà con ơi, đây là Chính phủ của ta, thật sự là của ta”. Về đến sân vận động Chợ Cống, thấy ông Phạm Khắc Hòe - Đổng lý Văn phòng của triều đình nhà Nguyễn - đang dò hỏi xem vị Chủ tịch UBKN là ai. Đến lúc nhân dân chỉ cho biết, ông Hòe hết sức ngạc nhiên: Không ngờ Chủ tịch UBKN là một người bạch diện thư sinh như thế! Lúc Bảo Đại làm lễ thoái vị, đoàn chúng tôi đứng trên lầu Ngọ Môn, riêng anh Tố Hữu thì đứng dưới sân vận động. Vì sao lại thế? Anh Tố Hữu về sau giải thích: “Chủ tịch UBKN Huế phải đứng ở dưới là để bảo vệ, nếu xảy ra chuyện gì lôi thôi còn ứng phó kịp thời, huy động quần chúng bảo vệ phái đoàn”.

Quê tôi ở Hà Tĩnh, một làng sơn cước nhưng tôi học ở Huế 10 năm, từ năm lớp 3 tiểu học cho đến khi đậu tú tài toàn phần. Cho nên tôi nhận Huế là quê hương thứ hai của tôi. Còn anh Tố Hữu quê ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Anh là người Huế gốc, là con đẻ của Huế, còn tôi là con nuôi. Nhưng con đẻ và con nuôi rất thương nhau. Chục năm nay, năm nào ở Hà Nội cũng họp hội đồng hương Huế và bao giờ tôi cũng được mời dự. Chủ tọa thường mời con nuôi lên phát biểu trước, sau đó mới đến con đẻ. Tôi học lâu ở Huế, rất mê Huế và cũng rất mê con gái Huế. Một ân hận của đời tôi là không lấy được một người con gái Huế làm vợ. Có lần tôi nói với anh điều ân hận ấy thì Tố Hữu cười nói: “Nếu bây giờ còn mê thì mình giới thiệu cho”. Rồi anh lại nói thêm: “Chính mình cũng không lấy con gái Huế mà lấy con gái Thanh”. Rồi hai anh em cười xòa với nhau.

Năm 1979, anh Tố Hữu và tôi gặp nhau ở sứ quán Việt Nam tại Paris. Hôm ấy có tổ chức một cuộc họp mặt đông đủ bà con kiều bào và cán bộ đang công tác, học tập tại Paris. Sau khi nghe nói chuyện, đại sứ đề nghị hai chúng tôi đọc thơ. Anh Tố Hữu có nhã ý nói: “Xin mời anh Huy Cận đọc trước”. Anh gợi ý tôi nên đọc bài Vạn lý tình. Tôi vừa đọc xong khổ thơ đầu thì anh thay tôi đọc tiếp khổ thơ thứ hai. Rồi anh giơ tay bảo: “Anh Huy Cận đọc tiếp”...

Tôi và anh Tố Hữu cách đây vài năm định cùng nhau làm một tuyển tập thơ, chọn 100 bài thơ hay nhất của Việt Nam từ thời lập quốc đến nay. Hai anh em đã định ra danh sách 100 tác giả từ thời Lý Trần cho đến sau này, nhưng chưa kịp chọn những bài cụ thể nào thì anh đã phải nằm viện. Những khi vào thăm anh, tôi không nhắc việc làm tuyển tập này vì biết anh đã quá mệt. Nay anh ra đi, tôi không những bàng hoàng thương xót mà còn bâng khuâng. Rồi đây tôi phải một mình chọn những bài thơ, tất nhiên là có cả thơ của anh nữa. Tôi sẽ... gọi dây nói đường dài sang thế giới bên kia để trao đổi với anh.

 

 

Nhà thơ Tố Hữu từ trần

Nhà thơ TỐ HỮU tên thật Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành, sinh ngày 4-10-1920, tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, do lâm bệnh nặng đã từ trần hồi 9 giờ 24 phút ngày 9-12-2002 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – Hà Nội.

Lễ tang nhà thơ Tố Hữu sẽ được tổ chức theo nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước.

Ban Lễ tang nhà thơ Tố Hữu do đồng chí Phan Văn Khải – Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ - làm Trưởng ban.

Thi hài nhà thơ Tố Hữu sẽ được quàn tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông – Hà Nội).

Lễ viếng từ 7 giờ 30 ngày thứ sáu 13-12-2002. Lễ truy điệu vào lúc 13 giờ 00 cùng ngày. Lễ an táng nhà thơ Tố Hữu sẽ được cử hành tại nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo