xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân, muốn gặp ông hãy tìm trên mạng...

V.H.K

(NLĐO)- Đúng 22 giờ đêm 4-7, nhà văn Thái Bá Lợi gọi cho tôi báo tin “ông Xuân mới mất”. Sáng hôm sau, bản tin đầu tiên về sự ra đi của ông xuất hiện trên www.google.com. Tôi vừa gõ “nhà Quảng học” rồi “Nguyễn Văn Xuân” vừa nhớ lại mấy lần được gặp ông ở Sài Gòn, Đà Nẵng. Nghĩ, một khối óc đồ sộ đã mất đi, một nhà văn suốt đời lặng lẽ, đã không còn. Như cây cổ thụ cuối cùng dưới bầu trời văn chương Quảng Nam- Đà Nẵng, ông đã thật sự nằm xuống sau 86 năm sống giáp hai đầu thế kỷ 20- 21, để lộ ra một khoảng trống kinh hồn và choáng ngợp. Không thể cùng nhà văn Thái Bá Lợi chạy đến ông trên đường Thái Phiên, Đà Nẵng, tôi trắng đêm đi tìm ông trên mạng!

Tác phẩm nhiều kỷ niệm nhất.

Tại một bài viết của nhà văn trẻ Trần Trung Sáng, một trong những tác phẩm ra đời để lại cho nhà văn Nguyễn Văn Xuân nhiều kỷ niệm nhất là trường hợp của cuốn biên khảo Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc. Lần đầu tiên, ông đã phát hiện trong đống sách của một gia đình nghèo, có xuất xứ từ gia đình bà Chúa Nhất, dòng vua Thành Thái, lẫn trong các sách chữ Nôm có cuốn Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc, có tựa của một nhà xuất bản vào năm Gia Long thứ 14 (1815) và nguyên tựa của dịch giả. Ông cho rằng cuốn sách này là một thực tế độc lập mà cũng là một bổ sung- cho cuốn Chinh phụ ngâm bị khảo của học giả Hoàng Xuân Hãn (Minh Tân, Paris, 1953) là một kỳ thư về ngành nghiên cứu văn học theo văn bản học. Và ông đã xác quyết dịch giả đích thực là Phan Huy Ích và tên tác phẩm là Chinh phụ diễn âm tân khúc chứ không phải là Chinh phụ ngâm. Điều này đã gây ra sự tranh cãi không ít trên văn đàn miền Nam, thời trước 1975, và đến nay gần như còn bỏ ngõ.

Một kỷ niệm khác diễn ra vài năm gần đây khi tên tuổi nhà văn Nguyễn Văn Xuân lại được bàn luận, nhắc đến với tác phẩm cuối đời của ông: Kỳ nữ họ Tống. Đây là một đề tài được ông ấp ủ, xây dựng khá lâu, dựa theo câu chuyện về một người đàn bà có thật trong lịch sử xứ Đàng Trong, đã một thời làm đảo điên cả triều đại Chúa Nguyễn, suýt xoá bỏ cả tên triều đại này trong lịch sử Việt Nam ngay những thập niên đầu của thế kỷ 17. Tác phẩm này đã được Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật toàn quốc trao giải A năm 2003.

Nhưng là nhà văn... không tên.

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân sinh năm Tân Dậu (1912) tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông thường được bạn đọc cả nước biết đến như một nhà Quảng Nam học qua các tác phẩm: Dịch cát (1966), Khi những lưu dân trở lại (1967), Hương máu (1969), Phong trào Duy Tân (1969), Chinh phụ Ngâm diễn âm tân khúc (1971)... Theo Trần Trung Sáng, ông có truyện ngắn đầu tay từ năm 17 tuổi, tựa đề “Bóng tối và ánh sáng” được gởi tham gia một cuộc thi do tạp chí Thế Giới (Hà Nội) tổ chức, nhưng một thời gian sau truyện này được tạp chí Báo Mới (Sài Gòn) công bố đoạt giải nhất (không có tên tác giả). Khi tìm hiểu, ông được biết, hoá ra, tạp chí Thế Giới đã giải thể và bỏ mất luôn tên và địa chỉ tác giả dự thi kèm theo, song người chủ trương Thế Giới (nhóm Trần Đình Tri) chuyển sang lập tờ Báo Mới và tiếp nối cuộc thi nơi đây (khoảng năm 1939). Tuy là tác giả... không tên nhưng sự kiện này lại là một trong những động lực đầu tiên làm ông phấn khích quyết tâm theo đuổi văn nghiệp.

