Nhà văn Nguyễn Khắc Phục sinh năm 1947 tại Sài Gòn, quê gốc ở làng Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Từ khi còn rất trẻ, Nguyễn Khắc Phục nổi danh là người viết truyện ngắn và kịch bản sân khấu hay với các tác phẩm Hoa cúc biển, Ngã ba vô tình, Người từ giã cuối cùng. Kịch bản Người từ giã cuối cùng sau đó được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành kịch bản phim đầu tay Những ngôi sao biển.
Ông được cử đi học lớp bồi dưỡng những nhà văn trẻ khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá, Hà Nội rồi được cử vào chiến trường khu V làm công tác tuyên huấn và dân vận. Năm 1976 ông chuyển về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam và nổi tiếng với nhiều kịch bản phim nhựa như Chiến trường chia nửa vầng trăng, Sơn ca trong thành phố, Tự thú trước bình minh, Nhiệm vụ hoa hồng, Học trò thủy thần, Lạc cầm thứ mười ba, Bọn trẻ…Nguyễn Khắc Phục cũng nổi danh với bộ ba tiểu thuyết Học phí trả bằng máu, Đầu sóng, Thành phố đứng trước biển. Ông còn được biết đến với hàng chục vở kịch sân khấu…
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục vốn nổi tiếng về viết khỏe. Ông đã viết 13 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu, vài chục kịch bản lễ hội, trong đó có các kịch bản chính cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là đêm bế mạc Thành phố Rồng bay 10-10-2010 trên sân vận động Mỹ Đình. Sau Đại lễ, ông tiếp tục viết các kịch bản lễ hội văn hóa quan trọng nhất của đất nước…
Những ngày cuối đời, khi đang chống chọi với căn bệnh chết người, ngày vào viện truyền thuốc, đêm về cặm cụi sửa bản thảo, nhà văn đã kịp ra mắt tiểu thuyết “Hỗn độn”. Nhà văn từng chia sẻ, ông đã mất đến 10 năm để hoàn thành đứa con tinh thần này. Ông đã dồn hết cảm hứng, kinh nghiệm sống, niềm tin, niềm vui và cả nỗi buồn trong một cuốn tiểu thuyết. Thông qua những nhân vật đau khổ, Nguyễn Khắc Phục vẽ ra một hiện thực xã hội chua xót, đưa ra những dự cảm bất an về sự tha hóa của nhân phẩm con người.
Bình luận (0)