“Nhà tôi ở phố Đạm Tiên”
Cơn bạo bệnh kịch phát cách đây mấy năm đã để lại trong ông những di chứng nặng nề khiến ông gặp nhiều khó khăn trong việc viết và liên hệ với thế giới bên ngoài. Ông Đinh La Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, đã đến thăm và tặng nhà văn một dàn máy vi tính cùng tài trợ nối mạng Internet miễn phí. Cùng đến có GS Nguyễn Lân Dũng và vài người bạn của HPNT. Đoàn người tìm tới phố "Đạm Tiên".
"Nhà tôi phố Đạm Tiên" - HPNT thường chỉ đường như vậy. Với một nét cười thoáng khóe môi. Chút hài hước chấp nhận thân phận và thêm một lần xác nhận thế cuộc phù du.
Mà Huế thì không có phố Đạm Tiên. Nếu có một phố tên là Đạm Tiên thật thì buồn quá. Ai lấy tên của một kỹ nữ tài hoa chết trẻ mà đặt tên phố để thành xui xẻo, mà mang lấy cái nghiệp dĩ đời bạc như vôi. Phố “Đạm Tiên" của HPNT nay ở Phan Bội Châu.
Con phố mang tên nhà chí sĩ liều thân đi tìm đường cứu nước. Người đi tìm đường cứu nước cũng thường bạc mệnh.
Một kiểu bạc mệnh khác Đạm Tiên. Mệnh bạc kiểu nam nhi. Có vô tình không mà hoa cỏ nơi đây cũng se se buồn, trong cái nắng Huế xanh xao chiều đông này.
Và đôi nhà thơ nổi tiếng HPNT và Lâm Thị Mỹ Dạ đang được che chở dưới mái một ngôi nhà xinh xắn, do Mỹ Dạ thiết kế lấy kiểu dáng. Cuộc hôn nhân bắt đầu năm 1973. Họ cùng đi qua những thăng trầm nóng lạnh của cuộc đời, có ngọt ngào nhưng cũng rất nhiều cay đắng. Điều quan trọng nhất là họ luôn có nhau trong những lúc hiểm nghèo. Khi HPNT phải gắn lưng với chiếc giường và chiếc xe lăn, Mỹ Dạ là người bạn đời nâng giấc dịu dàng.
Hoàng Phủ Ngọc Tường cười vui: “Tui lấy một người vợ làm thơ, đến lúc làm nhà mới biết là lấy nhầm phải một nhà thiết kế". Ông lại nói: “Trong khi tôi, cũng như những đàn ông khác, chỉ phải gánh một gánh là trách nhiệm với chính mình, thì Mỹ Dạ phải gánh gấp đôi, đó là bổn phận của người phụ nữ. Làm đàn ông thời này thoải mái sung sướng hơn đàn bà rất nhiều”.
Lâm Thị Mỹ Dạ đi vắng. Nghe nói chị họp Hội Nhà văn ở Hà Nội. Có một người đàn bà mộc mạc - xưng là bạn của hai vợ chồng – đon đả ra đón khách sau tiếng chuông. Mừng rỡ. Cho HPNT. Ông bị liệt nửa người, bị bạo bệnh giam cầm trong bốn bức tường. Tin HPNT bị bệnh và chữa bệnh đến đâu thì cả nước biết, bạn bè nước ngoài cũng biết. Nhiều bạn bè theo anh và Mỹ Dạ đến tận chân giường, đôi khi đồng hành trong những cuộc đi chữa bệnh khó nhọc và tốn kém. Cuộc gần đây nhất là tới “khu vườn kỳ lạ" ở Long An.
Sau chuyến đi này, hai vợ chồng vui, như được tiếp thêm sức lực và hy vọng vì sức khỏe khá lên. HPNT có thể ngồi khá lâu trên xe lăn và những dòng chữ viết bởi bàn tay duy nhất còn cử động được đã bớt vụng dại. Chữ đã lấy lại được đôi chút lãng tử thuở nào. Giọng nói đã rõ ràng hơn. Ông có thể ngồi trên xe trò chuyện hàng giờ quên mệt. Trên xe lăn mà vẫn như ngồi trên một con thuyền thúng, nôn nao những nỗi đời. Chỉ tiếc Huế yên tĩnh quá. Yên tĩnh đến mức một tiếng ong bay cũng có thể làm xao động. HPNT nói: Huế có thể rất tốt cho việc làm thơ và ngâm ngợi, cho “một cõi đi về" nhưng thiếu rộn ràng cho công việc, giao lưu và "cõi ở".
