Phóng viên: Anh bắt đầu viết kịch bản phim từ khi nào?
- Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn: Khoảng năm 1980, đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến (Hãng phim Nguyễn Ðình Chiểu) đặt tôi viết kịch bản phim truyện cho hãng. Ðó là phim Biển sáng.
. Có người nói, kịch bản của Nguyễn Mạnh Tuấn chặt chẽ, sâu sắc, nhưng quyết liệt, đụng chạm nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, khoa học, kỹ thuật, nên đạo diễn phải chữa cho “đời thường” mềm mại hơn?
- Trong văn học cũng như trong điện ảnh, tôi quan niệm nghệ thuật nhất định phải cao hơn đời thường. Nếu nghệ thuật “sao y” lại đời thường thì... cuộc sống không cần nghệ thuật.
Phải chăng viết nhiều thường khó tránh khỏi sự dễ dãi và lặp lại?
- Không chỉ viết nhiều, phim truyền hình dài tập có đối tượng chủ yếu là đại chúng nên phải viết theo kiểu “tròn hình, rõ tiếng”. Người xem phim truyền hình không dễ tính, nhưng đa phần xem có tính giải trí nên hay rộng lượng với những sai sót, cẩu thả (nếu có). Ba đặc tính trên đều dễ khiến người làm phim ngộ nhận, dễ dãi và lập lại mình. Bởi thế, không chỉ biên kịch mà những người làm phim đều rất cần sự nghiêm khắc để tránh căn bệnh này.
Nếu đạo diễn yêu cầu anh bỏ hoặc thêm một nhân vật, anh có đồng ý không?
- Tùy từng trường hợp. Mới đây khi đặt hàng viết kịch bản phim nhựa Lưới trời lồng lộng (đạo diễn Phi Tiến Sơn), tôi được yêu cầu viết hai tập, nhưng kinh phí được duyệt chỉ đủ cho một tập, buộc phải cắt bớt một nửa. Gia đình tổng giám đốc nọ có hai con, đạo diễn bàn rút xuống còn một, tôi tiếc đứt ruột nhưng thấy tinh thần kịch bản vẫn được tôn trọng nên đồng ý. Còn một phim khác vừa phát hình, nhân vật nữ đầu kịch bản lần lượt có ba con, cuối kịch bản, đứa lớn đã đi học đại học, khi lên phim chỉ có... mỗi một đứa chừng bốn tuổi, tức chuyện xảy ra hơn 20 năm chỉ còn... 4 năm, tôi thiếu điều... muốn xỉu!
Có khi nào anh xem lại “đứa con” của mình nhưng chẳng nhận ra nó?
- Phim Tội phạm (đạo diễn Trần Cảnh Ðôn), khi phát trên tivi, do không xem từ đầu nên tôi không biết của ai. Xem xong, vợ chồng bảo nhau “Thằng nào làm được, nhưng hình như mình đã xem... ở đâu rồi”. Lúc ăn cơm, vợ tôi sực nhớ. Tôi gọi điện hỏi biên tập hãng phim. Anh này nói: “Phim của ông đấy:”.
Có ý kiến cho rằng truyền hình VN không nên làm phim dài tập, chỉ nên dừng lại ở mức thể nghiệm?
-Ưu thế của phim truyền hình chính là phim nhiều tập, không thể không làm. Theo tôi, nếu rơi vào một trong các yếu tố: tiền quá ít, kỹ thuật quá nghèo nàn, kịch bản kém, đạo diễn dở thì không nên làm, kể cả làm phim thể nghiệm.
Bộ phim Blouse trắng sắp ra mắt khán giả. Anh có nghĩ phim này sẽ hay hơn phim Anh em nhà bác sĩ, Bệnh viện đa khoa của Hàn Quốc?
- Do tự ái với phim Anh em nhà bác sĩ mà tôi viết Blouse trắng, nhưng không nên so sánh hơn thua với phim Hàn Quốc, vì Blouse trắng không cùng khuynh hướng như hai phim nêu trên. Tuy nhiên, tôi tin đạo diễn Trần Mỹ Hà sẽ đưa đến người xem một bộ phim hay, hấp dẫn, đủ để công chúng hài lòng về phim Việt
Bình luận (0)