icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà văn Trần Huiền Ân: “Sống như là để giỡn chơi”

Nguyễn Hoàng

Bước vào tuổi 70, chân đi khập khễnh vì đang bị bệnh gút, ông già có mái tóc xoăn, vầng trán rộng vẫn đùa vui bên các cháu nội ngoại.

Thoạt trông ông như bao bậc cao niên hưu trí an nhàn ở tỉnh nhỏ này. Đời người thế là đủ rồi ư?

Trần Huiền Ân

Dự phóng

Hôm nay bỏ rượu, mai bỏ thuốc

Mốt bỏ cà phê, tiếp bỏ trà

Quán cóc bên đường bè bạn gọi

Vẫy chào xin phép được đi qua.

Sách vở người xưa từng đã dạy

Gạo hẩm lưng nồi, nước giếng trong

Co tay làm gối bình yên ngủ

Vẫn có niềm vui thật với lòng.

Cứ thế rồi ta thành ông lão

Tóc búi, râu dài cũng bạc phơ

Chẳng phải lụy phiền đôi mắt kính

Mỗi bình minh đọc một câu thơ.

Và mỗi buổi chiều, chân guốc gỗ

Tay cắp sau lưng dạo chợ tàn

Ơ, cuối cuộc đời là vậy vậy

Dãy lều trống vắng nắng dần tan

Dăm đứa trẻ đùa tung cát bụi

Bảo rằng: Cụ giống vị tiên ông

Muốn mua tặng chúng đôi bì kẹo

Sờ túi thì ra... lão Tiên khồng!

Hôm đầu tiên tôi tìm đến nhà thì vợ ông bảo: “Anh Huệ đi đám tang một người thầy cũ từ sáng ở huyện Sơn Hòa”. 70 tuổi mà còn đi tiễn thầy về cõi vô cùng nghe thật lạ lùng. Bất chợt tôi cảm thấy vui vui vì hạnh phúc không chỉ của nhà văn Trần Huiền Ân mà chỉ đơn giản là của một con người bình thường.

Gia tài của nhà văn Trần Huiền Ân có khoảng hơn 10 tác phẩm. Bắt đầu là thơ với tập Thuyền Giấy in năm 1967. Rồi ông viết truyện ngắn, biên khảo, nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian... của một vùng đất. Vùng đất mà như ông nhận định: “Không khí trầm lặng, Phú Yên chỉ thích hợp với người già. Những người già kể chuyện hồi nẳm, chuyện chiến khu...”. Đọc 3 tập thơ, 4 tập truyện mà ông đã xuất bản, tôi mường tượng được không khí bàng bạc của quá khứ như nguồn cảm hứng sáng tạo của ông.

Thế mà ông vẫn cho rằng: “Tôi làm thơ, viết văn, biên khảo... cũng chỉ để cho vui. Vô tư như người ta làm nháp”. Nói xong ông đọc thơ: Cuộc đời ơi hỡi thương nhau lắm/ Mà sống như là để giỡn chơi. Thuở bắt đầu sáng tác, Trần Huiền Ân đã là nhà giáo, ông dạy học từ năm 1957–1975. Đồng lương nhà giáo đủ để ông cho nhuận bút là “của phi nghĩa” nên dùng của ấy vui với bạn bè. Song sau này, chính nhờ “của phi nghĩa” mà ông đã lo toan việc học hành cho một đàn con. Nhuận bút nuôi con ăn học của ông không chỉ từ chữ nghĩa, ông còn cầm cọ đi vẽ panô tuyên truyền nông thôn đổi mới những năm bao cấp vào dịp sắp Tết. Nhà văn Trần Huiền Ân lúi húi vẽ bác nông dân vác cuốc, chị nông dân ôm lúa... Những người nông dân từ dưới ruộng bước lên đứng xem rồi bình luận: “Sao không vẽ chúng tôi đi ô tô, ở nhà lầu... cho sang?”. Nhà văn Trần Huiền Ân chỉ biết cười và nghĩ về khoản “nhuận bút” cho các con đi học sau Tết.

Các con của nhà văn chắc chắn không phải là tác phẩm “làm nháp” rồi, như thơ của ông: Đời cha lấy tên các con làm niềm vui. Và ông đã đặt tên các con ông đầy kỳ vọng dù người nghe phải cần ông giải thích vì khi đọc thì “méo cả miệng” như: Trần Nguyện Hoằng Nhuyên (Đá chứa ngọc); Trần Hoạch Chuyết Nhuynh (Ngọc trong đá); Trần Triêu Ngõa Huyến (Nắng sáng rực rỡ trên mái ngói); Trần Xuyên Vũ Huyến (Mưa rực rỡ trên sông)...

Sống như là để giỡn chơi, vậy mà đôi lúc ông bị “quy chụp” vì cái tội dám “giỡn chơi” vô tư ấy. Thôi thì như một tai nạn của kiếp người, rồi ông cũng vượt qua được nhờ cầm tinh Đinh Sửu (tử vi bảo rằng Đinh, Nhâm, Quí mạng số rất vững). Tôi không mê muội chuyện số mạng, tôi chỉ tin rằng nhà văn Trần Huiền Ân sáng tạo được là vì: “Giỡn chơi như là để... sống”.

Ông già khập khễnh chống gậy ra sân tiễn khách. Gió hôm nay thật nhiều, trời mù như sắp mưa. Mùa xuân đấy ư?

Nhà văn Trần Huiền Ân sinh năm 1937 tại Phú Yên, hiện sống và viết tại quê nhà, tên thật là Trần Sĩ Huệ. Tên và bút danh của ông ghép lại thành Ân Huệ nhắc “kẻ sĩ” nhớ ơn cuộc đời. Trước 1975 đã xuất bản hai tập thơ là Thuyền Giấy (1967) và Năm Năm Dòng Sông Thơ (1973). Sau này ông vẫn sáng tác đều tay và nhận được nhiều giải thưởng văn học cũng như biên khảo. Trong đó đáng kể là công trình biên khảo Đất Phú Trời Yên được giải nhì (không có giải nhất) của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 1996. Công trình này dày trên 300 trang bản thảo, hiện vẫn chưa có “điều kiện” xuất bản.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo