Nghe tin nhà Tế Hanh mất, rất nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam cảm thấy “sốc”.
Nhà thơ Vi Thuỳ Linh ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi vừa được báo tin nhà thơ Tế Hanh qua đời. Tôi thật sự bất ngờ và cảm thấy có lỗi, vì biết nhiều năm nay ông nằm liệt giường mà chưa thể đến thăm. Tôi được biết, gia đình nhà thơ Tế Hanh sống ở gác 2 căn nhà số 10 Nguyễn Thượng Hiền. Cuộc sống cũng chẳng dư dả gì, mọi gánh nặng cuộc sống dồn lên đôi vai của bà Trần Thị Lâm Yến, phu nhân nhà thơ Tế Hanh".
Nhà thơ Tế Hanh (Ảnh S.T)
Nhà thơ Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh năm 1921, quê làng Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông sáng tác thơ từ sớm và đã đứng trong phong trào Thơ mới với tập "Nghẹn ngào" giành giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn.
Ông cũng từng là Uỷ viên thường vụ Hội khoá I, II Hội Nhà văn Việt Nam (1957), Ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1963), tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khóa, giữ các chức vụ: Trưởng ban đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng dịch thuật (1983), Chủ tịch Hội đồng thơ (1986).
Tác phẩm chính của ông như: Nghẹn ngào (1939), Hoa niên (1944), Lòng miền Nam (1956), Chuyện em bé cười ra đồng tiền (1960), Hai nửa yêu thương (1967), Khúc ca mới (1967), Câu chuyện quê hương (1973), Bài ca sự sống, Con đường và dòng sông (1980), Vườn xưa (1992)…
Nhắc đến Tế Hanh là người ta nhớ đến những bài thơ tinh tế và giàu cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước. Đặc biệt là "Nhớ con sông quê hương", bài thơ đã được đưa vào chương trình học phổ thông.
Ngoài thơ, Tế Hanh còn dịch nhiều tác phẩm của các nhà thơ lớn trên thế giới, viết tiểu luận phê bình văn học, thơ thiếu nhi. Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
Nhớ con sông quê hương |
Bình luận (0)