![]() |
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (ngồi xe lăn), Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, ông Đinh La Thăng, nữ nhà văn Võ Thị Hảo |
Từ phụ nữ đến sắc diện "phù dung"
Dường như trong suốt cuộc đời mình, HPNT bị ám ảnh bởi hoa. Đó là cái điều tươi trẻ mong manh còn lại với thời gian. Điều đó, cuộc đời lận đận những ngày tù cũng như những năm tháng bôn ba trên con đường khắc nghiệt của chiến tranh không tước đoạt nổi của ông.
Ông viết rất nhiều về hoa. Thiên nhiên trong thơ ông hiện lên mong manh, trân trọng, rưng rưng như một ân huệ mà loài người chưa hẳn đã đủ tư cách đón nhận. Cũng như vẻ đẹp của thiếu nữ, như một giọt sương mai ghé thăm thế giới này. Và đặc biệt, ông bị ám ảnh bởi sắc diện phù dung.
Không ngẫu nhiên mà HPNT có cả một tập thơ mang tên "Người hái phù dung". Dung nhan của loài hoa sớm nở tối tàn này thường trở đi trở lại trong văn thơ ông. Trong “Hoa bên trời", trên xe lăn, trong những ngày giao thời năm 2005 này, ông viết: "Hoa phù dung biểu lộ với tôi lòng ham thích cuộc sống của nó, mặt khác nó phải sống hụt một đời hoa... Mỗi lần nghe nhắc đến hoa phù dung, tôi lại thấy cảm giác rờn rợn như đối với một số phận đầy bi thảm. Như thể nó không phải một loài thực vật, mà là một thiếu nữ".
Mô tả nhiều sắc hoa với rất nhiều ưu ái và lưu luyến. HPNT nói như một người mang nợ: “Đã lâu rồi tôi không nhắc đến hoa và tôi cảm thấy tôi đã có lỗi đối với những người bạn tâm tình ấy dọc suốt một quãng đời chìm đắm trong khói lửa. Thật ra những cánh hoa nhỏ bé và mong manh ấy đã viền con đường tuổi trẻ đầy kham khổ của tôi. Chiến chinh qua rồi có nhiều cái tôi đã quên, nhưng những cánh hoa dại dọc đường không hiểu sao tôi vẫn nhớ như in, như thể chúng đã được ấn vào trí nhớ của tôi thành những vết sẹo".
Thôi em, cảm tạ chờ mong
Ngày anh đi hái phù dung chưa về...
(Đêm qua - trong tập thơ Người hái phù dung)
Mắc nợ loài hoa, với HPNT, tương tự mắc nợ những người phụ nữ mà phận cũng mong manh như hoa. Từ người mẹ tảo tần vốn là hiệu phó của một trường dạy nữ công ở Huế khó nhọc nuôi con ăn học qua những năm tháng khốn khó của các cuộc chiến tranh. Mắc nợ những người bạn gái tuổi học trò là ông tự hẹn sẽ hái tặng cô đóa phù dung trắng muốt vào buổi sáng nhưng quá nhiều bận rộn đến mức để lỡ một màu hoa và chỉ còn thấy một sắc tím ủ rũ vào cuối buổi chiều. Mắc nợ một cô gái Cà-tu đem tặng ông một bông hoa rừng “ngàn năm mới nở một lần" và nói: “Nếu anh yêu người khác, thì em cầu nguyện cho những bông hoa này chết đi”. Mắc nợ người bạn đời phải gánh trên vai gánh nặng gia đình, gánh nặng văn chương và thân phận người phụ nữ Huế còn nặng nề về lễ nghi trang trải với cả thiên hạ. Kẻ sợ làm người khác đau thì bao giờ chẳng mắc nợ!
Chia tay bạn bè, nhìn dàn máy vi tính vừa được tặng để tạo thuận lợi hơn cho cái sự viết, HPNT cảm động. Ông cảm ơn và nói: "Nghề viết văn là nghề rất nguy hiểm. Vì đó là nghề không có bảo hiểm. Người viết văn ta phải chịu lắm thứ hoạn nạn. Hai vợ chồng cùng viết văn làm thơ, đương nhiên hoạn nạn ta gấp đôi...”.
Và câu chuyện lúc chia tay vẫn không quên nói về hoa. Những bông “hoa bên trời": “Cuộc sống ngày càng khiến phụ nữ mong manh hơn. Và người ta không để ý đến điều đó. Cũng như kiếp hoa, phụ nữ họ cười đấy nhưng họ khóc đấy. Họ trẻ đấy nhưng họ già đấy. Tôi không đồng ý cái xu hướng thực dụng bợm bãi của nhiều người đàn ông bây giờ. Đó là xu hướng đòi trả lại những gì chưa kịp hưởng thụ sau chiến tranh. Nhưng điều này ở đàn ông đang làm nhiều phụ nữ đau khổ... Hãy trân trọng hoa và phụ nữ. Vì đó là nguồn mỹ cảm nuôi nấng cảm hứng sáng tạo không chỉ của các nhà văn và cả loài người"...
Bình luận (0)