Phóng viên: Hơn 20 năm sau, Hội Nhà văn Hà Nội mới tổ chức hội nghị những người viết văn trẻ lần II (diễn ra từ ngày 24 đến 26-9). Phải chăng đã đến lúc cần xốc lại những người viết trẻ hôm nay?
- Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Hội Nhà văn Việt Nam thường tổ chức hội nghị những người viết văn trẻ 5 năm/lần, còn Hội Nhà văn Hà Nội để đến hơn 20 năm là do các nhiệm kỳ trước chưa quan tâm hoặc quên đi việc này. Ở nhiệm kỳ này, chúng tôi thấy trên địa bàn Hà Nội, lực lượng viết trẻ khá dồi dào, khá đông nhưng họ lại chưa được tập hợp. Chúng tôi cũng hy vọng hội nghị lần III, IV sẽ được tổ chức đều đặn hơn. Điều cốt yếu là sau mỗi lần hội nghị lại có những gương mặt trẻ, mới để có sự tiếp nối.
Chúng ta thấy trên văn đàn, thế hệ tiền chiến đã không còn, thế hệ chống Pháp thưa thớt, chống Mỹ cũng nhiều tuổi. Trên mặt báo và các nhà xuất bản bây giờ là những tên tuổi mới. Về mặt số lượng, họ xuất hiện đều đặn, xuất bản nhiều, một số người đã tạo dựng được tên tuổi của mình. Nhưng nhìn chung về chất lượng, tác giả nổi lên xuất sắc rất ít.
Và điều khiến người đọc cảm thấy buồn là những trang viết của người viết văn trẻ hôm nay đang vô cảm với thời cuộc, chỉ quanh quẩn những vui buồn hời hợt. Có phải chúng ta đang thiếu tài năng không?
- Tài năng là thiên phú, không tạo ra được. Chúng ta chỉ tạo ra những điều kiện để tài năng (nếu có) phát triển. Những người trẻ bây giờ không bị gò ép vào cách viết nào, cũng không bắt buộc phải theo đề tài, họ viết những thứ thân thiết với họ. Nhìn vào những gì đã xuất bản, rõ ràng người ta thấy nhà văn trẻ chỉ quẩn quanh với những vui buồn, hời hợt của lớp trẻ, ít đi sâu vào đời sống đất nước, nhân dân, ít đầu tư cho những vấn đề lớn, những tác phẩm lớn. Những ngày ở hội nghị, chúng tôi đã nêu lên những vấn đề này, dù không bắt buộc nhưng tôi nghĩ nhà văn cũng phải có ý thức với cuộc sống, đi sâu vào cuộc sống.
Người viết trẻ hôm nay đang chạy trốn thời cuộc, không có trách nhiệm với xã hội hay là họ bị làm khó trong cấp phép xuất bản nên không có tác phẩm “gai góc” nào được công bố?
- Tôi khẳng định, trước hết đó là trách nhiệm của nhà văn. Những ngày diễn ra hội nghị, cũng có những nhà văn trẻ đặt vấn đề như thế và chúng tôi đã tranh luận với nhau. Tôi nói thế này, anh là người viết, anh được tự do sáng tạo, không ai chui vào đầu anh để cấm hay chỉ cho phép anh viết cái nọ, viết cái kia. Trước hết là từ cá nhân anh.
Vấn đề xuất bản có thể khó khăn, có thể tác phẩm của anh chưa xuất bản được nhưng không ai cấm được ngòi bút của anh cả. Ý thức công dân, ý thức trách nhiệm xã hội không cho phép anh chỉ quẩn quanh trong thế giới riêng của mình. Khi viết về lớp trẻ thì anh cũng phải đi sâu vào giới trẻ, phải nói cho ra được vấn đề của người trẻ hôm nay trong vấn đề chung của xã hội, của đất nước. Rõ ràng các nhà văn trẻ mới chỉ quẩn quanh trong những thất thường, vui buồn bên ngoài; trong khi những vấn đề của thời cuộc, của đất nước đang rất cần các nhà văn nói chung và nhà văn trẻ nói riêng quan tâm thể hiện.
Vậy theo ông, làm thế nào kích thích được giới trẻ làm được những điều mà xã hội mong muốn và kỳ vọng?
- Chúng tôi vẫn nói công việc viết lách là hoàn toàn riêng tư, cá nhân. Hội đoàn, xã hội là những nơi tạo điều kiện cho họ cọ xát, trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, tự do, từ đó gợi mở được những vấn đề xã hội quan tâm. Ba ngày ngồi với nhau ở hội nghị lần này, những người viết trẻ và chúng tôi cùng hiểu ra những cuộc gặp như thế này cần có nhiều hơn, không chỉ là hội nghị mà là những cuộc tiếp xúc, tọa đàm thảo luận về tác phẩm của họ. Cần những cuộc gặp mà họ có thể nói lên những suy nghĩ, ước muốn, từ đó mình tạo ra điều kiện để thúc đẩy những ý tưởng họ đang manh nha hoặc giúp họ gỡ bỏ những khó khăn trong quá trình sáng tác. Từ đó, tôi tin sẽ có tác dụng thúc đẩy những người trẻ suy nghĩ, có cảm hứng và viết sâu hơn về cuộc sống hôm nay.
Bình luận (0)