Cũng trên mạng, tôi đọc được đoạn sau: Báo Kiến thức Ngày nay số 297 trang 186, mục "Ai sao?" có một độc giả tên Lê Minh (Khánh Hòa) hỏi: “Vì sao các nhà văn Võ Hồng, Sơn Nam, Nguyễn Văn Xuân, Kiên Giang, Bình Nguyên Lộc không có tên trong Từ điển văn học do nhà xuất bản Khoa học Xã hội in năm 1983-84?” Người phụ trách chuyên mục là Phan Hoàng trả lời: “Chúng tôi thiết nghĩ ông nên gởi thẳng câu hỏi này về Ban biên tập Từ điển văn học và NXB KHXH.

Tin rằng ông sẽ nhận được hồi âm cho thắc mắc mà dường như tất cả những người yêu thích văn chương đều quan tâm. Chúng tôi chỉ xin lưu ý, bên cạnh những nhà văn trên đây, còn rất nhiều tên tuổi văn học đáng kính khác cũng không hề được nhắc đến, dù chỉ cái tên, trong bộ từ điển tầm cỡ quốc gia này”. Không biết đến lúc này, tên ông có được bổ sung vào từ điển nhưng với không ít thế hệ người đọc ở miền Trung, chỉ cần nhắc Nguyễn Văn Xuân là người ta nhớ. Thậm chí có người còn nhớ giai đoạn 1945- 1954, ông chuyên chú vào kịch nghệ khi đảm nhận nhiệm vụ ủy viên kịch nghệ của Hội Văn nghệ Quảng Nam và liên khu V. Nhiều vở kịch được ông biên soạn trong thời gian này đã tạo được không khí sôi động trong đời sống xã hội lúc bấy giờ như “Kẻ xu thời”, “Một chuyện không tiện nói ra”...

Xuân đã sắp già rồi!

Một lần nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh giao “nhiệm vụ” đưa ông đi chơi ở Sài Gòn, tôi sung sướng như một tiểu đồng. Tuy cuộc đi gần như phi thời gian, thậm chí phi không gian nhưng sự khoái hoạt, hài hước của ông làm tôi thú vị. Câu thơ Xuân Diệu "Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!/ Em ơi em, tình non sắp già rồi" thỉnh thoảng được ông... biên tập: “Em ơi em! Xuân đã sắp già rồi!”. Ông chơi chữ, mùa Xuân không còn trẻ ấy là tên của nhà thơ Xuân Diệu và cũng là tên của Nguyễn Văn Xuân. Thoắt, ông nghiêm túc giảng giải cho tôi: “Những câu thơ này không chỉ có ý nghĩa suông nói về tình yêu, mà nó phản ảnh lên một sự nôn nóng cách tân đất nước từ trào lưu thơ mới, nên nó vẫn luôn có giá trị bất cứ lúc nào”.

Sau này, gặp lại ông ở Đà Nẵng, dù đã bị tai biến, ông vẫn mẫn tiệp giảng giải cho tôi về “tài làm kinh tế thị trường” từ rất sớm của người Chăm khi họ biết lấy nước ngọt từ những chiếc giếng vuông bán cho tàu buôn của người Tây. Hoặc khi trò chuyện với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hồi tết 2003, ông vẫn rất hiền từ, khoan hòa, vui vẻ nhận sách tặng của “chú Bồ Câu Ánh” và chọn tư thế đẹp cho tôi chụp hình. Thật tiếc, sau đó không lâu, ông phải ngồi xe lăn, thỉnh thoảng mới xuất hiện chốn hậu bối. Một khuya, dưới đèn đường đầu ngõ Thái Phiên, tôi cầm tay ông và ngẫm về chiếc lá cuối cùng trong một truyện ngắn của O’ Henry. Xúc động, tôi điện thoại anh Huỳnh Ngọc Chênh để trò chuyện với ông và sau đó, tương tự Hội Cựu giáo sư và Cựu học sinh Phan Thanh Giản, chúng tôi đã có chút chia sẻ khó khăn với nhà văn kính mến, để gọi là... Nào ngờ, đó là lần cuối cùng tôi được làm “tiểu đồng” cho ông.

Tác phẩm Nguyễn Văn Xuân trên mạng.

Hầu hết tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Xuân ra đời khi chưa có internet. Vì vậy tác phẩm của ông trên mạng hầu như vắng bóng, ngoại trừ vài trước tác trên website của Hội cựu giáo sư và cựu học sinh Phan Thanh Giản (Đà Nẵng), nơi ông từng là thầy giáo. Tại một bài viết của ông, tôi đọc thấy tinh thần xứ Quảng rất là “phản biện”. Trích đoạn: “Nói đến Quảng Nam, người ta hay nhắc chuyện học. Người Quảng Nam cũng tự tin, tự hào về mặt này.

Họ lại cũng hay nhắc về “Ngũ phụng tề phi”. Tôi nhớ trước kia, các sinh viên Quảng Nam có đề nghị tôi phát biểu về sự kiện này. Tôi cũng cho đó là điều đáng quan tâm qua những kỳ thi Hội, thi Đình ở một vài tỉnh. Ba tiến sĩ, hai phó bảng cùng đỗ một khoa thi thì cũng đúng là “năm con phượng cùng bay”. Nhưng trong việc học, bằng cấp cao đến đâu cũng chỉ đánh dấu sự khởi đầu... Điều quan trọng nhất của việc học hành, chính là đậu để làm gì? Để lập sự nghiệp. Năm nhà đại khoa đó có sự nghiệp chính trị, văn hoá, học thuật nào? Tôi không thấy. Vậy ta nên coi đó là giai thoại giúp cho các bạn trẻ phấn chấn hơn trong việc học hành. Học giỏi, đậu cao, phụng sự đất nước, có sự nghiệp xứng đáng, lưu danh là điều đáng quý, đáng trân trọng, noi gương.

Song đã có “Lục phụng bất tề phi”. Phạm Phú Thứ (tiến sĩ), Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu (phó bảng), Trần Qúy Cáp, Huỳnh Thúc Kháng (tiến sĩ), Phạm Như Xương (Hoàng Giáp) và ngoại trừ Phạm Như Xương ít hiểu biết nên cho dù ông bỏ quan để theo Nghĩa hội Quảng Nam rồi sau đó là chỗ dựa bí mật và là cố vấn cho Quang Phục Hội (phong trào Đông Du của Tiểu La và Phan Bội Châu). Nếu nói học thì ông có học vị cao nhất khắp miền Nam, còn hành thì ông hành động như một đại trí thức”. Ông khẳng định: “Lục phụng bất tề phi mới thực sự nêu gương cho người Quảng Nam và Việt Nam để tuổi trẻ biết thế nào là học và hành, bây giờ và cả trường kỳ lịch sử”.

Khoảng tối của số phận.

Uyên bác là vậy nhưng số phận của nhà văn sống xuyên qua hai thế kỷ không nhàn nhã lắm. Chuyện tế nhị này đã được nhà văn- nhà báo Nguyễn Minh Sơn đề cập từ khi nhà Quảng học phải ngồi trên xe lăn. Xin trích đoan: “Số phận của nhà Quảng học Nguyễn Văn Xuân có chỗ éo le mà ít người nào cầm bút viết về ông dám nói trắng ra được. Đó là chuyện tế nhị mà người ta sợ chạm vào nỗi đau của ông. Cả đời ông phải cầm bút để nuôi sống một gia đình mà vợ và hai người con đều bị bệnh tâm thần phân liệt.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, người rất quý mến Nguyễn Văn Xuân, có lần đã viết: “Đến tuổi này không phải viện đến câu “cái quan định luận” cũng có thể luận định về ông. Vả lại có lúc (không biết vui miệng hay buồn miệng) ông nói chuyện với những người quanh ông (phần lớn là những người bạn vong niên tuổi tác chỉ bằng con cái của ông – trong đó có tôi) về đám ma của ông. Câu chuyện luôn pha nét hài hước của một người đã từng trải đến mức có sống thêm cũng chẳng lấy làm khao khát. Nhưng ông cũng sợ chết, sợ vì cái gánh nặng đời trên vai không biết trút cho ai”.

Giờ đây gánh nặng ấy không còn trên đôi vai ông nữa. Lớp hậu bối chúng tôi cầu mong ông nhẹ nhàng mà đi, thanh thản mà đi... Và từ nay, muốn gặp ông, chúng tôi lên mạng!

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo